Thu hoạch lúa tại huyện Vị Thủy, tỉnh Hậu Giang. |
Trong thời gian qua, do ảnh hưởng của biến đổi khí hậu đã ảnh hưởng không nhỏ đến hầu hết các mặt của đời sống, kinh tế- xã hội vùng ĐBSCL, đặc biệt là lĩnh vực sản xuất nông nghiệp. Đỉnh điểm là trong đợt hạn hán, xâm nhập mặn lịch sử diễn ra vào đầu năm 2016 đã gây thiệt hại cho hàng trăm ngàn hecta lúa của người dân ở các tỉnh như: Sóc Trăng, Hậu Giang, Trà Vinh, Bến Tre, Bạc Liêu...
Thống kê từ Sở Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn tỉnh Sóc Trăng, trong đợt hạn hán, xâm nhập mặn vào đầu năm 2016 đã làm cho gần 9.600 hecta lúa trên địa bàn tỉnh bị thiệt hại, trong đó có có gần 4.000 hecta lúa vụ Đông Xuân và Xuân Hè bị thiệt hại từ 70% trở lên. Còn ở tỉnh Trà Vinh, hạn hán, xâm nhập mặn cũng đã gây thiệt hại cho gần 30.000 hecta lúa, ảnh hưởng đến đời sống của hơn 42.200 hộ dân. Tại tỉnh Hậu Giang, thiệt hại do hạn hán, xâm nhập mặn năm 2016 cũng đã gây ra cho trên 6.000 hecta lúa Đông Xuân và Hè Thu của bà con ở huyện Long Mỹ, Vị Thủy, Phụng Hiệp. Trong những tháng đầu năm 2017, tình hình thời tiết tại tỉnh Hậu Giang diễn biến bất thường, xuất nhiều cơn mưa trái mùa làm cho hàng chục hecta lúa của người dân huyện Vị Thủy, Châu Thành A bị gãy đổ, ảnh hưởng đến năng xuất, chất lượng cũng như giá bán...
Hiện nay các tỉnh, thành vùng ĐBSCL đang tập trung đầu tư xây dựng các công trình thuỷ lợi trọng điểm nhằm phục vụ tưới tiêu tạo điều kiện thuận lợi trong việc chuyển đổi đất lúa kém hiệu quả sang cây trồng cạn. Hoàn chỉnh các công trình thuỷ lợi khép kín chống mặn xâm nhập, tăng cường công tác theo dõi cập nhập số liệu thời tiết thuỷ văn, độ mặn thường xuyên để lấy nước ngọt trữ phục vụ sản xuất; nạo vét kênh mương, nâng cấp, tu bổ đê bao, bờ bao nội đồng. Bên cạnh đó, các tỉnh, thành cũng đẩy mạnh việc ứng dụng khoa học công nghệ cho từng mô hình, điều kiện sinh thái của từng tiểu vùng, xây dựng các mô hình sản xuất tưới nước tiết kiệm, triển khai canh tác lúa thông minh thích ứng với biến đổi khí hậu. Đặc biệt những vùng thiếu nước và trồng lúa kém hiệu quả được chuyển sang trồng màu, trồng cỏ chăn nuôi hoặc thực hiện mô hình luân canh lúa - màu.
Tỉnh Hậu Giang có khoảng 80.000 ha đất trồng lúa, để bảo vệ được diện tích lúa này trong điều kiện biến đổi khí hậu, tỉnh Hậu Giang đang tập trung hình thành các vùng sản xuất lúa tập trung có hệ thống cơ sở hạ tầng đồng bộ nhằm tạo thuận lợi để đưa tiến bộ kỹ thuật, chuyển đổi cơ cấu giống và cơ cấu mùa vụ phù hợp với điều kiện sinh thái của từng vùng. "Hiện nay tỉnh Hậu Giang đang triển khai xây dựng 6 mô hình cách đồng mẫu lớn (mỗi mô hình có diện tích từ 300 đến 500 ha), được áp dụng các tiến bộ kỹ thuật trong sản xuất 3 giảm 3 tăng, SRI, 1 phải 5 giảm, ứng dụng nấm xanh trong quản lý rầy nâu, ứng dụng công nghệ sinh thái trong quản lý dịch hại tổng hợp; tập trung xây dựng nhiều mô hình tưới nước tiết kiệm theo kỹ thuật tưới ngập - khô xen kẽ, kết hợp với trữ nước ngọt cho các kênh mương nội đồng..."- Ông Nguyễn Văn Đồng, Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn tỉnh Hậu Giang thông tin.
Tại buổi tọa đàm tìm giải pháp canh tác cây trồng hợp lý thích ứng biến đổi khí hậu vùng ĐBSCL mới đây ở tỉnh Hậu Giang, Giám đốc Trung tâm Khuyến nông Quốc gia, Trần Văn Khởi cho rằng, biến đổi khí hậu đang ngày càng có những tác động mạnh mẽ tới ĐBSCL. Do đó, đây là lúc cấp thiết phải xây dựng các giải pháp nhằm giảm thiểu, khắc phục những tác động này đối với ĐBSCL. Trong đó, giải pháp quan trọng và hiệu quả là chuyển đất lúa kém hiệu quả sang trồng cây khác có hiệu quả cao hơn và sử dụng ít nước hơn, tăng diện tích luân canh lúa – màu và lúa – thủy sản, chuyển đổi cơ cấu mùa vụ trong các vùng ngọt hóa, không ngập và ngập nông. Nghiên cứu chọn tạo và đưa ra sản xuất các giống cây trồng chịu hạn mặn, chú trọng giống lúa có khả năng thích nghi với những biến đổi bất thường của khí hậu, chịu hạn, mặn, phèn...
GS-TS Nguyễn Thị Lang, Viện lúa ĐBSCL cho rằng, nông nghiệp vùng ĐBSCL cần phải chuyển hướng theo chiều sâu, trên cơ sở phát triển khoa học nông nghiệp, những tiến bộ kỹ thuật mới để ứng dụng các giống lúa cải tiến có khả năng chống chịu ngập một phần do lũ, ngập hoàn toàn, chống chịu khô hạn, chống chịu mặn. ví dụ như giống lúa OM 4900, OM 5451, OM 4488… ứng dụng cho những vùng bị ngập sâu tại các tỉnh: An Giang, Kiên Giang, Đồng Tháp và 1 phần của TP. Cần Thơ; giống lúa OM 8108, OM 8104… được áp dụng cho khu vực đất bị nhiễm mặn ở Bạc Liêu, Sóc Trăng, Trà Vinh, Bến Tre, Kiên Giang; giống lúa OM 6677, MNR1, MNR2, MNR3 chống chịu đất nhiễm phèn ở tỉnh Hậu Giang, Long An.
Phó Viện trưởng Viện Nghiên cứu Biến đổi Khí hậu-Trường Đại học Cần Thơ, Lê Anh Tuấn cho hay, để thích nghi với thời tiết bất lợi, nông dân ở các tỉnh ven biển ĐBSCL như: Sóc Trăng, Bến Tre, Trà Vinh, Bạc Liêu…đã thay đổi tập quán sản xuất, một số khu vực chuyên trồng lúa 3 vụ được chuyển sang trồng khoai- bắp- lúa ngắn ngày hay mô hình trồng màu-lúa-khoai…"Các mô hình sản xuất trên được triển khai đã thu được những kết quả quan trọng, đặt biệt đã giúp người nông dân xác định được những ưu tiên trong sản xuất thích nghi với biến đổi khí hậu và bố trí thời vụ hợp lý, chọn lựa cây, con phù hợp"- Phó Viện trưởng Viện Nghiên cứu Biến đổi Khí hậu-Trường Đại học Cần Thơ, Lê Anh Tuấn cho biết.
Lê Hùng