Vừa qua, tại Hà Nội, ông Đặng Hoàng An – Thứ trưởng Bộ Công Thương, Phó Trưởng ban Chỉ đạo quốc gia về Phát triển điện lực chủ trì cuộc họp kiểm điểm tiến độ giải phóng mặt bằng và thi công các dự án giải tỏa công suất Nhà máy Nhiệt điện BOT Vân Phong 1.
Tham dự cuộc họp theo hình thức trực tuyến có ông Lê Hữu Hoàng – Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh Khánh Hòa, ông Phan Tấn Cảnh – Phó Chủ tịch UBND tỉnh Ninh Thuận.
Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN) có ông Phạm Hồng Phương – Phó Tổng giám đốc EVN, ông Trương Hữu Thành – Phó Tổng giám đốc Tổng công ty Truyền tải điện Quốc gia (EVNNPT), lãnh đạo Ban QLDA các công trình điện miền Trung (CPMB) dự họp.
Theo báo cáo của EVNNPT, về công trình đường dây 500kV Vân Phong – Vĩnh Tân tính đến ngày 9/6/2022, các địa phương đã bàn giao 304/304 vị trí cột, 254/304 khoảng cột. Dự án này đang gặp khó khăn do vướng mắc trong bồi thường giải phóng mặt bằng hành lang tuyến. Bên cạnh đó, thời tiết tháng 5 vừa qua có mưa nhiều đã ảnh hưởng đến tiến độ thi công. Toàn công trường đã đào móng xong 262/304 vị trí, đúc móng xong 220 vị trí, lắp dựng cột xong 159 vị trí. Các vị trí móng còn lại chủ yếu nằm khu vực đồi núi nên công tác vận chuyển vật tư, vật liệu, mở đường thi công khó khăn.
Một vấn đề khác là đường dây này đi qua khu vực có nhiều nhà máy năng lượng tái tạo (Khánh Hòa, Ninh Thuận) nên công tác cắt điện để kéo dây các khoảng giao chéo sẽ khó khăn, cần có sự phối hợp, hỗ trợ của các đơn vị liên quan.
Đối với TBA 500kV Vân Phong và đấu nối, hiện Ban Quản lý khu kinh tế Vân Phong đã bàn giao toàn bộ 6,6 ha mặt bằng trạm. Phần đường dây đấu nối đã bàn giao 61/62 vị trí, bàn giao 44/62 khoảng cột. Riêng tuyến đường dây 500kV đấu nối Trạm biến áp 500kV Thuận Nam vào đường dây 500kV Vân Phong - Vĩnh Tân đang gấp rút triển khai.
Theo Phó Tổng giám đốc EVN Phạm Hồng Phương, với sự chỉ đạo sát sao của Chính phủ, Bộ Công Thương, Ban Chỉ đạo quốc gia về Phát triển điện lực, EVN và sự vào cuộc quyết liệt của chính quyền các tỉnh Khánh Hoà, Ninh Thuận, nên khối lượng công việc đạt được trong thời gian qua là rất lớn. Dù vậy, tiến độ thi công vẫn chậm hơn so với kế hoạch điều hành. EVN chỉ đạo EVNNPT, CPMB yêu cầu các nhà thầu huy động phương tiện, nhân lực để triển khai đồng loạt "3 mũi giáp công": đào - đúc móng; lắp - dựng cột và sẵn sàng vật tư, thiết bị để rải căng dây.
Ông Nguyễn Đình Thọ - Phó Giám đốc CPMB cho biết: Ban đã yêu cầu nhà thầu thi công tập trung nhân lực, thiết bị thi công, tranh thủ thời tiết thuận lợi, làm thêm ca để đẩy nhanh tiến độ thi công. Đối với các vị trí móng có địa hình phức tạp hoặc qua rừng còn lại chưa thi công móng, đã yêu cầu nhà thầu tính đến giải pháp vận chuyển cột thép, dây dẫn đồng bộ với quá trình vận chuyển vật liệu đúc móng.
Tại cuộc họp, ông Lê Hữu Hoàng – Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh Khánh Hòa và ông Phan Tấn Cảnh – Phó Chủ tịch UBND tỉnh Ninh Thuận khẳng định, cả hệ thống chính trị của các tỉnh đã vào cuộc rất quyết liệt và hiệu quả trong thời gian qua. Đối với những vướng mắc còn lại về mặt bằng, các tỉnh Khánh Hòa và Ninh Thuận cam kết trước ngày 30/6/2022 sẽ hoàn thành bàn giao để chủ đầu tư triển khai kéo dây đồng loạt.
Kết luận tại cuộc họp, Thứ trưởng Bộ Công Thương Đặng Hoàng An đánh giá cao các tỉnh Khánh Hòa và Ninh Thuận đã nghiêm túc thực hiện chỉ đạo của Ban Chỉ đạo quốc gia về Phát triển điện lực trong việc đẩy nhanh tiến độ bàn giao mặt bằng của dự án. Tuy nhiên, thời gian triển khai dự án không còn nhiều, quỹ thời gian dự phòng gần như không có trong khi dự án tiềm ẩn rất nhiều rủi ro như cung cấp vật tư thiết bị, thi công trong điều kiện địa chất khó khăn, thời tiết sắp vào mùa mưa, mặt bằng vẫn chưa được bàn giao hết,...
Thứ trưởng Đặng Hoàng An đề nghị tỉnh Khánh Hòa và Ninh Thuận tiếp tục tuyên truyền vận động nhân dân bàn giao những khoảng néo còn lại của dự án cho chủ đầu tư. Trong trường hợp đã tính đúng, tính đủ mà người dân không đồng thuận thì tổ chức bảo vệ thi công, mục tiêu đến ngày 30/6/2022 phải bàn giao mặt bằng cho chủ đầu tư.
Thứ trưởng Bộ Công Thương Đặng Hoàng An cũng yêu cầu EVN, EVNNPT cần phân công lãnh đạo trực tiếp tại công trường, yêu cầu nhà thầu huy động thêm nhân lực, phương tiện tăng tốc thi công trong giai đoạn thời tiết thuận lợi với quyết tâm hoàn thành dự án trong tháng 12/2022.