Cần nghiêm cấm nuôi trồng thủy sản ở vịnh Mân Quang

29/08/2014 00:00

(TN&MT) - Mặc dù UBND TP. Đà Nẵng đã có văn bản cấm nuôi trồng thủy sản ở vịnh Mân Quang, nhưng nhiều hộ dân vẫn lén lút nuôi cá.

   
(TN&MT) - Mặc dù UBND TP. Đà Nẵng đã có văn bản cấm nuôi trồng thủy sản ở vịnh Mân Quang, nhưng nhiều hộ dân vẫn lén lút nuôi cá. Hậu quả vào thời điểm chuyển mùa lượng nước thải từ Khu công nghiệp tăng, cường độ tàu thuyền ra vào cảng dày đặc, môi trường bị ô nhiễm nghiêm trọng khiến cá chết hàng loạt.
   
Cá chết trắng chỉ trong một đêm
   
Đã 3 ngày trôi qua nhưng trên mặt vịnh Mân Quang, xác cá vẫn chưa được vớt hết, trôi dạt vào bờ, bốc mùi hôi thối nồng nặc cả một góc vịnh. Người đi đường qua cầu Thuận Phước phải bịt miệng nín thở. Còn chủ lồng bè thì thẫn thờ bởi tài sản cả tỷ đồng đầu tư suốt cả năm trời đã “bốc hơi” theo xác cá. Ông Đoàn Văn Điểm, chủ một bè cá trên vịnh Mân Quang cho biết: “Từ chiều 24/8 họ đã phát hiện một dòng nước đục ngầu như màu nước vo gạo từ trong Âu thuyền và cảng cá Thọ Quang chảy vào vịnh. Nghi ngờ các nhà máy trong Khu công nghiệp Dịch vụ thủy sản Thọ Quang xả lén nước thải ra môi trường, nhiều hộ đã tìm cách kéo bè cá của mình ra xa bờ kè. Đến rạng sáng 25/8, cá bắt đầu chết đồng loạt trên diện rộng, buộc những người nuôi cá trên bè phải kêu các đầu nậu bán tháo với giá rẻ mạt để vớt vát. Thiệt hại khoảng 200 triệu đồng”.
   
Cá chết nổi trên vinh Mân Quang
   
Một người dân nuôi cá lồng cho biết, thông thường, mỗi khi chuyển mùa, vẫn xảy ra hiện tượng cá chết nhiều. Nhưng lần này cá chết không hẳn do mưa giông, mà có thể do các nhà máy chế biến thủy sản ở khu công nghiệp thủy sản Thọ Quang lén xả thải ra ngoài gây ô nhiễm môi trường, gây nên hiện tượng cá chết hàng loạt.
   
Cống đưa nước thải của Khu dịch vụ thủy sản Thọ Quang xả ra vịnh Mân Quang
   
Hiện trên mặt vịnh Mân Quang có khoảng 25 hộ dân đang nuôi cá lồng. Mỗi lồng bè nuôi cá tại vịnh Mân Quang có chi phí đầu tư ban đầu từ 40 đến 100 triệu đồng. Mỗi vụ thả nuôi, người nuôi phải đầu tư thêm vài trăm đến cả tỷ đồng tiền giống cá, tiền thức ăn, công chăm sóc tùy quy mô nuôi. Vậy mà chỉ trong một đêm, trong khoảng 15 bè chết sạch, những bè còn lại do ở phía ngoài gần cửa sông nên cá chết ít hơn. Hầu hết, cá được nuôi ở đây chủ yếu là cá mú, cá hanh, cá hồng, cá vảo... có giá trị kinh tế cao. Trung bình 1kg cá có giá từ 250.000 - 300.000 đồng nhưng giờ cá chết, các đầu nậu ép giá, người nuôi chỉ bán được 25.000 -30.000 đồng/kg. Những người nuôi cá tại đây cho biết, việc cá chết trắng trong ngày 25/8, ước tính ban đầu mỗi hộ thiệt hại từ 250 - 350 triệu đồng.
   
Cần giải pháp quyết liệt
   
Đây không phải là lần đầu tiên xảy ra hiện tượng cá chết trắng trên vịnh Mân Quang. Bởi lẽ, đây là khu vực nằm cạnh Nhà máy đóng tàu Sông Thu lại ở phía dưới Khu Công nghiệp dịch vụ thủy sản Thọ Quang- điểm “nóng” về ô nhiễm môi trường tại thành phố nên tình trạng cá chết là điều khó tránh khỏi.
   
Trước thực tế này, giữa năm 2010, UBND TP. Đà Nẵng có chủ trương cấm nuôi thủy hải sản trong khu vực này, hỗ trợ cho các hộ dân chuyển đổi ngành nghề. Tuy nhiên, nói là hỗ trợ chuyển đổi nghề nhưng lại không xác định được ngành nghề phù hợp cho người dân. Chính quyền phường Thọ Quang sau thời gian quyết liệt triển khai chủ trương của thành phố như cưỡng chế, tháo dỡ lồng bè… sau đó lại thả nổi để người dân trở lại nghề cũ. Do vậy, cũng giống như đợt thiệt hại cá và nghêu năm ngoái, lần này những hộ nuôi cá lồng bè sẽ không được hỗ trợ bất cứ khoản nào.
   
Các hộ nuôi cá lồng bè ở vịnh Mân Quang
   
Ông Đặng Quang Vinh - Chi cục trưởng Chi cục Bảo vệ môi trường TP. Đà Nẵng cho rằng, tình trạng cá chết trên vịnh Mân Quang năm nào cũng xảy ra bởi lẽ môi trường tại đây không bảo đảm và không phù hợp cho việc nuôi thủy sản. Vì khu vực người dân nuôi cá nằm ngay hạ lưu cảng cá và KCN thủy sản Thọ Quang. Mặc dù nước thải từ KCN này gần đây được kiểm soát nhưng không thể bảo đảm các tiêu chuẩn về nuôi trồng thủy sản. Những thời điểm chuyển mùa, hoặc khi các nhà máy hoạt động liên tục, lượng nước xả thải ra lớn hơn ngày thường.  
   
Ông Ngô Văn Quang, Chánh Văn phòng Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NN&PTNT) TP. Đà Nẵng khẳng định: Khu vực người dân nuôi cá lồng ở vinh Mân Quang là hoàn toàn tự phát, Sở NN&PTNT đã có nhiều văn bản khuyến nghị, cảnh báo người dân không nên nuôi trồng thủy sản ở khu vực này. Chính quyền thành phố cũng đã có văn bản cấm nuôi trồng thủy sản ở vịnh Mân Quang, vì đây vừa là khu vực hạ lưu của cảng cá và KCN dịch vụ thủy sản, vừa là luồng đi lại của tàu thuyền đánh cá ra vào cảng. Tuy nhiên, nhiều hộ dân vẫn lén lút nuôi cá, dẫn đến việc chính họ gây nên ô nhiễm môi trường khi cá chết và bị vứt bừa bãi ra mặt vịnh.
   
Môi trường vịnh Mân Quang bị ô nhiễm nghiêm trọng
   
Nguyên nhân khiến cá chết trắng trên vịnh Mân Quang những ngày qua đã dần được xác định. Cá chết, hàng chục hộ dân đang lâm vào cảnh trắng tay; môi trường bị ảnh hưởng, luồng đi lại của tàu thuyền, đồng thời, gây nguy hại đến sức khỏe người tiêu dùng khi chế biến, sử dụng các loại hải sản được nuôi tại khu vực này. Đã đến lúc, chính quyền thành phố cần có những giải pháp hữu hiệu để nghiêm cấm triệt để việc nuôi trồng thủy sản và chuyển đổi ngành nghề cho số hộ nuôi cá lồng bè khu vực Vịnh Mân Quang, phường Thọ Quang, quận Sơn Trà./.
   
Bài và ảnh:Lan Anh - Văn Hà
   
  
(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Cần nghiêm cấm nuôi trồng thủy sản ở vịnh Mân Quang
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO