Cần nghiên cứu chuyên sâu để đánh giá động đất cực đại ở Kon Plông

Mai Đan| 24/08/2022 14:24

(TN&MT) - Huyện Kon Plông, tỉnh Kon Tum vừa trải qua 4 trận động đất liên tiếp vào chiều 23/8, trong đó, có trận động đất mạnh 4,7 độ Richter được cho là trận động đất lớn nhất tại khu vực miền Trung từ trước tới nay.

12(1).jpg
Bản đồ rung chấn trận động đất có cường độ 4,7 độ Richter. Ảnh: Viện Vật lý địa cầu

Trao đổi với phóng viên Báo Tài nguyên và Môi trường, ông Nguyễn Xuân Anh - Viện trưởng Viện Vật lý địa cầu (Viện Hàn Lâm khoa học và Công nghệ Việt Nam) cho biết: Theo đánh giá bước đầu của Viện, nguyên nhân xảy ra các trận động đất liên tiếp vào chiều 23/8 là do động đất kích thích, có liên quan đến các thủy điện nhưng cần tiến hành nghiên cứu rõ hơn.

Động đất 4,7 độ Richter là trận động đất được phân loại là trận động đất nhẹ, nhưng cũng đã gây rung lắc ở địa phương và các khu vực lân cận, trong đó, có TP. Đà Nẵng. Trong thời gian tới, động đất vẫn có thể xảy ra và nó sẽ ảnh hưởng đến hoạt động sản xuất của người dân gây hoang mang tâm lý.

Để đề xuất các giải pháp ứng phó phù hợp, ông Nguyễn Xuân Anh cho biết, Viện Vật lý địa cầu đang lắp đặt bổ sung một số trạm để quan trắc hoạt động động đất ở huyện Kon Plông; đồng thời, sẽ thực hiện các nghiên cứu chuyên sâu trong thời gian sớm nhất để đánh giá động đất cực đại ở khu vực này, bởi những nghiên cứu từ trước đến nay chỉ là các nghiên cứu sơ bộ.

Vào tháng 4/2022, huyện Kon Plông cũng xảy ra hàng chục trận động đất, mặc dù, không gây thiệt hại về người và tài sản nhưng đã khiến người dân lo lắng, bất an. Viện Khoa học và Địa chất và Khoáng sản (Bộ TN&MT) đã thành lập đoàn khảo sát sơ bộ tìm hiểu hiện trạng và nắm bắt tình hình trên địa bàn xảy tra động đất. Viện đã thiết kế các hành trình kiểm tra tập trung vào các đối tượng nguyên nhân nền móng địa chất cũng như tác động của nó đến các khu vực dân cư xung quanh.

image001.jpg
Đoàn khảo sát của Viện Khoa học và Địa chất và Khoáng sản triển khai bay chụp ảnh khu vực hồ Thủy điện Đak Đring

Từ đó, đoàn khảo sát cho rằng, cần tiếp tục quan trắc để có những đánh giá chi tiết hơn về vấn đề động đất kích thích, cũng như lưu ý khả năng tác động cộng ứng của các yếu tố.

Viện Khoa học Địa chất và Khoáng sản cũng đề xuất triển khai nghiên cứu, quan trắc mức độ tác động của các trận động đất đến các hiện tượng trượt lở, lũ quét trong khu vực; nghiên cứu, đánh giá sự tồn tại của các đứt gãy hoạt động và mức độ an toàn hồ đập trên địa bàn; nghiên cứu tai biến địa chất liên quan đến các núi lửa đang hoạt động ở khu vực miền Trung và Tây Nguyên Việt Nam.

Trước đó, trong chiều 23/8, Trung tâm Báo tin động đất và cảnh báo sóng thần (Viện Vật lý địa cầu Việt Nam) đã ghi nhận 4 trận động đất liên tiếp tại huyện Kon Plông, tỉnh Kon Tum. Cụ thể, trận động đất thứ nhất mạnh 4,7 độ Richter xảy ra lúc 14 giờ 8 phút 4 giây tại vị trí tọa độ 14,768 độ vĩ bắc - 108,209 độ kinh đông, độ sâu chấn tiêu khoảng 8,2 km. Chỉ 3 phút sau, trận động đất thứ 2 xảy ra với cường độ 3,6 độ Richter, tại vị trí tọa độ 14,796 độ vĩ bắc - 108,252 độ kinh đông, độ sâu chấn tiêu khoảng 8,1 km. Đến 15 giờ 2 phút 9 giây, trận động đất thứ 3 xảy ra, với độ lớn 3,7 độ Richter, tại vị trí có tọa độ 14.801 độ vĩ bắc, 108.238 độ kinh đông. Đến khoảng 15 giờ 27 phút, xảy ra trận động đất thứ 4 mạnh 2,5 độ Richter, với độ sâu khoảng 8,1 km.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Cần nghiên cứu chuyên sâu để đánh giá động đất cực đại ở Kon Plông
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO