Môi trường

Cần Giờ: Phát triển rừng ngập mặn gắn với giảm nghèo bền vững

Nguyễn Thanh 02/07/2024 - 16:39

Cần Giờ sẽ tiếp tục trồng, chăm sóc, phát triển rừng ngập mặn, hướng tới mục tiêu tạo ra tín chỉ carbon và gắn liền với nhiệm vụ giảm nghèo bền vững, nâng cao mức sống cho người dân.

rung-can-gio.jpg
Cần Giờ hướng tới tạo tín chỉ carbon từ rừng ngập mặn

Hướng tới tạo tín chỉ carbon từ rừng ngập mặn

Huyện Cần Giờ có bờ biển kéo dài 23km, diện tích tự nhiên hơn 71.300ha với diện tích rừng ngập mặn và sông rạch lớn, chiếm 70% tổng diện tích tự nhiên của huyện. Trong đó, diện tích rừng ngập mặn chiếm 35.000 ha, được ví như “lá phổi xanh” của TP.HCM.

Ông Huỳnh Đức Hoàn, Trưởng Ban quản lý rừng phòng hộ Cần Giờ cho biết: Những năm qua, công tác quản lý, bảo vệ và phát triển hệ sinh thái rừng ngập mặn Cần Giờ nhận được sư quan tâm lãnh đạo, chỉ đạo của các cấp ủy đảng và chính quyền các cấp, sự nỗ lực của cả hệ thống chính trị và tầng lớp nhân dân trên địa bàn huyện Cần Giờ. Vì vậy, diện tích rừng, hệ sinh thái và cảnh quan tự nhiên rừng ngập mặn Cần Giờ được giữ vững, góp phần rất lớn vào quá trình phát triển kinh tế - xã hội, quốc phòng an ninh và bảo vệ môi trường trên địa bàn huyện nói riêng và cả TP.HCM nói chung.

Đặc biệt, mới đây, UBND huyện Cần Giờ đã ban hành Kế hoạch phối hợp xây dựng Chương trình hành động Vì một Cần Giờ Xanh nhằm sớm hoàn thiện Dự thảo Chương trình trình Thành ủy TP.HCM cho ý kiến.

Theo Kế hoạch, Cần Giờ sẽ nghiên cứu trồng rừng gắn với tạo tín chỉ carbon. Theo đó, UBND huyện Cần Giờ giao Ban Quản lý Rừng phòng hộ Cần Giờ, Phòng Kinh tế rà soát, đề xuất và triển khai các nội dung trồng rừng theo các chương trình, kế hoạch hiện hành.

bao-ve-rung-ngap-man-can-gio.jpg
Tuần tra, bảo vệ rừng ngập mặn Cần Giờ

Cụ thể, giai đoạn 2024 – 2025, Cần Giờ dự kiến trồng rừng mới 180 ha; khoanh nuôi xúc tiến tái sinh tự nhiên: 200 ha; chăm sóc rừng trồng giai đoạn 2016 - 2020: 150 ha. Giai đoạn 2026 -2030: Trồng rừng: 280 ha; khoanh nuôi xúc tiến tái sinh tự nhiên: 200 ha; chăm sóc rừng trồng giai đoạn 2024 - 2025: 150 ha.

Đặc biệt, UBND huyện Cần Giờ Ban Quản lý Rừng phòng hộ, Phòng Kinh tế nghiên cứu, đề xuất xây dựng bộ dữ liệu về trữ lượng và hệ số chuyển đổi carbon của các loài cây rừng ngập mặn tại Khu Dự trữ sinh quyển thế giới Rừng ngập mặn Cần Giờ. Nhiệm vụ này nhằm góp phần triển khai nội dung xác định khả năng hấp thụ khí nhà kính trên địa bàn TP.HCM cho mục tiêu giảm phát thải khí nhà kính, xây dựng tín chỉ carbon theo Nghị quyết số 98 của Quốc hội về thí điểm một số cơ chế, chính sách đặc thù phát triển TP.HCM (thực hiện trong giai đoạn 2024 - 2026).

Ngoài ra, Kế hoạch còn đề xuất các giải pháp, biện pháp lâm sinh tỉa chăm sóc rừng Đước để nâng cao chất lượng rừng và tạo giá trị thẩm mỹ cho cảnh quan rừng, nâng cao chất lượng của hệ sinh thái đất ngập nước. Rà soát hiện trạng sử dụng các giải pháp xanh trong sản xuất, các hộ, cơ sở sản xuất kinh doanh, các trụ sở sử dụng điện năng lượng mặt trời áp mái, khu vực rừng phòng hộ, rừng ngập mặn, tham mưu UBND huyện quy đổi ra tín chỉ carbon.

du-lich-thieng-lieng.jpg
Điểm du lịch cộng đồng Thiềng Liềng giúp nâng cao thu nhập cuộc sống người dân địa phương

Nâng cao thu nhập người dân

Ông Huỳnh Đức Hoàn, Trưởng Ban quản lý rừng phòng hộ Cần Giờ cũng cho biết: Hiện nay, Ban Quản lý đang giao khoán bảo vệ rừng cho 158 hộ gia đình có hộ khẩu thường trú tại địa phương. Thời gian qua, nhiều cơ chế, chính sách về bảo vệ phát triển rừng gắn với công tác giảm nghèo bền vững đã được huyện Cần Giờ triển khai, giúp người dân nhận khoán bảo vệ rừng cải thiện đời sống, nâng cao thu nhập, hoàn thành nhiệm vụ được giao.

Theo đó, với mức bình quân mỗi hộ được khoán bảo vệ 76,40 ha (hộ cao nhất 264 ha, thấp nhất 40 ha) thì thu nhập bình quân của 01 hộ/năm là hơn 88 triệu đồng. Bên cạnh định mức tiền công khoán bảo vệ rừng, các hộ nhận giao khoán rừng còn được đảm bảo chế độ bảo hiểm y tế, bảo hiểm xã hội cho lao động giữ rừng.

Ông Lê Trương Hiền Hòa, Phó Giám đốc Sở Du lịch TP.HCM cho biết: Trong các khu rừng ngập mặn tại Việt Nam, Cần Giờ là khu vực có một quần thể thực vật đa dạng sinh học bậc nhất với hệ sinh thái tự nhiên phong phú và vẫn còn giữ được vẻ hoang sơ. Vì vậy, Cần Giờ chính là địa điểm lý tưởng phục vụ du lịch sinh thái, nghỉ dưỡng lý tưởng.

Vì vậy, thời gian qua, Cần Giờ đã đẩy mạnh phát triển du lịch sinh thái, đặc biệt là phát triển du lịch cộng đồng gắn với du lịch xanh, hướng đến mục tiêu tạo ra sinh kế bền vững và nâng cao nhận thức của cộng đồng dân cư trong việc gìn giữ, bảo tồn và phát huy các giá trị đặc sắc của hệ sinh thái tự nhiên.

Cuối năm 2022, UBND huyện Cần Giờ phối hợp với Sở Du lịch xây dựng và triển khai Đề án phát triển mô hình du lịch cộng đồng tại ấp Thiềng Liềng (xã đảo Thạnh An). Đề án nhằm mục tiêu hình thành chuỗi cung ứng dịch vụ du lịch gắn với hộ gia đình trong việc phục vụ nhu cầu vui chơi giải trí, tham quan, trải nghiêm và mua sắm của khách du lịch, góp phần nâng cao thu nhập cho người dân địa phương. Đây là mô hình du lịch cộng đồng đầu tiên của TP.HCM.

Qua hơn 1 năm đi vào hoạt động, điểm du lịch cộng đồng Thiềng Liềng đã nhận được sự quan tâm rất lớn từ phía du khách, đem lại nguồn thu nhập ổn định cho người dân địa phương.

Theo Nghị quyết 12 của Ban Thường vụ Thành ủy TP.HCM, mục tiêu đến năm 2030, huyện Cần Giờ sẽ trở thành thành phố nghỉ dưỡng và du lịch sinh thái chất lượng cao, có khả năng cạnh tranh ở tầm khu vực. Trong đó, thu nhập bình quân đầu người đạt 182 triệu đồng/người/năm; giảm hộ nghèo theo tiêu chuẩn của thành phố còn dưới 3%.

Theo đánh giá, năm 2023 ước số hộ nghèo có thu nhập bình quân từ 36 triệu đồng/người/năm trở xuống trên địa bàn huyện giảm còn 11,56% trên tổng số dân ở huyện; số hộ cận nghèo có thu nhập trên 36 đến 46 triệu đồng/người/năm còn gần 14% trên tổng số dân.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Cần Giờ: Phát triển rừng ngập mặn gắn với giảm nghèo bền vững
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO