Cần quy định rõ đầu tư nghiên cứu bệnh nghề nghiệp và an toàn lao động

25/05/2015 00:00

(TN&MT) - Thảo luận về dự thảo Luật an toàn, vệ sinh lao động sáng 25/5, đa số ý kiến đại biểu Quốc hội cho rằng, việc sớm ban hành Luật này là cần thiết đặc biệt trước tình hình mất an toàn lao động, vệ sinh lao động như hiện nay.

Đại biểu Quốc hội phát biểu tại phiên thảo luận. Ảnh: TTXVN
Đại biểu Quốc hội phát biểu tại phiên thảo luận. Ảnh: TTXVN

Nhiều ý kiến đại biểu Quốc hội tán thành với việc mở rộng đối tượng áp dụng đối với tất cả người lao động. Việc mở rộng đối tượng áp dụng của dự án Luật đối với người lao động thuộc khu vực không có quan hệ lao động là thể chế hóa quan điểm của Đảng, Điều 35 của Hiến pháp và các công ước quốc tế mà Việt Nam đã tham gia nhằm xây dựng môi trường an toàn cho người lao động trong khu vực này. 
Ý kiến của đại biểu Quốc hội quan tâm tới việc chăm sóc sức khoẻ, bệnh nghề nghiệp cho người lao động cho rằng, cần khẩn trương hơn nữa trong việc công bố bệnh nghề nghiệp. 

Đại biểu Trần Thanh Hải (TP.HCM) cho rằng, cần quy định rõ việc đầu tư nghiên cứu về bệnh nghề nghiệp, nghiên cứu ứng dụng khoa học an toàn lao động. Làm tốt việc này sẽ rút ngắn khoảng cách về việc quá chênh lệch về số lượng, chủng loại bệnh nghề nghiệp của Việt Nam so với khu vực và thế giới.

Đại biểu Nguyễn Minh Phương (Cần Thơ), cho rằng dự thảo Luật mới chỉ quy định điều tra tai nạn lao động và sự cố tai nạn lao động nghiêm trọng mà thiếu điều khoản quy định về điều tra về bệnh nghề nghiệp. Đại biểu Nguyễn Minh Phương đề nghị bổ sung thêm để phù hợp với công ước quốc tế về nội dung này mà Việt Nam đã thông qua.

Đại biểu cho rằng việc bổ sung này là cần thiết để phục vụ yêu cầu của bảo hiểm xã hội về tính chính xác của hồ sơ chi trả, bồi thường bệnh nghề nghiêp; đáp ứng yêu cầu của cơ quan thanh tra lao động đối với các cơ sở có các yêu tố nguy cơ gây bệnh nghề nghiệp nhưng không thực hiện theo yêu cầu của pháp luật để khám và phát hiện bệnh nghề nghiệp, đồng thời là căn cứ khi có yêu cầu khiếu nại của người lao động và đại diện người lao động.

Trao đổi với phóng viên báo chí, đại biểu Bùi Sỹ Lợi - Phó Chủ nhiệm Ủy ban các vấn đề xã hội của Quốc hội cho biết: Tình hình tai nạn lao động vì nghề nghiệp trong thời gian qua diễn biến rất phức tạp, đứng thứ 2 sau tai nạn giao thông, ước tính mỗi năm trên 600 người chết nhưng thực tế theo báo cáo của ngành Y tế có thể gấp 3, tức là khoảng 1.700 người chết do tai nạn lao động.

“Đây là vấn đề hết sức phức tạp, nhưng theo Quy định tại chương 9 của Bộ luật Lao động thì chúng ta mới điều chỉnh công tác an toàn vệ sinh lao động cho khu vực có quan hệ lao động (tức là khoảng 17 triệu lao động) trên tổng số gần 54 triệu lao động” – ông Bùi Sỹ Lợi nói.

Theo dự báo sẽ có khoảng 37 triệu người trong đó 24 triệu lao động tại khu vực nông nghiệp, nông thôn và nông dân. “Tình trạng tai nạn lao động ở khu vực này rất phức tạp, lần này chúng ta xây dựng một bộ luật hoàn thiện như thế này thì không có lý gì chúng ta không điều chỉnh tất cả lực lượng lao động theo đúng tinh thần quan điểm của điều 35 Hiến pháp 2013, nghĩa là mọi người lao động được làm việc trong điều kiện môi trường an toàn”.

Theo đại biểu Bùi Sỹ Lợi, dự thảo luật An toàn Vệ sinh lao động lần này có một ý rất quan trọng đó là tất cả những người lao động trong khu vực không có quan hệ lao động nếu làm những công việc có yêu cầu nghiêm ngặt về an toàn vệ sinh lao động thì bắt buộc người sử dụng lao động phải huấn luyện cho người lao động trước khi làm việc.

Đại biểu Bùi Sỹ Lợi cũng cho rằng, cần thiết phải tăng thanh tra lao động cho khu vực cấp huyện vì hiện với 487 thanh tra lao động của Bộ Lao động Thương binh và Xã hội sẽ không bao quát được 54 triệu lao động, 500.000 doanh nghiệp và các cơ sở lao động tư nhân như hiện nay. 

“Vấn đề không phải nhiều hay ít thanh tra mà quan trọng là kỹ năng thanh tra, năng lực thanh tra và biện pháp thanh tra các vụ tai nạn lao động” – đại biểu Bùi Sỹ Lợi nhấn mạnh.

Minh Trang

 

 

 

 

 

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Cần quy định rõ đầu tư nghiên cứu bệnh nghề nghiệp và an toàn lao động
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO