Những kết quả bước đầu
Căn cứ vào mục tiêu, nhiệm vụ theo Kế hoạch số 241/KH-UBND và Kế hoạch số 49/KH-UBND của UBND TP. Cần Thơ về công tác chuyển đổi số, ngày 31/12/2021, Sở TN&MT đã ban hành Kế hoạch số 4264/KH-STNMT về việc chuyển đổi số Ngành TN&MT thành phố đến năm 2025 và định hướng đến năm 2030 và Kế hoạch số 774/KH-STNMT ngày 17/3/2022 về chuyển đổi số Ngành TN&MT năm 2022.
Ông Đỗ Thanh Thảo - Giám đốc Sở TN&MT TP. Cần Thơ cho biết: Để việc triển khai thực hiện chuyển đổi số Ngành TN&MT thành phố đạt hiệu quả, Sở TN&MT đã thành lập Ban Chỉ đạo chuyển đổi số và có văn bản hướng dẫn UBND cấp quận, cấp xã triển khai kế hoạch chuyển đổi số các lĩnh vực Ngành TN&MT và các nền tảng số dùng chung; đồng thời, trình phê duyệt 114 quy trình nội bộ thuộc thẩm quyền giải quyết của Sở; 14 quy trình nội bộ thuộc thẩm quyền giải quyết của UBND cấp huyện và 2 quy trình nội bộ thuộc thẩm quyền giải quyết của UBND cấp xã.
Hiện tại, các đơn vị chức năng đang tiếp tục rà soát, tái cấu trúc quy định, TTHC theo đúng quy định tại Thông tư số 02/2017/TT-VPCP của Văn phòng Chính phủ và xây dựng quy trình nội bộ phù hợp với điều kiện thực hiện trên môi trường điện tử, thanh toán trực tuyến và có thể kết nối, chia sẻ dữ liệu trên Cổng dịch vụ công Quốc gia.
Về phát triển chính quyền số, Sở TN&MT TP. Cần Thơ đã ban hành danh mục kết quả giải quyết TTHC thuộc thẩm quyền giải quyết của Sở TN&MT còn hiệu lực; phân công công chức, viên chức phụ trách số hóa kết quả giải quyết TTHC; triển khai 51 TTHC áp dụng mức độ 4 trên Cổng dịch vụ công thành phố, trong đó có 31 TTHC được tích hợp trên Cổng dịch vụ công Quốc gia; tỷ lệ xử lý văn bản đến trên môi trường mạng đạt 100%; kết nối, chia sẻ dữ liệu giữa cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư với cơ sở dữ liệu về đất đai…
Cùng với đó, Sở TN&MT TP. Cần Thơ đã thực hiện hoàn thành hạng mục công việc chuyển đổi, chuẩn hóa dữ liệu nền GIS của 25 lớp dữ liệu; xây dựng, hoàn thiện cổng dữ liệu nền tảng quy hoạch không gian thành phố đang vận hành thử nghiệm với một số ứng dụng tiêu biểu như danh mục các dự án kêu gọi đầu tư, tra cứu thông tin địa chính, thông tin quy hoạch sử dụng đất.
Bên cạnh đó, Sở TN&MT TP. Cần Thơ tập trung xây dựng, tích hợp cơ sở dữ liệu đất đai, xây dựng bản đồ quy hoạch sử dụng đất, từng bước hình thành Trung tâm điều hành thông minh Ngành TN&MT. Hiện nay, cơ sở dữ liệu địa chính của huyện Vĩnh Thạnh và quận Ô Môn đang được chuyển đổi từ phần mềm VILIS sang hệ thống quản lý đất đai VBDLIS và tích hợp vào cơ sở dữ liệu đất đai quốc gia phục vụ công tác chuyển đổi số Ngành TN&MT; đồng thời, đẩy nhanh tiến độ thực hiện dự án xây dựng cơ sở dữ liệu đất đai đối với 7 quận, huyện còn lại trên địa bàn thành phố theo tiến độ kế hoạch đề ra.
Ngoài ra, Sở TN&MT TP. Cần Thơ cũng đang chuẩn bị đầu tư dự án hệ thống trang thiết bị truyền nhận, phần mềm quản lý, giám sát dữ liệu quan trắc môi trường tự động, liên tục và xây dựng, quản lý cơ sở dữ liệu quốc gia về nguồn thải, thiết bị giám sát, quản lý khối lượng chất thải rắn và dự án xây dựng hệ thống giám sát khai thác tài nguyên cát trên địa bàn thành phố.
Tập trung chuyển đổi số
Ông Đỗ Thanh Thảo - Giám đốc Sở TN&MT TP. Cần Thơ cho hay: Từ nay đến cuối năm 2022, Sở TN&MT sẽ tập trung đẩy nhanh tiến độ số hóa kết quả giải quyết TTHC còn hiệu lực để đưa vào cơ sở dữ liệu kết quả TTHC bảo đảm đúng mục tiêu đã đặt ra; tăng cường tuyên truyền về dịch vụ công trực tuyến, thanh toán nghĩa vụ tài chính trực tuyến bằng nhiều hình thức như trực tiếp tại bộ phận một cửa, trên Cổng thông tin điện tử của Sở TN&MT, trên ứng dụng Zalo official góp phần nâng cao tỷ lệ hồ sơ trực tuyến, thanh toán nghĩa vụ tài chính trực tuyến.
Cùng với đó, Sở TN&MT TP. Cần Thơ tiếp tục triển khai liên thông Thuế điện tử tại Chi nhánh Văn phòng Đăng ký đất đai quận Cái Răng và nhân rộng việc liên thông Thuế điện tử đối với các Chi nhánh Văn phòng Đăng ký đất đai quận, huyện đã đáp ứng đủ các điều kiện để thực hiện; tiếp nhận sản phẩm sau khi chuyển đổi dữ liệu từ phần mềm VILIS sang VBDLIS của quận Ô Môn, huyện Vĩnh Thạnh; đồng thời, phối hợp với Cục Công nghệ Thông tin - Bộ TN&MT triển khai thực hiện thí điểm và thực hiện chính thức việc kết nối, chia sẻ dữ liệu giữa cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư với cơ sở dữ liệu về đất đai.
Bên cạnh đó, Sở TN&MT TP. Cần Thơ sẽ triển khai thực hiện dịch vụ công trực tuyến mức 4 về thủ tục đăng ký biến động quyền sử dụng đất, quyền sở hữu tài sản gắn liền với đất do thay đổi thông tin về người được cấp Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất như đổi tên hoặc giấy tờ pháp nhân, giấy tờ nhân thân, địa chỉ; phối hợp với Ban Quản lý ODA TP. Cần Thơ và đơn vị tư vấn xây dựng, vận hành và hoàn thiện cổng thông tin dữ liệu nền tảng quy hoạch không gian thành phố và các ứng dụng tiêu biểu đưa vào hoạt động chính thức.
Đồng thời, Sở TN&MT TP. Cần Thơ cũng sẽ phối hợp với Công ty Viettel, Chi nhánh Cần Thơ triển khai hệ thống tự động giám sát khai thác và vận chuyển tài nguyên cát; triển khai thực hiện dự án số hóa quy trình thu gom rác, lắp đặt thiết bị giám sát hành trình và xây dựng hệ thống quản lý giám sát thu gom rác thải theo thời gian thực và công khai đến người dân; lập các thủ tục xin bố trí kinh phí, tiến hành sửa chữa, nâng cấp, thay thế thiết bị phục hồi hoạt động đối với 4 trạm quan trắc tự động nước mặt, 1 trạm quan trắc không khí tự động liên tục, 5 trạm quan trắc độ mặn.
Đối với kế hoạch chuyển đổi số, phát triển hạ tầng số Ngành TN&MT đến năm 2025 và định hướng đến năm 2030, Lãnh đạo Sở TN&MT TP. Cần Thơ cho biết, đến năm 2030, 100% dịch vụ công trực tuyến mức độ 4, được xác thực một lần, cung cấp trên nhiều nền tảng thiết bị máy vi tính, máy tính bảng, điện thoại thông minh; 100% hồ sơ công việc của Sở TN&MT được xử lý trên môi trường mạng, trừ hồ sơ công việc thuộc phạm vi bí mật Nhà nước; 100% thiết bị trong điều tra, khảo sát, quan trắc, đo đạc trên công nghệ số, thu nhận trực tiếp dữ liệu số, trong đó 90% sử dụng công nghệ internet kết nối vạn vật.
Phấn đấu 70% hoạt động thanh tra, kiểm tra của Sở TN&MT TP. Cần Thơ được thực hiện thông qua môi trường số và hệ thống thông tin của cơ quan quản lý Nhà nước; đồng thời, hoàn thiện cơ sở dữ liệu về dữ liệu tài nguyên và môi trường trên không gian mạng, liên tục cập nhật với sự tham gia, đóng góp của tổ chức, cá nhân, cộng đồng; bảo đảm cung cấp, chia sẻ dữ liệu cho thực hiện dịch vụ công phục vụ người dân và doanh nghiệp làm nền tảng phát triển Chính phủ số, kinh tế số, xã hội số, đô thị thông minh; 100% người làm việc trong Ngành TN&MT thành phố được đào tạo về kỹ năng số để đáp ứng các yêu cầu, nhiệm vụ…