Tiếp xúc với khói thuốc lá tăng nguy cơ mắc các bệnh nguy hiểm
Mỗi năm thế giới có khoảng 600 nghìn ca tử vong do hút thuốc lá thụ động. Tại Việt Nam, ngày càng nhiều người nhiễm bệnh về đường hồ hấp do hít phải khói thuốc.
Ngoài ra, theo nhiều nghiên cứu, sống cùng một người hút thuốc lá tăng nguy cơ ung thư phổi từ 20-30%. Việc tiếp xúc với khói thuốc lá có thể làm tăng nguy cơ mắc bệnh ung thư khác ít nhất 30%. Có thể bao gồm ung thư cổ tử cung, ung thư thận, ung thư vòm họng, ung thư trực tràng và khối u não. Hút thuốc lá thụ động cũng gây ra các vấn đề sức khỏe khác như hen suyễn và bệnh tim.
Những đối tượng có nguy cơ ảnh hưởng sức khỏe nghiêm trọng hơn từ khói thuốc lá như: Phụ nữ mang thai, trẻ em, người cao tuổi, người có bệnh về hô hấp và bệnh tim. Tiếp xúc với khói thuốc lá gây viêm phổi, làm tăng các vấn đề liên quan đến sức khỏe.
Đặc biệt, hút thuốc lá thụ động không an toàn cho trẻ sơ sinh và trẻ nhỏ vì cơ thể và phổi của trẻ vẫn đang trong quá trình hoàn thiện và phát triển. Trẻ em tiếp xúc với khói thuốc lá có nguy cơ mắc một số bệnh như: Nhiễm trùng tai, hen suyễn, nhiễm trùng phổi (viêm phế quản và viêm phổi, ho, thở khò khè) và hội chứng đột tử ở trẻ sơ sinh (SIDS).
Một số nghiên cứu cũng cho thấy mối liên hệ khác giữa khói thuốc lá và sức khỏe tinh thần của trẻ em. Chẳng hạn như tăng nguy cơ về các vấn đề sức khỏe tâm thần và vấn đề học tập ở trẻ; tăng nguy cơ hút thuốc. Một số người nghĩ rằng việc mở cửa sổ hoặc sử dụng quạt sẽ ngăn chặn việc tiếp xúc với khói thuốc. Tuy vậy, các độc tố từ khói thuốc không biến mất. Khói thuốc vẫn còn trong tóc, quần áo, thảm và đồ nội thất. Cách duy nhất để ngăn ngừa nhiễm khói thuốc là tránh những nơi có tình trạng hút thuốc lá.
Theo thống kê của cơ quan chức năng, mỗi năm trên thế giới có khoảng 600 nghìn ca tử vong do hút thuốc lá thụ động. Tại Việt Nam, nhiều người hút thuốc lá có thói quen hút thuốc trong nhà, nơi làm việc, nơi đông người như nhà ga, bến xe, nhà chờ xe bus, nhà hàng đã gây ảnh hưởng đến sức khỏe của những người không hút thuốc. Mọi người đều có thể bị phơi nhiễm khói thuốc thụ động tại những nơi có người hút thuốc.
Vì vậy, một trong những giải pháp giảm thiểu tác hại do khói thuốc lá đối với những người không hút thuốc lá là xây dựng các mô hình không thuốc lá như: Mô hình trường học, bệnh viện, công sở, khách sạn, nhà hàng… không khói thuốc. Đây là một phần quan trọng để bảo vệ quyền được sống trong môi trường trong lành của những người không hút thuốc lá, giúp giảm nguy cơ bệnh tật và tử vong do tiếp xúc thụ động với khói thuốc.
Các địa phương đẩy mạnh phòng, chống tác hại thuốc lá
Để ngăn ngừa nhiễm khói thuốc, Việt Nam đã ban hành Luật Phòng, chống tác hại của thuốc, trong đó quy định rõ các địa điểm cấm hút thuốc lá hoàn toàn cả trong nhà và trong phạm vi khuôn viên. Tuy nhiên, tình trạng hút thuốc lá tại nơi công cộng vẫn diễn ra phổ biến.
Trước thực tế này, các chuyên gia khuyến cáo, trước hết, người hút thuốc lá phải chủ động từ bỏ thói quen hút thuốc hoặc có ý thức hút thuốc ngoài không gian sống của gia đình, đặc biệt tránh xa trẻ em, phụ nữ mang thai, người già. Đối với những gia đình có người hút thuốc, cần thống nhất về những quy định đảm bảo an toàn để bảo vệ sức khỏe cho các thành viên.
Theo PGS.TS Lương Ngọc Khuê - Cục trưởng Cục Quản lý Khám, chữa bệnh (Bộ Y tế), thời gian tới, Quỹ Phòng chống tác hại thuốc lá (Bộ Y tế) sẽ tăng cường phối hợp chặt chẽ với Hội Liên hiệp Phụ nữ Việt Nam, tổ chức Sức khỏe toàn cầu Vital Strategies để tiếp tục đẩy mạnh chiến dịch truyền thông phòng chống tác hại của hút thuốc lá thụ động, trong đó nổi bật là hoạt động xây dựng mô hình tổ ấm gia đình không khói thuốc, từ đó góp phần xây dựng một môi trường không khói thuốc trong cộng đồng.
Để tăng cường thực thi Luật Phòng chống tác hại thuốc lá, Bộ Y tế đã yêu cầu các địa phương nâng cao nhận thức của cộng đồng về tác hại của thuốc lá, lợi ích của môi trường không khói thuốc lá, đặc biệt công tác thuyết phục, tuyên truyền, vận động người dân chấp hành quy định cấm thuốc lá nơi công cộng.
Thực hiện yêu cầu trên của Bộ Y tế, các cơ quan, ban, ngành, đoàn thể trên địa bàn tỉnh Quảng Trị cùng ngành y tế đã triển khai nhiều hoạt động thiết thực, hiệu quả. Tiêu biểu như việc tăng cường công tác truyền thông, xây dựng, triển khai, nhân rộng các mô hình điểm về cộng đồng, cơ quan, tổ chức không có khói thuốc lá. Đồng thời, thực hiện tư vấn việc tổ chức nơi dành riêng cho người hút thuốc lá tại các địa điểm công cộng; bồi dưỡng nâng cao năng lực cho cán bộ, mạng lưới cộng tác viên làm công tác phòng, chống tác hại thuốc lá (PCTHTL) tại các địa phương…
Còn tại tỉnh Thái Bình, những năm qua, hướng tới xây dựng môi trường trong lành, văn minh, an toàn cho sức khỏe của khách hàng, công tác phòng, chống tác hại của thuốc lá tại các khách sạn, nhà hàng trên địa bàn tỉnh đã có những chuyển biến tích cực.
Thời gian tới, Ban Chỉ đạo phòng, chống tác hại của thuốc lá tỉnh sẽ tiếp tục đẩy mạnh các hoạt động tuyên truyền Luật Phòng, chống tác hại của thuốc lá; kêu gọi các khách sạn, nhà hàng, cơ sở lưu trú, cơ sở kinh doanh tham gia tích cực hơn nữa vào việc xây dựng môi trường không khói thuốc lá; tăng cường kiểm tra, giám sát việc thực thi Luật Phòng, chống tác hại của thuốc lá tại các cơ quan, đơn vị, các khách sạn, nhà hàng; thực hiện treo biển “Cấm hút thuốc lá”, pa nô xây dựng môi trường không khói thuốc tại các địa điểm công cộng, các điểm cấm hút thuốc.
Bên cạnh đó, Ban Chỉ đạo phòng, chống tác hại của thuốc lá tỉnh Thái Bình sẽ tiến hành xử lý khách sạn, nhà hàng vi phạm quy định và biểu dương những cơ sở làm tốt trên các phương tiện thông tin đại chúng giúp người dân có thể lựa chọn nơi đến ăn, uống, nghỉ ngơi bảo đảm an toàn. Điều này không chỉ mang lại những lợi ích cho chính các khách sạn, nhà hàng, cơ sở lưu trú mà còn bảo vệ sức khỏe cho mọi người, thúc đẩy việc thực thi hiệu quả Luật Phòng, chống tác hại của thuốc lá.
Nhiều nghiên cứu chỉ ra, ở trong phòng có người hút thuốc lá 1 giờ đồng hồ thì số hóa chất độc hại được cơ thể tiếp nhận tương đương với việc hút 10 điếu thuốc/ ngày. Thực tế, khói thuốc nhả ra môi trường còn độc hơn cả khói thuốc được người hút hít vào.