Xã hội

Cần hành lang pháp lý kịp thời ngăn chặn thuốc lá kiểu mới

Mai Đan (thực hiện) 22/07/2024 - 19:13

(TN&MT) - Phòng, chống tác hại thuốc lá là một trong những nhiệm vụ được cộng đồng và chính phủ quan tâm. Tuy nhiên, công cuộc phòng, chống tác hại thuốc lá còn gặp nhiều trở ngại do có nhiều quan niệm sai lầm về thuốc lá mới.

Để làm rõ những quan niệm này cũng như những đề xuất, kiến nghị để công cuộc phòng chống tác hại thuốc lá ngày càng hiệu quả, phóng viên Báo Tài nguyên và Môi trường đã có cuộc trò chuyện với ThS.Nguyễn Hạnh Nguyên, cán bộ quản lý, chương trình Phòng chống tác hại thuôc lá và bệnh không lây nhiễm - Tổ chức HealthBridge Canada tại Việt Nam.

cbe6e4d8-82e5-46e4-9295-ff2e58b27833.jpg
ThS.Nguyễn Hạnh Nguyên, cán bộ quản lý, chương trình Phòng chống tác hại thuôc lá và bệnh không lây nhiễm - Tổ chức HealthBridge Canada tại Việt Nam trao đổi với phóng viên Báo Tài nguyên và Môi trường

PV: Hiện nay, có quan niệm cho rằng các sản phẩm thuốc lá mới gồm thuốc lá điện tử và thuốc lá nung nóng có khả năng giảm hại vì chúng khiến người dùng tiếp xúc với ít hóa chất độc hại hơn. Xin bà cho biết ý kiến của bà về vấn đề này?

ThS.Nguyễn Hạnh Nguyên:

Hiện nay có rất nhiều quan niệm sai lầm về thuốc lá mới, bao gồm thuốc lá điện tử và thuốc lá nung nóng. Trong đó, một trong những thông tin được các nhà sản xuất, bán hàng quảng bá nhiều đó là việc cho rằng các sản phẩm thuốc lá mới gồm thuốc lá điện tử và thuốc lá nung nóng có khả năng giảm hại và an toàn hơn thuốc lá điếu thông thường.

Tuy nhiên, thực tế, Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) đã khẳng định: “Không có bằng chứng nào chứng minh rằng thuốc lá điện tử, thuốc lá nung nóng ít gây hại hơn các sản phẩm thuốc lá điếu thông thường”.

Các sản phẩm thuốc lá điện tử, thuốc lá nung nóng đều chứa nicotine là chất gây nghiện cao, gây hại đến sức khỏe đặc biệt là sự phát triển não bộ ở trẻ em và thanh thiếu niên. Khói của thuốc lá điện tử có chứa các chất độc hại gồm aceton, acrolein, acet-aldehyde, formaldehyde, các hợp chất hữu cơ dễ bay hơi (VOC), hydrocacbon thơm đa vòng (PAHs), nitrosamine đặc trưng của thuốc lá (TSNA), và kim loại (nồng độ chì, crom, niken và fomandehit được tìm thấy trong một số khói của một số sản phẩm thuốc lá điện tử ở mức bằng và cao hơn thuốc lá điếu thông thường).

Khói thuốc lá nung nóng có chứa các hóa chất độc hại tương tự như khói thuốc lá điếu thông thường. Nồng độ một số hóa chất trong thuốc lá nung nóng thấp hơn thuốc lá điếu thông thường, nhưng nồng độ một số hóa chất khác lại cao hơn, và tạo ra những chất mới không có trong thuốc lá điếu thông thường, có khả năng gây hại cho sức khỏe.

fb1c62c4-972b-4bb0-a811-c3a1822be1af.jpg
Truyền thông là giải pháp chủ đạo trong công tác phòng chống tác hại của thuốc lá, đặc biệt là thuốc lá mới

Tuyên bố về việc “Thuốc lá điện tử giảm hại hơn 95% so với thuốc lá điếu thông thường” là không có bằng chứng khoa học. Thông tin “giảm hại” này được đưa ra bởi ý kiến của một nhóm nhỏ các chuyên gia, trên cơ sở một bài báo được tài trợ bởi ngành công nghiệp thuốc lá và không đảm bảo cơ sở khoa học. Trong khi đó, các bằng chứng khoa học gần đây dựa trên Phân tích dịch tễ học mới nhất kết luận rằng tỷ lệ mắc bệnh liên quan đến việc sử dụng thuốc lá điện tử tương tự tỷ lệ mắc khi hút thuốc lá điếu đối với các bệnh như bệnh tim mạch, đột quỵ và rối loạn chuyển hóa (như tăng huyết áp, béo phì).

Đối với các sản phẩm thuốc lá nung nóng, cũng có thông tin cho rằng các sản phẩm này được Cục quản lý Thực phẩm và Dược phẩm Hoa Kỳ (FDA) phê duyệt là sản phẩm giảm hại. Thông tin này cũng không chính xác bởi, FDA Hoa kỳ không phê duyệt sản phẩm thuốc lá nung nóng IQOS là “giảm hại”. FDA chỉ phê duyệt IQOS là sản phẩm điều chỉnh phơi nhiễm, và bác bỏ tuyên bố rằng việc sử dụng sản phẩm này ít gây hại hơn so với các sản phẩm thuốc lá khác.

Trước những thông tin sai lệch về các sản phẩm thuốc lá mới, WHO khuyến cáo các quốc gia cần có biện pháp “ngăn chặn việc đưa ra các kết luận thiếu căn cứ về an toàn của thuốc lá điện tử, thuốc lá nung nóng” (theo Hội nghị COP8, Công ước FCTC của Tổ chức Y tế Thế giới).

WHO cũng nhấn mạnh, việc tuyên truyền thuốc lá nung nóng ít hóa chất độc hại hơn so với thuốc lá truyền thống sẽ gây hiểu nhầm cho người sử dụng về tác hại của thuốc lá nung nóng. Tổ chức này kêu gọi các quốc gia thực hiện đầy đủ các biện pháp phòng chống tác hại thuốc lá trong Công ước khung FCTC thay vì sử dụng các sản phẩm được gọi là ít có hại hơn thuốc lá thông thường.

PV: Cũng có quan điểm khác cho rằng các sản phẩm thuốc lá mới là dành cho người trưởng thành đang hút thuốc nhằm mục tiêu bỏ thuốc và không nhắm tới giới trẻ, do đó chỉ cần cấm trẻ em tiếp cận với thuốc lá điện tử, thuốc lá nung nóng là đủ. Quan điểm của bà về vấn đề này như thế nào, thưa bà?

ThS.Nguyễn Hạnh Nguyên:

Mặc dù các nhà sản xuất thuốc lá điện tử, thuốc lá nung nóng vẫn luôn tuyên bố là sản phẩm của họ không nhắm tới giới trẻ. Tuy nhiên, bằng chứng thực tiễn cho thấy các sản phẩm này nhắm tới một lượng lớn khách hàng mới (chưa từng hút thuốc) bao gồm cả phụ nữ và trẻ em.

Theo ghi nhận của chúng tôi, các sản phẩm thuốc lá mới trên thị trường được thiết kế hết sức đa dạng từ kiểu dáng, màu sắc, tính năng và nhắm trực tiếp vào thị hiếu giới trẻ. Thuốc lá điện tử có thể có hình dạng rất nhỏ chỉ như điếu thuốc, hay USB, hay thỏi son môi, và thậm chí chúng còn được thiết kế giống hệt như một món đồ chơi của trẻ như hình lego, hình gấu bông, hay thậm chí là hộp sữa hay cốc trà sữa. Chính điều này, một mặt hấp dẫn thanh thiếu niên, nhưng mặt khác khiến cho các sản phẩm ngụy trang này khó bị phát hiện bởi phụ huynh hay giáo viên.

Bên cạnh đó, các sản phẩm này được quảng cáo và có thể dễ dàng mua bán qua mạng xã hội như Facebook, Tiktok và sàn thương mại điện tử. Chúng tôi từng thử trực tiếp đặt mua thuốc lá điện tử, khi nhận được gói hàng, chúng tôi thấy bên ngoài gói hàng ghi nhãn là “thuốc trị mụn, mỹ phẩm”. Việc này là một cách để những người bán hàng qua mặt cơ quan chức năng và trẻ cũng có thể dễ dàng “qua mắt” được bố mẹ, thầy cô giáo để mua và sử dụng thuốc lá điện tử.

Các chiến lược quảng cáo thuốc lá điện tử, thuốc lá nung nóng cũng thường sử dụng những người nổi tiếng và có ảnh hưởng trên mạng xã hội để tiếp thị các sản phẩm và dễ dàng tiếp cận với giới trẻ.

img-20230609-14503620240520145956.jpg
Lực lượng chức năng kiểm tra cơ sở kinh doanh thuốc lá thế hệ mới

Thực tế bài học kinh nghiệm trên thế giới cho thấy, các quốc gia cho phép các sản phẩm thuốc lá điện tử, thuốc lá nung nóng nhưng ban hành các chính sách về cấm bán cho trẻ vị thành niên đã thất bại trong việc ngăn chặn việc sử dụng của giới trẻ. Tại Hoa Kỳ, giai đoạn 2017 - 2019 tỷ lệ sử dụng thuốc lá điện tử tăng vọt từ 11,7% lên 27,5% ở học sinh THPT, và từ 3,3% lên 10,5% ở học sinh THCS. Tại Vương quốc Anh, sử dụng thuốc lá điện tử ở trẻ em gái 15 tuổi đã tăng từ 10% vào năm 2018 lên 21% vào năm 2021, trong khi ở New Zealand 27% thanh niên sử dụng thuốc lá điện tử.

Ngay ở Việt Nam, đối với thuốc lá thông thường, Luật Phòng, chống tác hại của thuốc lá cũng đã có quy định cấm bán thuốc lá cho người dưới 18 tuổi, nhưng thực tế việc trẻ em, thanh thiếu niên tiếp cận với thuốc lá vẫn vô cùng dễ dàng. Do đó, chúng tôi luôn nhấn mạnh, nếu các sản phẩm thuốc lá mới chỉ cấm với trẻ em dưới 18 tuổi thì có thể nhìn thấy trước đó là sẽ là một sự thất bại trong việc ngăn ngừa trẻ em sử dụng thuốc lá mới ở Việt Nam.

PV: Hiện nay, Bộ Y tế đang nghiên cứu đề xuất Chính phủ trình Quốc hội ban hành Nghị quyết cấm sản xuất, kinh doanh, nhập khẩu, quảng cáo thuốc lá điện tử, thuốc lá nung nóng và các sản phẩm thuốc mới khác có thể sẽ xuất hiện trong tương lai. Về lâu dài, Bộ Y tế sẽ sửa đổi, bổ sung Luật Phòng, chống tác hại của thuốc lá để bổ sung quy định này vào Luật nhằm bảo đảm tính ổn định trong triển khai thực hiện. Liên quan đến các giải pháp này, quan điểm của Tổ chức HealthBridge Canada tại Việt Nam như thế nào, xin bà cho biết?

ThS.Nguyễn Hạnh Nguyên:

Tại Việt Nam, tỷ lệ sử dụng thuốc lá điện tử và thuốc lá nung nóng đang gia tăng nhanh chóng trong những năm gần đây, đặc biệt trong giới trẻ. Các báo cáo điều tra của Bộ Y tế cho thấy, tỷ lệ sử dụng thuốc lá điện tử ở người trưởng thành tăng từ 0,2% năm 2015 lên 3,6% năm 2020, trong khi đó, tỷ lệ sử dụng thuốc lá điện tử trong học sinh ở nhóm tuổi 13-17 tăng gần gấp 3 lần từ 2,6% năm 2019 lên 8,1% năm 2023. Trong năm 2023, Bộ Y tế cũng đã ghi nhận 1.224 ca nhập viện do sử dụng thuốc lá điện tử, thuốc lá nung nóng. Điều này cho thấy việc sử dụng thuốc lá điện tử, thuốc lá nung nóng đã và đang tiềm ẩn nhiều nguy cơ đến tính mạng và sức khỏe của người dân, đặc biệt là thanh thiếu niên.

Trong khi đó, đang có khoảng trống pháp lý đối với các loại sản phẩm này và các sản phẩm thuốc lá mới khác. Luật Phòng, chống tác hại của thuốc lá 2012 chưa có khái niệm rõ về các loại sản phẩm này. Luật Đầu tư cũng chưa quy định thuốc lá điện tử, thuốc lá nung nóng hoặc thuốc lá mới khác thuộc danh mục cấm đầu tư kinh doanh hay danh mục đầu tư kinh doanh có điều kiện. Do đó, các cơ quan chức năng gặp nhiều khó khăn trong việc xử lý hoạt động quảng cáo, kinh doanh các sản phẩm này.

Chính vì vậy, chúng tôi hoàn toàn ủng hộ đề xuất của Bộ Y tế trong việc kiến nghị Chính Phủ và Quốc hội kịp thời ban hành quy định cấm sản xuất, nhập khẩu, mua bán, tàng trừ, quảng cáo các sản phẩm này trước khi việc sử dụng các sản phẩm thuốc lá điện tử, thuốc lá nung nóng trở nên phổ biến và để lại nhiều hậu quả lớn hơn.

Đối với việc sửa đổi Luật Phòng, chống tác hại của thuốc lá cần rất nhiều thời gian, từ 3-5 năm, trong khi các sản phẩm thuốc lá mới này có khả năng gây nghiện nhanh, đặc biệt đối tượng trẻ em, thanh thiếu niên, nên việc xây dựng Nghị quyết cấm sản xuất, kinh doanh, nhập khẩu, quảng cáo thuốc lá điện tử, thuốc lá nung nóng và các sản phẩm thuốc lá mới là giải pháp rất cần thiết để Việt Nam có hành lang pháp lý kịp thời ngăn chặn nạn dịch thuốc lá mới trong bối cảnh hiện nay.

PV: Trân trọng cảm ơn bà!

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Cần hành lang pháp lý kịp thời ngăn chặn thuốc lá kiểu mới
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO