10 năm phát triển ì ạch, nhà sản xuất loay hoay tìm thị trường
Ngày 28/4/2010, Thủ tướng Chính phủ ban hành Quyết định số 567 phê duyệt Chương trình phát triển vật liệu xây không nung đến năm 2020. Trên cơ sở đó, Sở Xây dựng Bình Định tham mưu cho UBND tỉnh ban hành Quyết định số 48 ngày 25/12/2013 quy định về chính sách và lộ trình xóa bỏ gạch, ngói bằng đất sét nung thủ công trên địa bàn tỉnh và Chỉ thị số 02 ngày 17/12/2014 về tăng cường sử dụng vật liệu xây dựng không nung và hạn chế sản xuất, sử dụng gạch đất sét nung trên địa bàn tỉnh.
Theo đó, đến năm 2016 phải chấm dứt hoạt động của các lò gạch thủ công trên địa bàn tỉnh và tất cả các công trình sử dụng vốn ngân sách nhà nước phải sử dụng 100% vật liệu xây không nung, công trình từ 9 tầng trở lên không phân biệt nguồn vốn phải sử dụng tối thiểu 50% vật liệu xây không nung loại nhẹ trong tổng số vật liệu xây.
Dây chuyền sản xuất gạch không nung tại Công ty CP Gạch Tuynen Bình Định |
Bình Định là một trong những tỉnh tích cực hưởng ứng Chương trình phát triển vật liệu xây không nung trong cả nước. Các tổ chức, cá nhân đi tiên phong trong việc đầu tư xây dựng các cơ sở sản xuất gạch không nung là Công ty CP Gạch Tuynen Bình Định, Hợp tác xã sản xuất đá xây dựng Bình Đê, Công ty TNHH Nam Phương, Công ty TNHH khai thác đá và xây dựng Ánh Sinh.
Trong đó Công ty CP Gạch Tuynen Bình Định đã đầu tư hơn 110 tỷ đồng xây dựng Nhà máy Gạch Bê tông nhẹ với 2 dây chuyền sản xuất tạo ra 2 dòng sản phẩm gạch không nung là gạch không nung xi măng cốt liệu và gạch không nung Bê tông nhẹ khí chưng áp (AAC).
Gạch nung thủ công vẫn song song tồn tại đến nay |
Tuy nhiên, bên cạnh đó các cơ sở sản xuất lò gạch nung vẫn song song tồn tại cho đến nay và chưa bị xóa bỏ triệt để, nhất là tại các Cụm công nghiệp trên địa bàn huyện Tây Sơn. Các cơ sở sản xuất gạch nung truyền thống vẫn đang phục vụ một lượng khách hàng lớn có nhu cầu xây dựng nhà ở hộ gia đình cá nhân và các công trình xây dựng với quy mô vừa và nhỏ.
Từ đó nảy sinh các hoạt động khai thác khoáng sản đất sét để đáp ứng cung cầu sản xuất gạch nung tại các lò gạch hộ gia đình và phát sinh gây ô nhiễm môi trường xung quanh. Đây cũng là bài toán khó khăn đối với chính quyền huyện Tây Sơn nói riêng và tỉnh Bình Định nói chung trong việc giải quyết chính sách hỗ trợ việc làm cho người dân địa phương khi phải xóa bỏ lò gạch nung truyền thống.
Lò đốt gạch nung gây ô nhiễm môi trường |
Trên thực tế phải nhìn nhận rằng việc tiêu thụ gạch không nung trên địa bàn tỉnh Bình Định hiện nay chủ yếu tập trung vào các công trình sử dụng vốn ngân sách nhà nước. Ngoài ra, qua quá trình triển khai sử dụng gạch không nung tại các công trình còn nhiều hạn chế nhất định mà phổ biến nhất là hiện tượng tường xây bị răn nứt và thấm với nguyên nhân như do thiết kế, chất lượng vật liệu, kỹ thuật thi công. Chưa kể tâm lý khách hàng ưa chuộng gạch nung truyền thống vì giá thành rẻ, chi phí xây dựng công trình nhà ở thấp.
Nhìn nhận đúng về gạch không nung để tạo đòn bẩy phát triển
Trước tình hình các công trình xây dựng sử dụng gạch không nung trên địa bàn tỉnh Bình Định xảy ra hiện tượng nứt tường, thấm ảnh hưởng đến chất lượng công trình và thẩm mỹ công trình, Sở Xây dựng đã đặt vấn đề phải nghiên cứu các giải pháp khắc phục hiện tượng này. Nội dung nghiên cứu tập trung giải quyết một số vấn đề cơ bản về thiết kế và thi công xây dựng để tìm ra các giải pháp khắc phục hiện tượng trên.
Gạch không nung AAC thân thiện với môi trường |
Tuy nhiên, ông Võ Thành Tín – Chủ tịch Hội Quy hoạch phát triển đô thị và nông thôn Bình Định lại cho rằng, gạch không nung không phải là nguyên nhân gây nứt tường và thấm nước. Gạch không nung Bê tông nhẹ khí chưng áp (AAC) là không gây bụi, trọng lượng nhẹ, thân thiện với môi trường, hoàn toàn không thấm nước, cách âm, cách nhiệt, chống cháy rất tốt, thi công nhanh, hiệu quả kinh tế và đầu tư sản xuất rất nhiều tiền. Hiện tượng nứt tường do nhà đầu tư nhà máy sản xuất gạch không nung và thiết kế thi công công trình chứ không phải bản thân gạch không nung gây ra hiện tượng nứt tường.
Gạch không nung xi măng cốt liệu |
Ông Trần Mạnh Hùng – Giám đốc Công ty CP Gạch Tuynen Bình Định chia sẻ thêm về ưu điểm của gạch không nung: Trước đây trong năm 2013-2014 là có xảy ra hiện tượng nứt tường tại các công trình xây dựng bằng gạch không nung do một số nhà đầu tư sản xuất Nhà máy gạch không nung chưa tìm hiểu kỹ tính năng bảo dưỡng của nó là 28 ngày trước khi đưa ra thị trường tiêu thụ, nếu nhà sản xuất vì lợi nhuận bất chấp chất lượng đưa gạch ra thi công công trình mà không chờ qua thời gian bão dưỡng sẽ bị nứt tường. Ngoài ra thao tác kỹ thuật của người thợ thi công gạch không nung khác so với gạch nung cũng dẫn đến chất lượng công trình kém.
Gạch không nung xi măng cốt liệu thân thiện với môi trường |
Ông Hùng cho biết thêm: Vật liệu gạch không nung ngoài những ưu điểm vượt trội hơn so với gạch nung và giảm chi phí trong xây dựng công trình nhà ở thì yếu tố đảm bảo môi trường, thân thiện với môi trường và tái sử dụng theo quy trình khép kín là điểm nổi bật nhất hiện nay. Gạch không nung không sử dụng nguồn tài nguyên khoáng sản đất sét là tránh được tình trạng khai thác, mua bán đất sét, tiết kiệm đất nông nghiệp, đảm bảo an ninh lương thực quốc gia và không nung đốt phát tán khí thải gây ô nhiễm môi trường xung quanh. Dùng phế thải của các nhà máy khác như đá, xà bần tái chế thành nguyên liệu sản xuất ra gạch không nung.
Dây chuyền cắt gạch không nung AAC |
Gạch không nung xi măng cốt liệu làm từ cát, bột đá, xi măng và nước; gạch không nung Bê tông nhẹ khí chưng áp (AAC) làm từ nguyên liệu cát, xi măng, bột nhôm, tro bay, thạch cao tuyệt đối không dùng đất sét và nung đốt, không gây ô nhiễm môi trường, tốt cho sức khỏe con người và giảm chi phí trong quá trình xây dựng công trình nhà ở. Tuy nhiên, làm thế nào để gạch không nung đến tay người tiêu dùng phổ biến, sử dụng vật liệu xây không nung thay thế gạch đất sét nung trở thành xu hướng tất yếu của ngành sản xuất vật liệu xây dựng cần có một đòn bẩy để gạch không nung phát triển trong thời gian tới tại Bình Định.
Gạch AAC có nhiều tính năng vượt trội so với gạch nung thủ công |
Ông Lê Anh Sơn – Phó Giám đốc Sở Xây dựng Bình Định cho biết: Sở Xây dựng đang thực hiện Đề án phát triển vật liệu xây dựng trên địa bàn tỉnh Bình Định trong đó có vật liệu xây không nung. Sở sẽ phối hợp với các ngành, Hội Xây dựng, Hội Quy hoạch phát triển đô thị và nông thôn Bình Định tăng cường công tác tuyên truyền đến các doanh nghiệp, người dân về vật liệu xây không nung, vật liệu thân thiện với môi trường. Sở Xây dựng sẽ tạo điều kiện, thu hút các nhà đầu tư có sản phẩm vật liệu mới, gạch không nung có chỗ đứng trên thị trường Bình Định.