Trượt lở đất đá, lũ quét ở Nậm Păm, Mường La, Sơn La ngày 2/8/2017 |
Hàng loạt vụ trượt lở đã xảy ra thời gian qua như: Trượt lở ở khu vực thủy điện Rào Trăng 3 (xã Phong Xuân, huyện Phong Điền, tỉnh Thừa Thiên Huế) các ngày 11 và 13/10/2020, trượt lở ở khu vực đóng quân của Đoàn kinh tế quốc phòng 337 (xã Hướng Phùng, huyện Hướng Hóa, tỉnh Quảng Trị) ngày 18/10/2020, trượt lở ở khu vực Đồn biên phòng cửa khẩu quốc tế Cha Lo (xã Dân Hóa, huyện Minh Hóa, tỉnh Quảng Bình) ngày 19/10/2020, và mới đây nhất, trượt lở ở các xã Trà Leng và Trà Vân (huyện Nam Trà My, tỉnh Quảng Nam) ngày 28/10/2020...
Các chuyên gia về địa chất cho rằng nguyên nhân kích hoạt chính là do mưa bão kỷ lục cường độ cao, kéo dài liên tục gần như cả tháng qua ở khu vực Miền Trung. Kết quả làm đất đá bị bão hòa, sũng nước, vừa làm tăng các lực gây trượt, vừa làm giảm các lực kháng trượt, thúc đẩy nhanh quá trình trượt lở. Theo nghiên cứu, chỉ cần mưa với cường độ khoảng 100mm/ngày hoặc nhỏ hơn nhưng kéo dài liên tục hàng chục ngày là đã đủ để khiến cho đất đá bị bão hòa nước. Trong khi đó khu vực miền Trung vừa qua mưa vừa lớn lại vừa kéo dài.
Ngoài nguyên nhân kích hoạt chính kể trên thì khu vực miền núi các tỉnh Trung Bộ còn có nhiều yếu tố bất lợi khác về địa hình (đồi núi cao, phân cắt mạnh và sâu, tạo ra các sườn có độ dốc lớn), địa chất (nhiều loại đất đá cổ, bị dập vỡ nứt nẻ mạnh, tạo lớp vỏ phong hóa dầy, giầu vật chất sét), thảm phủ thực vật bị suy giảm nhiều. Các hoạt động nhân sinh (xây dựng đường xá, thủy điện, cơ sở hạ tầng, các công trình dân sinh khác...), cả quy hoạch lẫn tự phát, trong nhiều trường hợp tạo taluy, làm mất chân sườn dốc, làm mất ổn định sườn dốc..., cũng đóng vai trò ngày càng lớn trong việc gây ra trượt lở hoặc làm trầm trọng thêm các thiệt hại.
Được biết, tai biến trượt lở, lũ bùn đá, lũ quét... đã và đang được Chính phủ quan tâm từ nhiều năm nay. Bộ Tài nguyên và Môi trường đã và đang triển khai một số đề án Chính phủ về trượt lở (do Viện Khoa học Địa chất và Khoáng sản chủ trì) và lũ quét (do Viện Khoa học Khí tượng, Thủy văn và Biến đổi Khí hậu chủ trì). Cụ thể về đề án “Điều tra, đánh giá hiện trạng và phân vùng cảnh báo nguy cơ trượt lở các vùng miền núi Việt Nam”, đề án được phê duyệt từ năm 2012 để triển khai thực hiện ở các khu vực miền núi của 37 tỉnh chủ yếu ở miền Bắc, miền Trung và Tây Nguyên. Đến nay đã thực hiện điều tra, thành lập bản đồ hiện trạng trượt lở ở 25 tỉnh (cho đến Quảng Ngãi), thành lập các bản đồ trung gian và bản đồ phân vùng cảnh báo trượt lở ở 15 tỉnh, tất cả đều ở tỷ lệ 1:50.000.
Trên các bản đồ này khoanh định các diện tích có hiện trạng và nguy cơ trượt lở theo các cấp độ rất cao, cao, trung bình và thấp; các vị trí trượt lở được phân loại theo quy mô rất lớn, lớn, trung bình và nhỏ; bản thân các điểm trượt lở cũng được phân biệt ra các kiểu loại như trượt xoay, trượt nêm, trượt phẳng, trượt hỗn hợp và trượt dạng dòng...
Theo kế hoạch, Đề án còn tiến hành điều tra hiện trạng, phân vùng cảnh báo trượt lở ở tỷ lệ 1:10.000 cho 220 xã trọng điểm của các tỉnh Tây bắc và Bắc Trung bộ có nguy cơ trượt lở cao, đến nay đã thực hiện được 64 xã. Các kết quả điều tra, đánh giá của Đề án đều được chuyển giao cho các địa phương và Ban chỉ đạo trung ương về phòng chống thiên tai.
Đề án trên được triển khai từ năm 2012, đến nay mới thực hiện được khoảng 50% khối lượng công việc dự kiến. Đến năm 2021, theo chỉ đạo của Chính phủ, Đề án dừng hoạt động, tiến hành tổng kết và chuyển giao các kết quả cho các địa phương; xây dựng Đề án mới phù hợp với yêu cầu thực tiễn của các địa phương.
Ông Trịnh Xuân Hòa, Phó Viện trưởng Viện Khoa học Địa chất và Khoáng sản cho rằng cần điều tra cập nhật và điều chỉnh các bản đồ hiện trạng, phân vùng cảnh báo trượt lở hàng năm (sau mỗi mùa mưa bão) và định kỳ sau mỗi 3-5 năm vì hiện trạng trượt lở ở các địa phương sau một thời gian cơ bản sẽ thay đổi. Đồng thời, kiểm tra, rà soát công tác phòng tránh, giảm nhẹ trượt lở ở các địa phương ngay trước mùa mưa bão hàng năm và đưa ra các cảnh báo cập nhật, khẩn cấp cho chính quyền và cộng đồng địa phương.
Hơn nữa, trong quá trình chuyển giao, cần thay đổi, điều chỉnh lại công tác chuyển giao kết quả cho các địa phương, bổ sung thêm thành phần được chuyển giao là các huyện, xã có nguy cơ trượt lở cao. Cần đảm bảo rằng chính quyền các cấp và cộng đồng địa phương hiểu được vai trò, tác dụng của các bộ bản đồ hiện trạng và phân vùng cảnh báo trượt lở và sử dụng được chúng trong các hoạt động phát triển kinh tế - xã hội, phòng tránh, giảm nhẹ thiên tai.
Bên cạnh đó, cần thiết lập cơ chế liên lạc giữa Bộ Tài nguyên và Môi trường (hoặc đơn vị thực hiện Đề án là Viện Khoa học Địa chất và Khoáng sản) với các địa phương để đảm bảo rằng các kết quả của Đề án được chuyển giao và được sử dụng kịp thời, hiệu quả…