Cần quy định cụ thể về chính sách đất đai cho đồng bào dân tộc thiểu số

Thúy Nhi| 03/11/2022 14:18

(TN&MT) - Sáng 3/11, thảo luận Dự án Luật Đất đai (sửa đổi) tại tổ 12 nhiều Đại biểu nhất trí với sự cần thiết sửa đổi luật, trong đó có nhiều góp ý về chính sách đất đai cho đồng bào dân tộc thiểu số.

Tại buổi thảo luận, nhiều Đại biểu tổ 12 (gồm Đoàn Đại biểu Quốc hội các tỉnh Yên Bái, Hòa Bình, Quảng Nam và Đồng Tháp) đã thống nhất cao sự cần thiết sửa đổi Luật trong Tờ trình Dự án và Báo cáo thẩm tra và cho rằng, việc sửa đổi Luật đất đai nhằm khắc phục những tồn tại, hạn chế, phát huy nguồn lực đất đai đáp ứng yêu cầu phát triển đất nước trong giai đoạn mới theo tinh thần Nghị quyết Đại hội toàn quốc lần thứ XIII của Đảng, Nghị quyết số 18-NQ/TW.

Đại biểu Nguyễn Quốc Luận, Đoàn ĐBQH tỉnh Yên Bái cho rằng, Dự thảo Luật được trình lên Quốc hội đã được Cơ quan soạn thảo xây dựng hết sức kỹ lưỡng, cầu thị, tổ chức lấy ý kiến các cấp, các ngành bằng nhiều hình thức. Do vậy, cơ bản các vấn đề vướng mắc, tồn tại của Luật Đất đai 2013 đã được cơ quan soạn thảo nghiên cứu, điều chỉnh bổ sung trong Dự thảo.

Góp ý vào Dự thảo, Đại biểu đề nghị ban soan thảo xem xét, quy định cụ thể về nội dung chính sách đất đai đối với đồng bào dân tộc thiểu số, bởi Dự thảo quy định: “UBND cấp tỉnh theo điều kiện thực tế địa phương quy định cụ thể chính sách đất đai với đồng bào dân tộc thiểu số”, việc giao các địa phương quy định như vậy sẽ dẫn tới áp dụng không thống nhất giữa các địa phương.

unnamed.jpg
Tổ 12 gồm các Đoàn Đại biểu Quốc hội  tỉnh Yên Bái, Hòa Bình, Quảng Nam và Đồng Tháp

Đồng quan điểm này, Đại biểu Hoàng Đức Chính, Đoàn ĐBQH tỉnh Hoà Bình cho rằng, liên quan đến đất ở, đất sản xuất đối với đồng bào dân tộc thiểu số tại các điều từ 188 đến 190 Dự thảo, liên quan đến 3 loại rừng (rừng sản xuất, rừng phòng hộ, rừng đặc dụng) cũng có mở ra hướng đối với các tổ chức, cá nhân được giao đất đất rừng được phép là tổ chức thực hiện các hoạt động cho khu du lịch sinh thái.

Tuy nhiên, ở các địa phương, nhất là các tỉnh vùng cao, vấn đề đất ở của người dân rất khó khăn, đặc biệt là trong điều kiện biến đổi khí hậu hiện nay tình trạng sạt, lở đất diễn ra rất nhiều. Do vậy, Đại biểu đề xuất trong quy định về đất rừng (từ điều 188 đến 190), nếu như đất rừng mà nó phù hợp với quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất của địa phương thì cho phép địa phương được phép chuyển mục đích một phần đất rừng sang đất sản xuất.

Về nội dung giá đất, Đại biểu Hoàng Đức Chính cho rằng, Dự thảo quy định căn cứ nguyên tắc, phương pháp xác định giá đất, trong đó giao Sở Tài nguyên và Môi trường có trách nhiệm giúp UBND cấp tỉnh xây dựng và được thuê tổ chức có chức năng tư vấn xác định bảng giá đất để xây dựng Bảng giá đất. Đại biểu đề nghị ban soan theo cần có quy định cụ thể hơn về tổ chức có chức năng tư vấn này trên quan điểm cần độc lập.

“Tổ chức này cần phải có sự độc lập và chuyên nghiệp để khi xây dựng bảng giá đất sẽ đảm bảo hài hòa giữa lợi ích của các bên. Nếu không đảm bảo tính độc lập, chuyên nghiệp thì rất có thể là bảng giá đất không khách quan, dẫn tới trong quá trình tổ chức thực hiện công tác giải phóng mặt bằng sẽ gặp rất nhiều khó khăn”, Đại biểu Hoàng Đức Chính nói.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Cần quy định cụ thể về chính sách đất đai cho đồng bào dân tộc thiểu số
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO