Cần kiểm soát chặt chẽ cơ sở gây nuôi động vật hoang dã

22/01/2015 00:00

(TN&MT) - Việc gây nuôi các loài ĐVHD đang dần trở thành một nghề thu hút bởi lợi nhuận từ nó mang lại.

   
(TN&MT) - Thời gian gần đây, việc gây nuôi các loài động vật hoang dã (ĐVHD) đang dần trở thành một nghề thu hút được sự quan tâm bởi lợi nhuận từ nó mang lại. Chính điều này đã và đang đặt ra nhiều thách thức cho công tác quản lý cũng như bảo tồn ĐVHD.
   
Mâu thuẫn: Bảo tồn- lợi ích
   
  Đây là câu hỏi đang được đặt ra chưa có lời giải đáp thỏa đáng khi mà các hoạt động bảo tồn như tuyên truyền nâng cao ý thức, các hoạt động nghiên cứu đào tạo là những hoạt động lâu dài chưa thể góp phần chấm dứt triệt để tình hình săn bắn và buôn bán, tiêu thụ sản phẩm có xuất xứ từ ĐVHD. Đâu đó vẫn còn một bộ phận không hề nhỏ người dân tin dùng vào “công năng kỳ diệu” của những món hàng từ thiên nhiên. Nhu cầu sử dụng ĐVHD của con người luôn trong tình trạng...khan hiếm thì nhân nuôi được xem là một hướng giải quyết làm bình ổn nhu cầu thị trường.
   
  Theo tính toán, cả nước hiện có khoảng 4000 cơ sở đăng ký với cơ quan chức năng với khoảng 1 triệu con và 100 loài động vật đang được nuôi dưỡng tại khắp 63 tỉnh thành của Việt Nam. Những người hoạt động trong mô hình này cho rằng việc làm này đã góp phần không nhỏ đáp ứng được nhu cầu trong nước và xuất khẩu. Không những thế nó còn mang một ý nghĩa cao cả là việc bảo tồn và gìn giữ những nguồn gen. Đây được xem là một công cụ hữu hiệu cho công cuộc xóa đói giảm nghèo hữu hiệu bởi lợi nhuận từ buôn bán ĐVHD là rất lớn trong khi đó nhu cầu của thị trường thì vô cùng tiềm năng.
   
Cán bộ kiểm lâm kiểm tra công tác gây nuôi lợn rừng tại một cơ sở nuôi nhốt
   
  Tuy nhiên hoạt động này cũng đang gây ra nhiều “biến tướng” không những không làm giảm sức ép lên tự nhiên mà một số trường hợp ĐVHD bị săn bắt trái phép trong tự nhiên được hợp thức hóa trong các trang trại gây nuôi, đó là chưa kể tới một số cơ sở lập ra chỉ để mua bán tàng trữ thú rừng. Không chỉ dừng lại ở đó, các cơ sở gây nuôi còn chủ động mua bán ĐVHD có xuất xứ từ thiên nhiên để làm con giống tránh giao phối cận huyết làm thoái hóa giống.
   
  Các trang trại gây nuôi này cũng tiềm ẩn nhiều nguy hiểm như lây lan dịch bệnh mới, thú nuôi tấn công người khi xổng chuồng… Kết quả khảo sát qua 78 trang trại gây nuôi tại Việt Nam được Cục Kiểm Lâm Việt Nam và Hiệp hội Bảo tồn ĐVHD Việt Nam phối hợp tổ chức cho thấy có 22 loài hiện đang được nuôi nhốt trong các trang trại. Trong số này có 12 loài đang bị đe dọa cấp quốc gia, 6 loài bị đe dọa trên toàn cầu...Thay vì hoạt động với “vỏ bọc” trá hình để đánh lừa các cơ quan chức năng bằng mục đích bảo tồn thì chính các cơ sở này lại trở thành mối đe dọa đối với sự tuyệt chủng của các loài ĐVHD được quyền sinh sống trong môi trường tự nhiên. Khảo sát cho thấy có tới 42% số trang trại thường xuyên nhập ĐVHD làm con giống còn có tới 50% chủ các trang trại thừa nhận con giống ban đầu của họ có nguồn gốc từ tự nhiên.
   
  Như vậy, thay vì “núp bóng” dưới những vỏ bọc bảo tồn các cơ sở gây nuôi này đang trở thành những ‘xứ sở xa lạ” nhằm tách biệt cuộc sống của các loài thú ra khỏi tự nhiên nơi đáng nhẽ phải dành cho chúng.
   
Tăng cường thực thi các văn bản pháp quy
   
  Nhìn nhận một cách khách quan vấn đề gây nuôi ĐVHD, Giáo sư Đặng Huy Huỳnh, Chủ tịch Hiệp hội Bảo tồn ĐVHD tại Việt Nam cho rằng: Nhìn chung việc gây nuôi ĐVHD đã đạt được một số kết quả có ý nghĩa như phát triển kinh tế các hộ gia đình ở vùng sâu, vùng sa, các nơi giáp rừng có cuộc sống còn nhiều khó khăn. Việc làm này còn có đóng góp lớn cho giáo dục môi trường và giải trí, đặc biệt là công tác bảo tồn nguồn gen. Giáo sư dẫn chứng như việc nuôi hươu sao và cá sấu hai loài gần như là có nguy cơ tuyệt chủng ở Việt Nam nhưng nhờ gây nuôi sinh sản đã bảo tồn được nguồn gen. Giáo sư cũng cho rằng, bất cập của vấn đề này khi một số cơ sở gây nuôi chưa có những đóng góp thực tế vào việc bảo tồn nguồn gen tự nhiên một cách thiết thực. Bên cạnh đó, hệ thống quản lý nhà nước cũng chưa chặt chẽ nên vẫn còn nhiều quan ngại về tính minh bạch của các trại gây nuôi. Chính vì vậy, việc hoàn thiện chính sách pháp luật về vấn đề này càng trở nên cấp thiết hơn bao giờ hết. Việc thực thi các chính sách này cũng phải tuân thủ nghiêm ngặt như việc cần ban hành một chế tài xử phạt nghiêm khắc dành cho những chủ trang trại cố tình vi phạm các điều luật bảo vệ ĐVHD. Các chủ trang trại này phải có đầy đủ tài liệu chứng minh được nguồn gốc của các con giống được nuôi. Đồng thời cũng cần phải xây dựng các quy trình, hướng dẫn cụ thể đối với các cơ sở gây nuôi ĐVHD quý hiếm...
   
  Một điều đáng mừng, ngày 15/1/2015 vừa qua, để góp phần tăng cường hơn nữa công tác quản lý các cơ sở gây nuôi ĐVHD, Bộ Nông nghiệp và PTNT đã có Chỉ thị số 396/CT-BNN-TCLN về tăng cường công tác quản lý các cơ sở nuôi động vật hoang dã hung dữ. Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn đề nghị Chủ tịch Ủy ban nhân dân các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương chỉ đạo các cơ quan chức năng địa phương tập trung thực hiện các giải pháp tạo sự chuyển biến tích cực trong quản lý các trại nuôi, hoạt động mua bán, sử dụng động vật hoang dã. Việc quản lý các cơ sở này có nơi còn buông lỏng, chưa thực hiện việc kiểm tra, giám sát thường xuyên. Hiện tượng vi phạm các quy định về quản lý, buôn bán, sử dụng mẫu ĐVHD diễn biến phức tạp ở một số địa phương.
   
  Chính vì vậy, Chỉ thị này được ban hành đã đưa ra những “quyết pháp” mạnh tay góp phần quản lý chặt chẽ việc gây nuôi ĐVHD đang diễn ra phức tạp trong thời gian vừa qua.
   
Thụy Anh
   
   
   
  
(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Cần kiểm soát chặt chẽ cơ sở gây nuôi động vật hoang dã
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO