Cân nhắc khi đưa hộ kinh doanh vào Luật Doanh nghiệp (sửa đổi)

Tuyết Chinh| 16/10/2019 10:35

(TN&MT) - Hàng triệu hộ kinh doanh còn đang phát triển và gắn với hàng chục triệu lao động; cần đánh giá kỹ những tác động khi bổ sung hộ kinh doanh vào Luật Doanh nghiệp (sửa đổi).

Sáng 16/10, tiếp tục chương trình phiên họp thứ 38, Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho ý kiến về Luật Doanh nghiệp (sửa đổi). Nhiều đại biểu bày tỏ quan điểm không tán thành việc bổ sung hộ kinh doanh vào điều chỉnh Luật này. 

Cần đánh giá đầy đủ tác động

Phát biểu tại phiên họp, Tổng Thư ký Quốc hội, Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội Nguyễn Hạnh Phúc cho rằng, kinh doanh là quyền của công dân được pháp luật quy định. Người dân có quyền kinh doanh ngành nghề cảm thấy phù hợp, còn Nhà nước quản lý doanh nghiệp và hộ kinh doanh bằng hệ thống pháp luật. Tuy nhiên, câu hỏi đặt ra là vì sao người dân không thích sang doanh nghiệp; có thể hàng triệu người kinh doanh sẽ bỏ bê không muốn làm nữa?

ông Nguyễn Hạnh Phúc
Tổng Thư ký Quốc hội, Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội Nguyễn Hạnh Phúc phát biểu tại phiên họp. Ảnh: quochoi.vn

“Khi đưa tất cả hộ kinh doanh vào điều chỉnh của Luật Doanh nghiệp, hộ kinh doanh phải đảm bảo theo Luật doanh nghiệp thì tương lai sự phát triển của hàng triệu hộ kinh doanh như thế nào, nên đánh giá tác động kỹ về vấn đề này”, ông Phúc nói.

Đồng tình với quan điểm trên, ông Nguyễn Văn Túy - Trưởng Ban Đại biểu Quốc hội cho hay, Dự thảo Luật Doanh nghiệp sửa đổi mới nêu ra việc bãi bỏ hạn chế của quy định hiện hành đối với hộ kinh doanh như: chỉ được sử dụng dưới 10 lao động, không được mở chi nhánh, văn phòng đại diện mà chưa có nội dung nào tạo điều kiện cho hộ kinh doanh phát triển.

Theo ông Túy, bản chất Luật đưa ra nhằm tháo gỡ vướng mắc và tạo điều kiện cho doanh nghiệp và hộ kinh doanh phát triển. Do vậy, nếu thấy chưa rõ, không khả thi không nên đưa vào điều chỉnh Luật Doanh nghiệp. Thay vào đó, có thể quy định bằng Nghị định.

ông Nguyễn Chí Dũng
Bộ trưởng Bộ Kế hoạch & Đầu tư Nguyễn Chí Dũng báo cáo tờ trình Luật Doanh nghiệp (sửa đổi). Ảnh: quochoi.vn

Liên quan vấn đề này, Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân đánh giá, việc đưa hộ kinh doanh vào điều chỉnh Luật Doanh nghiệp có ảnh hưởng tới hơn 5 triệu hộ mà chưa có đánh giá tác động đầy đủ.

 “Chúng ta cần xác định cái nào rõ, thấy được đánh giá tác động  thì bổ sung. Tôi đề nghị Luật này sửa những cái bất cập để tạo điều kiện, phát triển doanh nghiệp, môi trường đầu tư, kinh doanh thuận lợi, dễ dàng cho các thành phần kinh tế tham gia xây dựng phát triển doanh nghiệp”, Chủ tịch Quốc hội nhấn mạnh.

Tránh tình trạng càng sửa càng mâu thuẫn

Luật Doanh nghiệp và các nghị định hướng dẫn thi hành đã có những tác động tích cực trong tạo lập môi trường kinh doanh thuận lợi, bình đẳng, thúc đẩy thành lập, phát triển và mở rộng kinh doanh của các doanh nghiệp. Tuy nhiên, hiện nay một số nội dung của Luật Doanh nghiệp không còn phù hợp với thực tiễn, tạo gánh nặng chi phí, thời gian cho doanh nghiệp trong việc tuân thủ; một số nội dung không còn tương thích với một số quy định của luật mới ban hành; một số nội dung khác cần được tiếp tục hoàn thiện để nâng cao chất lượng tổ chức quản trị doanh nghiệp theo thông lệ quốc tế tốt, tăng mức độ an toàn cho cổ đông, nhà đầu tư.

Báo cáo tờ trình về Luật Doanh nghiệp sửa đổi, Bộ trưởng Bộ Kế hoạch & Đầu tư Nguyễn Chí Dũng cho biết, những bất cập, khiếm khuyết của Luật, thay đổi của pháp luật có liên quan, thay đổi bối cảnh kinh tế xã hội và yêu cầu cải cách mạnh mẽ nâng cao chất lượng môi trường kinh doanh của nước ta đã cho thấy sự cần thiết phải sửa đổi Luật doanh nghiệp.

toàn cảnh
Toàn cảnh phiên họp. Ảnh: quochoi.vn

Do vậy, việc sửa đổi Luật Doanh nghiệp nhằm xây dựng khung khổ pháp lý về tổ chức quản trị doanh nghiệp đạt chuẩn mực của thông lệ tốt và phổ biến ở khu vực và quốc tế; thúc đẩy phát triển doanh nghiệp, thu hút vốn nguồn lực vào sản xuất kinh doanh; góp phần nâng cao chất lượng môi trường kinh doanh theo mục tiêu mà Chính phủ đã đặt ra là thuộc nhóm các nước ASEAN 4.

Theo Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân, câu hỏi lớn nhất là chúng ta sửa Luật này có giải quyết được những bất cập, vướng mắc hiện nay không? Sửa đổi Luật để đảm bảo không còn những nội dung không còn tương thích với những Luật ban hành mới gần đây. Tuy nhiên, Dự thảo Luật sửa đổi chưa thấy nêu rõ các nội dung không còn tương thích với những Luật nào.

Do vậy, Chủ tịch Quốc hội đề nghị cần nghiên cứu đảm bảo việc sửa đổi không tạo ra sự không tương thích mới; tránh tình trạng càng sửa càng mâu thuẫn, càng ràng buộc. Cần sửa Luật này để nâng cao chất lượng quản trị doanh nghiệp, giảm gánh nặng chi phí, giảm thời gian để doanh nghiệp tuân thủ Luật.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Cân nhắc khi đưa hộ kinh doanh vào Luật Doanh nghiệp (sửa đổi)
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO