PV: Xin ông cho biết quan điểm của ông về sự cần thiết sửa đổi Luật Đất đai?
Đại biểu Sùng A Lềnh: Tôi tán thành sự cần thiết sửa đổi toàn diện Luật Đất đai với những lý do như đã nêu trong Tờ trình của Chính phủ. Thời gian qua, thực hiện Luật Đất đai năm 2013, công tác quản lý, sử dụng đất đai đã đạt được những kết quả tích cực, góp phần quan trọng cho phát triển kinh tế - xã hội, đảm bảo quốc phòng, an ninh.
Tuy nhiên, bên cạnh kết quả đạt được, quá trình tổ chức thi hành Luật đã bộc lộ những tồn tại, hạn chế. Nguyên nhân do hệ thống pháp luật thiếu đồng bộ, chưa phù hợp với thể chế kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa, yêu cầu phát triển của đất nước; quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất và các quy hoạch có liên quan chưa đảm bảo sự thống nhất, đồng bộ; giá đất chưa phản ánh thực tế thị trường; việc thực hiện pháp luật về đất đai có lúc, có nơi còn chưa nghiêm...
Tôi cho rằng, việc sửa đổi Luật Đất đai là cần thiết, nhằm khắc phục những tồn tại hạn chế, phát huy nguồn lực đất đai đáp ứng yêu cầu phát triển đất nước trong giai đoạn mới theo tinh thần Nghị quyết Đại hội toàn quốc lần thứ XIII của Đảng, Nghị quyết số 18-NQ/TW của BCH Trung ương khóa XIII về tiếp tục đổi mới, hoàn thiện thể chế, chính sách, nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lý và sử dụng đất, tạo động lực đưa nước ta trở thành nước phát triển có thu nhập cao.
PV: Ông đánh giá thế nào về Dự thảo Luật Đất đai (sửa đổi) Chính phủ vừa trình Quốc hội?
Đại biểu Sùng A Lềnh: So với Luật Đất đai năm 2013, Dự thảo Luật Đất đai (sửa đổi) có nhiều đổi mới quan trọng nhằm thể chế hóa đầy đủ, kịp thời các quan điểm, chủ trương của Đảng tại Nghị quyết Đại hội lần thứ XIII của Đảng, Nghị quyết số 18-NQ/TW và các nghị quyết, kết luận của Đảng về quản lý và sử dụng đất đai, đồng thời, giải quyết các vấn đề đặt ra từ thực tiễn.
Ví dụ: Dự thảo Luật bổ sung 1 mục mới về quyền và nghĩa vụ của công dân đối với đất đai (Mục 3 chương II, từ Điều 32 đến Điều 34), trong đó có các quyền: tham gia góp ý kiến về quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất; tham gia quản lý Nhà nước, thảo luận và kiến nghị với cơ quan Nhà nước về công tác quản lý, sử dụng đất đai; quyền về bình đẳng, bình đẳng giới trong quản lý, sử dụng đất đai; quyền tiếp cận thông tin đất đai…
Sửa đổi, bổ sung nguyên tắc bồi thường theo hướng: Việc bồi thường khi Nhà nước thu hồi đất phải bảo đảm người có đất bị thu hồi có chỗ ở, đảm bảo thu nhập và điều kiện sống bằng hoặc tốt hơn nơi ở cũ; hộ gia đình, cá nhân có đất bị thu hồi được bồi thường bằng đất có cùng mục đích với đất bị thu hồi hoặc bằng tiền, bằng đất khác hoặc bằng nhà ở phù hợp với nhu cầu của người có đất bị thu hồi và quỹ đất của từng địa phương; việc tổ chức xây dựng phương án bồi thường, hỗ trợ, tái định cư phải thực hiện trước khi có quyết định thu hồi đất (Điều 97)…
Tuy nhiên, qua nghiên cứu quy định của Dự thảo Luật, yêu cầu tại Nghị quyết số 18-NQ/TW và thực tiễn triển khai thi hành Luật Đất đai năm 2013, tôi cho rằng, một số sửa đổi, bổ sung của Dự thảo Luật chưa thực sự thể chế hóa được yêu cầu tại Nghị quyết số 18-NQ/TW, cũng như chưa đáp ứng được đòi hỏi của thực tiễn thời gian qua và yêu cầu phát triển kinh tế - xã hội của đất nước.
Cụ thể: Dự thảo Luật bổ sung 1 mục mới về quyền và nghĩa vụ của công dân đối với đất đai (Mục 3 chương II). Tuy nhiên, nội dung các quyền này chưa được quy định rõ, ví dụ, Điều 76 quy định về việc lấy ý kiến về quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất còn chung chung, không bảo đảm được quyền của người dân, nhất là người dân trong khu vực bị tác động bởi quy hoạch; Điều 33 chưa làm rõ cơ chế để công dân tiếp cận thông tin đất đai... Để bảo đảm các quy định này khả thi, tạo điều kiện cho công dân thực hiện quyền của mình, cần quy định rõ hơn nội dung của các quyền và cơ chế để người dân thực hiện được quyền (có thể bổ sung 1 mục về bảo đảm quyền của công dân trong quản lý, sử dụng đất).
Về nguyên tắc bồi thường về đất khi Nhà nước thu hồi đất: Khoản 2 Điều 81 của Dự thảo Luật quy định “Việc bồi thường khi Nhà nước thu hồi đất phải bảo đảm người có đất bị thu hồi có chỗ ở, đảm bảo thu nhập và điều kiện sống bằng hoặc tốt hơn nơi ở cũ”.
Tuy nhiên, các quy định cụ thể về bồi thường, hỗ trợ, tái định cư trong Dự thảo Luật chưa thực sự làm rõ được như thế nào là bảo đảm điều kiện sống bằng hoặc tốt hơn nơi ở cũ; chưa quy định rõ tiêu chí, cách thức để đánh giá, định lượng việc bồi thường tạo lập chỗ ở mới cho người bị thu hồi đất có điều kiện sống bằng hoặc tốt hơn nơi ở cũ. Do đó, cần cụ thể hóa nguyên tắc trong Nghị quyết số 18-NQ/TW để bảo đảm thực hiện thống nhất, công khai, minh bạch, hạn chế việc lạm dụng, góp phần giảm khiếu nại, tố cáo vì thực tiễn cho thấy, tỷ lệ khiếu nại, tố cáo có liên quan đến việc bồi thường, thu hồi đất rất lớn.
PV: Đại biểu quan tâm tới nội dung nào nhất của Dự thảo Luật và có ý kiến, đề xuất gì với nội dung này?
Đại biểu Sùng A Lềnh: Tôi quan tâm nhất tới nội dung thu hồi đất để phát triển kinh tế - xã hội vì lợi ích quốc gia, công cộng (Điều 86), bởi đây là vấn đề liên quan trực tiếp tới quyền và lợi ích của người dân, thực tiễn triển khai cũng đã phát sinh không ít khiếu kiện phức tạp. Theo khoản 3 Điều 54 của Hiến pháp “Nhà nước thu hồi đất do tổ chức, cá nhân đang sử dụng trong trường hợp thật cần thiết do luật định vì mục đích quốc phòng, an ninh; phát triển kinh tế - xã hội vì lợi ích quốc gia, công cộng”. Luật Đất đai hiện hành giải mã quy định này của Hiến pháp tại Điều 62, tuy nhiên, quá trình thực hiện còn có vướng mắc.
Do đó, tại Nghị quyết số 18-NQ/TW đã nêu rõ yêu cầu phải “quy định cụ thể hơn về điều kiện, tiêu chí cụ thể việc Nhà nước thu hồi đất để phát triển kinh tế - xã hội vì lợi ích quốc gia, công cộng”. Điều 86 Dự thảo Luật đã bổ sung một số nội dung so với hiện hành, tuy nhiên, các nội dung này chưa thể hiện rõ điều kiện, tiêu chí cụ thể để thu hồi đất, do đó, chưa đáp ứng được yêu cầu tại Nghị quyết 18-NQ/TW cũng như yêu cầu của thực tiễn. Tôi đề nghị, trên cơ sở tổng kết thực tiễn, cần nghiên cứu làm rõ thêm vấn đề này.
Bên cạnh đó, Dự thảo Luật mở rộng phạm vi và bổ sung thêm một số trường hợp Nhà nước thu hồi đất, như: dự án công trình công cộng không nhằm mục đích kinh doanh; dự án tạo quỹ đất do Nhà nước đầu tư theo phương hướng tuyến giao thông và các điểm kết nối giao thông theo quy hoạch (Luật Đất đai hiện hành quy định: thực hiện các dự án quan trọng quốc gia do Quốc hội quyết định chủ trương đầu tư mà phải thu hồi đất); dự án nhà ở thương mại sử dụng các loại đất không phải là đất ở (Luật Đất đai hiện hành không có trường hợp này), dự án khai thác khoáng sản (Luật Đất đai hiện hành loại trừ trường hợp khai thác khoáng sản làm vật liệu xây dựng thông thường, than bùn, khoáng sản tại các khu vực có khoáng sản phân tán, nhỏ lẻ và khai thác tận thu khoáng sản), dự án lấn biển (Luật Đất đai hiện hành không có các trường hợp này)...
Đây là vấn đề phải hết sức thận trọng vì sẽ ảnh hưởng lớn tới quyền, lợi ích của người dân, tiềm ẩn nguy cơ gây khiếu nại, tố cáo, vì vậy, tôi đề nghị có sự giải thích một cách thấu đáo, thuyết phục về các trường hợp thu hồi đất mới được bổ sung trong Dự thảo Luật.