Đặt câu hỏi với Bộ trưởng, đại biểu Leo Thị Lịch (Đoàn ĐBQH tỉnh Bắc Giang) nêu vấn đề: Những năm gần đây, dòng sông Cầu đang dần bị ô nhiễm do phát triển kinh tế bất chấp tác động xấu như trường hợp của các địa phương trong leu vực sông Cầu. Vấn đề này đang diễn ra ngày càng trầm trọng, hiện tượng cá chết trong 2 năm qua diễn ra nhiều lần… “đề nghị Bộ trưởng cho biết cơ chế phối hợp liên vùng còn có hiệu quả hay không và Bộ TN&MT có biện pháp gì để cử tri và nhân dân yên tâm?” - Đại biểu Leo Thị Lịch đặt câu hỏi.
Trả lời đại biểu Leo Thị Lịch, Bộ trưởng Trần Hồng Hà cho biết đây là một vấn đề đang hết sức bức xúc mà hai hôm nay mà các đại biểu đã nêu cho từng lưu vực sông. Đây cũng là vấn đề đang hết sức cấp bách liên quan đến khu vực sông Cầu và kể cả lưu vực sông Hồng. Chính phủ đã hết sức quan tâm, chúng ta đã xây dựng được đề án Bảo vệ môi trường toàn bộ lưu vực sông Cầu một cách rất toàn diện.
Bên cạnh đó, theo Bộ trưởng, chúng ta đã có cơ chế phối hợp liên ngành giữa các địa phương trong lưu vực sông Cầu. Tuy nhiên cho đến nay, bài toán này, vấn đề chính là các đề án, các tiểu án trong đề án này không có đầy đủ toàn bộ kinh phí để thực hiện. “Tôi cho rằng nếu chúng ta tiếp tục giữ theo cách thức trước đây có nghĩa là chỉ dựa vào nguồn lực của nhà nước và Chính phủ để thực hiện đề án là không thành công” – Bộ trưởng Trần Hồng Hà nói.
Vì vậy, cũng như đề nghị với lưu vực sông Nhuệ - Đáy, Bộ trưởng cho biết, trước tiên chúng ta phải xác định là đối với các nguồn thải lớn, các khu công nghiệp, làng nghề là người gây ô nhiễm, doanh nghiệp gây ô nhiễm phải trả tiền, phải xử lý.
Theo Bộ trưởng, ở đây, chúng ta hoàn toàn có thể tăng cường trách nhiệm kiểm tra của Bộ Tài nguyên và Môi trường, của các địa phương chúng ta hoàn có thể kiểm soát được việc này. Và dựa trên cơ sở nguồn tiếp nhận, chúng ta sẽ xác định quy chuẩn cho phù hợp các dòng sông không còn bị ô nhiễm.
Vấn đề khó thứ 2, theo Bộ trưởng Trần Hồng Hà đó là vấn đề liên quan đến nước thải sinh hoạt, chúng ta hoàn toàn có thể biết được và có thể lượng, tính được có bao nhiêu lượng nước thải sinh hoạt hiện nay của từng địa phương, từng tỉnh. Bộ trưởng nhấn mạnh: “Tôi cho rằng từng địa phương, từng tỉnh cần phải có trách nhiệm để thống kê đồng thời là tính toán các nguồn lực của địa phương, đặc biệt là các nguồn sự nghiệp để thu gom tập trung, xử lý và tìm ra các mô hình kể cả là phân tán hoặc tập trung; đặc biệt các cơ sở đô thị mới chúng ta cần tập trung để thu gom nước thải riêng để xử lý trước khi thải ra môi trường.
Về cơ chế xử lý, Bộ trưởng cho biết như ông đã báo cáo trước Quốc hội sáng 31/10, cần có cơ chế để thu hút xã hội hóa, các doanh nghiệp có tiền và công nghệ có thể xử lý nhưng các thủ tục liên quan đến đấu giá cần phải tinh giảm, ngắn gọn. Thứ hai nguồn lực chi trả cho xử lý được thì phải tính toán một là phải có cơ chế xác định đóng góp từ người dân như thế nào.
Một số liệu nữa mà Bộ trưởng thông tin đó là việc hiện nay người dân đang đóng góp cho việc xử lý chỉ chiếm khoảng 10% so với chi phí. Và như vậy chi phí ban đầu mà Nhà nước (ở đây là chính quyền địa phương lưu vực sông Cầu) phải bỏ ra khoảng 90% thì chúng ta phải tính toán giá trị cho hợp lý.
“Vấn đề quan trọng nữa trong công tác bảo vệ môi trường lưu vực sông là chúng ta cần đầu tư cho việc giám sát, kiểm soát kết quả xử lý thông qua việc quan trắc để đánh giá chính xác được nguồn thải và đây cũng là trách nhiệm của các địa phương. Bên cạnh đó, chúng ta cần quan tâm đến nguồn sinh thủy, tức là tất cả các nơi và khu vực sinh thủy, rừng cần bảo vệ chúng ta phải tính toán để các địa phương có trách nhiệm chi trả các giá trị đầu tư vào rừng tự nhiên này” - Bộ trưởng Trần Hồng Hà nói.