Phát hiện nguy cơ mất ổn định đê kè Hòa Hà và sạt lở bờ sông, phải kịp thời tham mưu UBND tỉnh chỉ đạo tạm dừng ngay việc nạo vét, thông luồng lòng sông Vực Hồng |
Theo chủ trương thống nhất của Chủ tịch tỉnh, phạm vi nạo vét thông luồng được thực hiện trên diện tích thuộc thửa đất số 31, tờ bản đồ số 11 và các thửa đất số 359, 367, tờ bản đồ số 10 xã Nghĩa Hòa, huyện Tư Nghĩa. Khoảng cách nạo vét thông luồng đối với chân đê kè Hòa Hà là 20 m; chiều dài nạo vét thông luồng là 506 m; chiều rộng của luồng là 70 m (khoảng cách còn lại cách bờ bên đối diện đê kè Hòa Hà từ 40 đến 50m); chiều dày nạo vét trung bình là 0,4 m; khối lượng đất, cát nạo vét là 11.334 m3.
Chủ tịch Trần Ngọc Căng yêu cầu trong quá trình thi công nạo vét thông luồng, Công ty TNHH Phú Điền phải đảm bảo an toàn cho công trình đê kè Hòa Hà và ổn định bờ sông Vực Hồng, trường hợp có dấu hiệu mất ổn định phải dừng ngay việc nạo vét và tổ chức khắc phục, sửa chữa hư hỏng công trình theo đúng hiện trạng ban đầu.
Công ty TNHH Phú Điền phải nghiêm túc thực hiện việc đổ đất, cát nạo vét tạm thời theo đúng quy định và thực hiện đầy đủ các chương trình quản lý, giám sát môi trường, các biện pháp giảm thiểu ô nhiễm môi trường theo quy định của pháp luật hiện hành. Thực hiện việc hoàn phục, trả lại mặt bằng cho khu vực đổ thải tạm thời, nạo vét đúng quy định để đảm bảo thông thoáng dòng chảy sông Vực Hồng và các nội dung khác theo Công văn số 922/SNNPTNT ngày 04/04/2017 của Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn.
Cần có biện pháp giám sát công tác nạo vét thông luồng sông Vực Hồng để trách đảm bảo tính ổn định công trình kè Hòa Hà |
Ngoài ra, Chủ tịch UBND tỉnh giao Sở Tài nguyên và Môi trường chủ trì, phối hợp với Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, UBND huyện Tư Nghĩa theo chức năng, nhiệm vụ được giao thực hiện việc kiểm tra, giám sát các hoạt động của Công ty TNHH Phú Điền trong quá trình nạo vét lòng sông Vực Hồng.
Chủ tịch Trần Ngọc Căng nhấn mạnh, trường hợp phát hiện vi phạm thì yêu cầu Công ty tạm dừng thực hiện và xử lý theo thẩm quyền hoặc tham mưu UBND tỉnh xử lý theo quy định. Nếu phát hiện nguy cơ mất ổn định đê kè Hòa Hà và sạt lở bờ song, phải kịp thời tham mưu UBND tỉnh chỉ đạo tạm dừng ngay việc nạo vét, thông luồng lòng sông Vực Hồng,…
Rất nhiều các bài học từ các dự án nạo vét khác, lợi dụng giấy phép nạo vét, đơn vị thi công không thực hiện nạo vét mà chỉ lo khai thác cát để bán, không cần biết hậu quả về sau ra sao. Với dự án nạo vét trên sông Vực Hồng này, độ sâu lớp cát, đất cho phép nạo vét trung bình chỉ 0,4m là quá mỏng, trong khi đó vị trí nạo vét chỉ cách chân đê kè Hòa Hà chỉ có 20m. Câu hỏi đặt ra ở đây, nếu việc nạo vét vượt quá giới hạn cho phép thì liệu có ảnh hưởng đến tính ổn định của đê kè Hòa Hà không?.
Nhiều quan ngại cho dự án này, để tránh việc lợi dụng giấy phép nạo vét để khai thác cát đem bán, gây mất cân bằng lượng cát trên lưu vực sông cũng như làm mất ổn định cho đê kè Hòa Hà, làm sạt lở vùng bờ phía thượng lưu sông Vực Hồng, đồng thời gây thất thoát tài nguyên. Đề nghị cơ quan chức năng có biện pháp giám sát chặt chẽ trong quá trình thi công nạo vét thông luồng sông Vực Hồng để phục vụ thi công các hạng mục nhà hàng trên sông của Công ty TNHH Phú Điền.
Võ Hà