Xã hội

Cần giải pháp mạnh để ngăn thuốc lá mới gây nghiện nicotine trong giới trẻ

Lan Chi 02/08/2024 - 15:19

(TN&MT) - Các sản phẩm thuốc lá điện tử, thuốc lá nung nóng là sản phẩm gây nghiện vì làm người sử dụng lệ thuốc chất gây nghiện là nicotine. Đáng lo ngại, các mẫu mã đa dạng của những sản phẩm này rất hấp dẫn với thanh thiếu niên, tạo ra thế hệ trẻ nghiện nicotine và các chất gây nghiện khác. Do vậy theo nhiều chuyên gia, đại biểu quốc hội, Chính phủ phải có giải pháp căn cơ, mạnh mẽ để cấm buôn bán, sử dụng các loại thuốc lá này.

Sử dụng thuốc lá mới gây gánh nặng lớn về sức khỏe và kinh tế

Theo số liệu của Cục Quản lý khám chữa bệnh, Bộ Y tế, tỷ lệ sử dụng thuốc lá điện tử trong học sinh 13-15 tuổi đã tăng nhanh chóng từ 3,5% năm 2022 lên 8% năm 2023. Xu hướng này cũng xuất hiện ở người trưởng thành, tỷ lệ sử dụng thuốc lá điện tử ở nhóm này cũng tăng nhanh từ 0,2% năm 2015 lên 3,6% năm 2020.

Ở người trên 15 tuổi, tỷ lệ sử dụng thuốc lá điện tử cao ở nhóm tuổi trẻ (15 - 24 tuổi), với tỉ lệ là 7,3%, nhóm tuổi 25 - 44 tuổi là 3,2% và nhóm tuổi 45 - 64 tuổi là 1,4%.

800x600_11-1700726219.jpg
Cần đẩy mạnh tuyên truyền, giáo dục thanh thiếu niên về tác hại của thuốc lá mới

Bên cạnh đó, theo báo cáo kết quả khảo sát hành vi sức khỏe học sinh toàn cầu Việt Nam của Tổ chức Y tế thế giới (WHO) và báo cáo nghiên cứu thực trạng sử dụng thuốc lá điện tử, thuốc lá nung nóng trong học sinh tại 11 tỉnh, thành phố ở Việt Nam năm 2023 do Đại học Y tế cộng đồng tiến hành cho thấy, tỷ lệ sử dụng thuốc lá điện tử, thuốc lá nung nóng ở học sinh lứa tuổi từ 13 - 17 tuổi gia tăng nhanh trong những năm gần đây.

Tỷ lệ sử dụng thuốc lá điện tử trong học sinh nhóm 15 - 17 tuổi tăng từ 2,6% năm 2019 lên 8,3% năm 2023; tỷ lệ học sinh ở nhóm tuổi 13 - 17 tuổi đang sử dụng thuốc lá nung nóng là 1,1%.

Theo WHO và Trung tâm kiểm soát và phòng ngừa dịch bệnh Hoa Kỳ cũng như cảnh báo của Bộ Y tế Việt Nam, sản phẩm thuốc lá thế hệ mới gây nghiện do có chứa nicotine; làm gia tăng các bệnh ung thư, tim mạch, hô hấp và ảnh hưởng sức khỏe tâm thần. Thuốc lá điện tử, thuốc lá nung nóng còn có nguy cơ gây ra nhiều ảnh hưởng cấp tính như tổn thương phổi cấp, ngộ độc, thương tích do nổ pin, tăng nguy cơ sử dụng thuốc lá điếu thông thường, tăng nguy cơ sử dụng ma túy và các chất gây nghiện khác...

Gánh nặng về sức khỏe do sử dụng thuốc lá còn thể hiện qua các số liệu: 25 căn bệnh liên quan đến sử dụng thuốc lá như: đột quỵ, mạch vành, bệnh phổi tắc nghẽn mạn tính, ung thư phổi là những nguyên nhân gây tử vong hàng đầu ở Việt Nam; tỷ lệ bệnh nhân ung thư phổi có hút thuốc lá: 96,8% (theo nghiên cứu của Bệnh viện K).

Ngoài ra, khoảng 40.000 người tử vong/năm vì các bệnh có liên quan đến thuốc lá. WHO dự báo đến năm 2030, sẽ tăng hơn 70.000 người tử vong/năm nếu các biện pháp phòng, chống tác hại thuốc lá hiệu quả không được thực hiện. Đồng thời, số ca tử vong do các bệnh không lây nhiễm chiếm 73% tổng số ca tử vong do bệnh tật và thương tích ở Việt Nam, một trong những nguyên nhân quan trọng là do tỷ lệ sử dụng thuốc lá cao.

Đối với gánh nặng về kinh tế do sử dụng thuốc lá, tại Việt Nam, theo ước tính sơ bộ của Hội Khoa học kinh tế y tế Việt Nam năm 2022, tổng chi phí liên quan đến khám chữa bệnh, ốm đau và tử vong sớm do các bệnh liên quan đến sử dụng thuốc lá là 108.000 tỷ đồng một năm.

Đẩy mạnh giáo dục thanh thiếu niên về tác hại của thuốc lá mới

Trước những tác hại và gánh nặng của thuốc lá điện tử, thuốc lá nung nóng đối với thanh thiếu niên như trên, đại biểu Âu Thị Mai - Đoàn ĐBQH tỉnh Tuyên Quang đề nghị Chính phủ cũng như các Bộ, ngành liên quan phải sớm có các giải pháp quản lý việc phòng, chống tác hại của các loại thuốc lá điện tử, thuốc lá nung nóng và các sản phẩm thuốc lá khác để kịp thời bảo vệ sức khỏe cho thanh thiếu niên.

Đóng góp ý kiến vào việc giảm tỷ lệ thanh thiếu niên sử dụng thuốc lá điện tử, thuốc lá nung nóng, đại biểu Nguyễn Thị Mai Thoa - Đoàn ĐBQH tỉnh Hải Dương đề nghị Chính phủ phải thể hiện rõ những quan điểm và hướng giải quyết, sớm đề xuất những giải pháp quản lý để kịp thời bảo vệ thanh thiếu niên.

260720240150-hs-hut-thuoc-la.jpg
Đại biểu Nguyễn Thị Mai Thoa - Đoàn ĐBQH tỉnh Hải Dương đề nghị Chính phủ phải đề xuất những pháp quản lý để kịp thời bảo vệ thanh thiếu niên

Đề xuất một giải pháp khác trong công tác phòng chống tác hại của thuốc lá thế hệ mới, đại biểu Lê Hữu Trí - Đoàn ĐBQH tỉnh Khánh Hoà cho rằng, việc sử dụng thuốc lá, đặc biệt là thuốc lá điện tử trong thanh thiếu niên hiện nay khá phổ biến; nếu chúng ta cứ để tình trạng này kéo dài sẽ ảnh rất lớn đến thể lực của dân tộc, sự phát triển lâu dài của quốc gia.

Theo đại biểu Lê Hữu Trí, đã đến lúc các cơ quan cần xem xét lại công tác tuyên truyền, giáo dục thanh thiếu niên về tác hại của thuốc lá điện tử, thuốc lá nung nóng. Theo đó, công tác giáo dục phải từ cấp Tiểu học và việc giảng dạy phải từ việc ý thức cho học sinh trong cách ăn uống, nhận biết được các nguy cơ, tác hại của việc sử dụng thuốc lá.

Trước những băn khoăn, lo lắng về thực trạng sử dụng thuốc lá điện tử, thuốc lá nung nóng đang gia tăng nhanh chóng trong thanh thiếu niên như hiện nay, các ĐBQH cho rằng, Chính phủ cần có sự đánh giá về tác hại của việc sử dụng các loại thuốc lá này cũng như đưa ra giải pháp quyết liệt, mạnh mẽ hơn để bảo vệ sức khỏe, trí tuệ và sự phát triển của cả thế hệ trẻ ở hiện tại và trong tương lai.

Ở góc độ chuyên gia, nhà quản lý, TS.BS Nguyễn Trọng Khoa - Phó Cục trưởng Phụ trách quản lý, điều hành Cục Quản lý khám chữa bệnh, Bộ Y tế cho rằng việc cấm sử dụng thuốc lá mới sẽ góp phần hạn chế sự gia tăng sử dụng các sản phẩm này, là cơ sở để xử phạt nghiêm các trường hợp vi phạm, ngăn ngừa và phát hiện kịp thời việc sử dụng ma túy, đặc biệt là trong giới trẻ.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Cần giải pháp mạnh để ngăn thuốc lá mới gây nghiện nicotine trong giới trẻ
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO