Cần thiết ban hành Nghị quyết thí điểm một số cơ chế đặc thù phát triển TP Cần Thơ

Thanh Tùng| 06/01/2022 20:21

(TN&MT) - Tiếp tục chương trình Kỳ họp bất thường lần thứ Nhất, Quốc hội khóa XV, chiều 6/1, Quốc hội thảo luận ở Tổ về Dự thảo Nghị quyết thí điểm một số cơ chế, chính sách đặc thù phát triển thành phố Cần Thơ.

Thảo luận tại Tổ 03 gồm các đại biểu Quốc hội thuộc Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Sơn La, TP.Hải Phòng, Bắc Kạn, Thanh Hóa, Đắk Nông, Sóc Trăng và Kiên Giang. Ảnh: quoc hoi.vn

Theo Nghị quyết này, Thành phố Cần Thơ được vay thông qua phát hành trái phiếu chính quyền địa phương, vay từ các tổ chức tài chính trong nước, các tổ chức khác trong nước và từ nguồn vay nước ngoài của Chính phủ vay về cho Thành phố vay lại với tổng mức dư nợ vay không vượt quá 60% số thu ngân sách Thành phố được hưởng theo phân cấp. Tổng mức vay và bội chi ngân sách Thành phố hằng năm do Quốc hội quyết định theo quy định của Luật Ngân sách nhà nước.

Cùng với đó, hằng năm, ngân sách Trung ương bổ sung có mục tiêu cho ngân sách Thành phố không quá 70% số tăng thu ngân sách Trung ương từ các khoản thu phân chia giữa ngân sách Trung ương và ngân sách Thành phố so với dự toán Thủ tướng Chính phủ giao, nhưng không vượt quá tổng số tăng thu ngân sách trung ương trên địa bàn so với thực hiện thu năm trước và ngân sách Trung ương không hụt thu. Việc xác định số bổ sung có mục tiêu trên cơ sở tổng các khoản thu, không tính riêng từng khoản thu.

Đáng chú ý, Ngân sách Thành phố được hưởng 100% số thu tăng thêm từ các khoản thu do việc điều chỉnh chính sách phí, lệ phí để đầu tư cơ sở hạ tầng kinh tế - xã hội và các nhiệm vụ chi khác thuộc nhiệm vụ chi của ngân sách Thành phố.

Qua thảo luận, các đại biểu Quốc hội trong Tổ 06 cơ bản tán thành với sự cần thiết ban hành Nghị quyết thí điểm một số cơ chế, chính sách đặc thù phát triển thành phố Cần Thơ, nhằm cụ thể hóa chỉ đạo của Bộ Chính trị tại Nghị quyết số 59-NQ/TW, phát huy tiềm năng, lợi thế để phát triển thành phố Cần Thơ nhanh và bền vững, phấn đấu thực hiện mục tiêu của Bộ Chính trị đã đề ra.

Các đại biểu cho rằng, việc ban hành Nghị quyết của Quốc hội để thực hiện thí điểm một số cơ chế, chính sách đặc thù phát triển thành phố Cần Thơ là đủ cơ sở chính trị, căn cứ thực tiễn, nhằm cụ thể hóa Nghị quyết số 59-NQ/TW của Bộ Chính trị (Nghị quyết 59) về phát triển thành phố Cần Thơ đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045; tạo cơ chế thu hút đầu tư, nâng cao đời sống nhân dân, xây dựng thành phố Cần Thơ thành trung tâm phát triển của vùng Đồng bằng sông Cửu Long, đóng góp xứng đáng vào sự nghiệp phát triển chung của đất nước trong thời gian tới.

Việc ban hành chính sách đặc thù phát triển thành phố Cần Thơ cũng bảo đảm tính tương đồng với một số địa phương vừa được Quốc hội cho phép thí điểm một số cơ chế, chính sách đặc thù. Hồ sơ dự thảo Nghị quyết cơ bản đã bảo đảm đủ điều kiện trình Quốc hội xem xét, thông qua theo trình tự tại một kỳ họp.

Thảo luận vào các nội dung cụ thể, đại biểu Quốc hội cơ bản ủng hộ các chính sách, cơ chế đề xuất thí điểm đối với thành phố Cần Thơ. Trong đó có chính sách cho Trung tâm liên kết, sản xuất, chế biến và tiêu thụ sản phẩm nông nghiệp Vùng đồng bằng sông Cửu Long tại Cần Thơ quy định tại Điều 8 của dự thảo Nghị quyết.

Theo đó, Trung tâm liên kết, sản xuất, chế biến và tiêu thụ sản phẩm nông nghiệp Vùng đồng bằng sông Cửu Long tại Cần Thơ là khu vực có ranh giới địa lý xác định được Thủ tướng Chính phủ thành lập để thu hút các dự án đầu tư trong các lĩnh vực nghiên cứu, ứng dụng công nghệ, sản xuất, chế biến và cung ứng dịch vụ, xuất khẩu nông, thủy sản. Các doanh nghiệp có dự án đầu tư tại Trung tâm được hưởng chế độ ưu tiên về thủ tục hải quan theo quy định của pháp luật hải quan và thủ tục về thuế theo quy định của pháp luật về thuế đối với hàng hóa xuất khẩu, nhập khẩu ra, vào Trung tâm khi đáp ứng đủ các điều kiện.

Đại biểu Quốc hội Phan Đức Hiếu, Đoàn ĐBQH tỉnh Thái Bình phát biểu tại Tổ. Ảnh: quochoi.vn

Ủng hộ chính sách này, đại biểu Quốc hội Phan Đức Hiếu, Đoàn ĐBQH tỉnh Thái Bình và đại biểu Quốc hội Ngô Trung Thành, Đoàn ĐBQH tỉnh Đắk Lắk cho rằng, việc xây dựng Trung tâm liên kết, sản xuất, chế biến và tiêu thụ sản phẩm nông nghiệp Vùng đồng bằng sông Cửu Long tại Cần Thơ là rất phù hợp và thể hiện sự đặc thù với các lợi thể của Cần Thơ. Tuy nhiên, các đại biểu cho rằng, theo giải thích của Chính phủ thì “Trung tâm liên kết, sản xuất, chế biến và tiêu thụ sản phẩm nông nghiệp Vùng đồng bằng sông Cửu Long tại Cần Thơ” mới đang được hiểu như một Trung tâm cứng về địa lý. Các đại biểu cho rằng, để Trung tâm này phát triển có tính lan tỏa, ảnh hưởng mạnh mẽ hơn chúng ta nên hiểu nó theo một khái niệm, ý nghĩa rộng hơn, là một "Trung tâm" của sự phát triển của cả khu vực với các sản phẩm chiến lược của toàn bộ khu vực (thủy sản, nông sản, trái cây…) thu hút được các dự án đầu tư ở khu vực, mang sức vóc, tầm ảnh hưởng rộng lớn hơn…

Một số ý kiến đại biểu đề nghị Chính phủ làm rõ hơn các điều kiện để các doanh nghiệp có dự án đầu tư tại Trung tâm được hưởng chế độ ưu tiên về thủ tục hải quan theo quy định của pháp luật hải quan và thủ tục về thuế theo quy định của pháp luật về thuế đối với hàng hóa xuất khẩu, nhập khẩu ra, vào Trung tâm (các đối tượng, ngành nghề, lĩnh vực, danh mục sản phẩm…). Ngoài ra, các đại biểu cũng đề nghị Ban soạn thảo cân nhắc lại tên gọi của Trung tâm này sao cho chính xác và phù hợp với thực tế, chẳng hạn “Trung tâm chế biến và phân phối sản phẩm nông nghiệp Vùng đồng bằng sông Cửu Long tại Cần Thơ” .

Đại biểu Quốc hội Nguyễn Thị Mai Hoa, Đoàn ĐBQH tỉnh Đồng Tháp phát biểu thảo luận. Ảnh: quochoi.vn

Quan tâm tới chính sách ưu đãi hỗ trợ đầu tư đối với dự án nạo vét kết hợp thu hồi sản phẩm luồng hàng hải Định An – Cần Thơ, đại biểu Quốc hội Nguyễn Thị Mai Hoa, Đoàn ĐBQH tỉnh Đồng Tháp cho biết, lợi ích của chính sách này chúng ta đều đã rõ. Tuy nhiên, việc nạo vét lòng sông có thể dẫn đến nguy cơ sạt lở đôi bờ, ảnh hưởng đến các hộ dân sinh sống tại đây. Nữ đại biểu đề nghị, Chính phủ cần có đánh giá tác động cụ thể, lường trước tới rủi ro này để đảm bảo quyền lợi, cuộc sống cho người dân địa phương.

Thảo luận về nội dung này, các đại biểu Quốc hội tại Tổ 3 cho rằng, các chính sách lần đầu tiên được áp dụng thí điểm nhằm góp phần khơi dậy tiềm năng, tạo động lực để xây dựng và phát triển Cần Thơ thành Thành phố trung tâm vùng, sinh thái, văn minh, hiện đại, là đô thị hạt nhân vùng đồng bằng Sông Cửu Long.

Ủy viên Thường trực Ủy ban Quốc hội và An ninh Vũ Xuân Hùng, Đoàn ĐBQH tỉnh Thanh Hóa nhất trí với các cơ chế, chính sách đặc thù đối với thành phố Cần Thơ, về cơ bản nội dung các chính sách đề xuất áp dụng cho Cần Thơ tương đồng với các chính sách đã được Quốc hội thông qua, áp dụng cho một số tỉnh, thành phố khác. Bên cạnh đó, Cần Thơ có chính sách riêng về thành lập Trung tâm liên kết, sản xuất, chế biến và tiêu thụ sản phẩm nông nghiệp vùng đồng bằng sông Cửu Long tại Cần Thơ và và chính sách khuyến khích xã hội hóa nguồn lực trong thực hiện các dự án nạo vét luồng hàng hải. Đại biểu đề nghị cần làm rõ phạm vi của Trung tâm này.

Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật Hoàng Thanh Tùng cũng cho rằng cần sớm ban hành quy định làm rõ địa vị pháp lý của Trung tâm liên kết, sản xuất, chế biến và tiêu thụ sản phẩm nông nghiệp vùng đồng bằng sông Cửu Long tại Cần Thơ, xác định rõ chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn để tạo thuận lợi cho việc thành lập, tránh trường hợp chậm thành lập ảnh hưởng đến hiệu quả chính sách. Do đó, đề nghị Chính phủ bổ sung dự thảo Quyết định thành lập Trung tâm này để có thêm cơ sở cho Quốc hội xem xét, quyết định.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Cần thiết ban hành Nghị quyết thí điểm một số cơ chế đặc thù phát triển TP Cần Thơ
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO