Cần thiết ban hành Thông tư quy định thành lập, di chuyển, giải thể trạm KTTV

Tuyết Chinh| 20/02/2020 10:39

(TN&MT) - Việc xây dựng Thông tư “Quy định thành lập, di chuyển, giải thể trạm KTTV” là cấp bách và cần thiết để đảm bảo hành lang pháp lý trước xu thế hội nhập quốc tế.

Những bất cập, vướng mắc

Thông tin từ Tổng cục Khí tượng thủy văn (Bộ TN&MT) cho biết, Quyết định số 03/2006/QĐ-BTNMT về “Quy chế thành lập, di chuyển, nâng cấp hạ cấp, giải thể trạm khí tượng thủy văn (KTTV)” được ban hành ngày 17/3/2006. Tuy nhiên, sau 14 năm thực hiện, quy chế còn tồn tại những bất cập, vướng mắc.

Trong những năm gần đây, mạng lưới quan trắc KTTV quốc gia từng bước được đầu tư theo hướng trọng tâm, trọng điểm, số lượng trạm thành lập mới nhiều trên cơ sở quy hoạch mạng lưới trạm quan trắc. Trong khi, Quyết định 3 được ban hành vào thời điểm mạng lưới quan trắc KTTV chưa được đầu tư nhiều, chủ yếu là đầu tư xây dựng nhà trạm, công trình chuyên môn và đầu tư mua sắm phương tiện đo với quy mô theo từng trạm.

“Khi triển khai thành lập, di chuyển, nâng cấp, hạ cấp, giải thể trạm KTTV, ngoài việc tuân thủ theo quy chế theo Quyết định 3 còn phải căn cứ vào Luật Xây dựng, Luật Đấu thầu, Luật Đất đai và các văn bản hướng dẫn dưới Luật liên quan để giải quyết nhiều thủ tục”, báo cáo của Tổng cục KTTV nêu rõ.

Mạng lưới quan trắc KTTV quốc gia từng bước được đầu tư theo hướng trọng tâm, trọng điểm. Ảnh minh họa

Cơ sở hạ tầng, đô thị hóa, đô thị vệ tinh, các khu công nghiệp, khu kinh tế trọng điểm, quy hoạch địa phương, quy hoạch thủy điện, thủy lợi, quy hoạch phát triển kinh tế - xã hội ngày càng phát triển cũng làm ảnh hưởng đến hoạt động của mạng lưới quan trắc KTTV, buộc phải di chuyển hoặc giải thể cho phù hợp.

Mặt khác, các thủ tục đất đai, trình tự các bước tiến hành về thành lập, di chuyển trạm KTTV quốc gia, đặc biệt là đối với trạm KTTV tự động, khí tượng trên cao; đánh giá số liệu quan trắc kiểm tra, đề án duy trì hoạt động; công tác đầu tư trạm với thủ tục cấp đất xây dựng trạm thường kéo dài hơn so với dự kiến. Chưa kể giữa Quyết định thành lập trạm và chủ trương giao đất, cho thuê đất của chính quyền địa phương còn bất cập, không đồng bộ và gặp nhiều khó khăn trong quá trình thực hiện.

“Nhiều địa phương phải có chủ trương, dự án được duyệt mới có chủ trương cấp đất hoặc có khi tỉnh đã cho chủ trương giao đất nhưng dự án lại không được duyệt hoặc nhiều năm mới được duyệt thì sẽ bị thu hồi để phục vụ mục đích khác của địa phương nơi dự kiến đặt trạm”, báo cáo phân tích.

Cũng theo Tổng cục KTTV, trước xu thế hội nhập quốc tế nhằm đảm bảo hành lang pháp lý, ngày 23/11/2015, tại kỳ họp thứ 10 Quốc hội khóa XIII, Luật KTTV đã được thông qua và có hiệu lực thi hành từ ngày 1/7/2016. Theo đó, phạm vi điều chỉnh của Quyết định 3 cần thay đổi cho phù hợp.

Tổng cục KTTV đã đầu tư xây dựng mới và duy trì hiệu quả hệ thống quan trắc kết hợp truyền thống, hiện đại và tự động gồm: 327 trạm quan trắc khí tượng (trạm nông nghiệp, bức xạ, trạm thủ công, tự động); 781 trạm đo mưa tự động; 359 trạm quan trắc thủy văn (trạm thủ công và tự động); 27 trạm quan trắc hải văn; 18 trạm, điểm đo môi trường.

Tuy nhiên, theo quy định của Luật Xây dựng và ban hành văn bản quy phạm pháp luật, thẩm quyền của Bộ trưởng không ban hành văn bản quy phạm pháp luật dưới hình thức là quyết định ban hành Quy chế mà phải ban hành dưới hình thức Thông tư quy định hoặc thông tư quy định kỹ thuật.

Do vậy, việc xây dựng Thông tư “Quy định thành lập, di chuyển, giải thể trạm KTTV” là cấp bách và cần thiết trong bối cảnh mới.

Gỡ “vướng” trong hệ thống pháp luật

Để khắc phục những khó khăn, bất cập trong hệ thống pháp luật và công tác quản lý về KTTV, báo cáo của Tổng cục KTTV nêu rõ, việc xây dựng Thông tư “Quy định thành lập, di chuyển, giải thể trạm KTTV” cần bảo đảm nghiên cứu, xem xét không quy định phân hạng trạm; nghiên cứu, đề xuất các quy định cụ thể trong quá trình khảo sát kỹ thuật trạm; nghiên cứu các quy định về trình tự, thủ tục liên quan đến đất đai của vị trí đặt trạm, tạo hành lang pháp lý đối với việc đảm bảo quy hoạch quốc gia về vị trí, không gian, thời gian và quy định kỹ thuật trong công tác quản lý nhà nước về hành lang kỹ thuật công trình KTTV quốc gia để phối hợp với địa phương quản lý, điều hành cũng như thực thi pháp luật đối với loại hoạt động KTTV…

Bên cạnh đó, để đảm bảo thống nhất việc sử dụng tọa độ và độ cao quốc gia, cần nghiên cứu và tuân thủ các quy định của Luật Đo đạc và bản đồ trong việc lập hồ sơ trạm, quy định chi tiết về tỷ lệ bản đồ và mốc tọa độ độ cao quốc gia tại các trạm.

“Thông tư phải phù hợp với Hiến pháp, bảo đảm tính thống nhất, thứ bậc hiệu lực pháp lý của văn bản trong hệ thống pháp luật; văn bản quy phạm pháp luật do cơ quan nhà nước cấp dưới ban hành phải phù hợp với văn bản quy phạm pháp luật của cơ quan nhà nước cấp trên”, Tổng cục KTTV nêu.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Cần thiết ban hành Thông tư quy định thành lập, di chuyển, giải thể trạm KTTV
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO