Nguồn nước làng nghề ô nhiễm nghiêm trọng
Xã Thanh Thùy (huyện Thanh Oai, Thành phố Hà Nội) hiện có 4 thôn với khoảng 600 hộ làm nghề sản xuất kim khí tập trung ở thôn Rùa Hạ và Rùa Thượng. Lượng nước thải sản xuất và sinh hoạt đều đổ qua hệ thống cống ngầm, thậm chí ra cả kênh, mương và dòng sông Nhuệ.
Rác thải nổi lềnh bềnh trên mặt sông trên địa phận xã Thanh Thùy, huyện Thanh Oai, TP Hà Nội |
Ông Nguyễn Văn Đạo – cán bộ phụ trách TNMT xã Thanh Thùy cho biết: Thanh Thùy là nơi tập trung của nhiều nguồn ô nhiễm, ô nhiễm từ thành phố, nguồn nước sông Nhuệ, ô nhiễm do nước thải sinh hoạt…Đặc biệt, nước thải sản xuất kim loại nặng chứa rất nhiều hóa chất độc hại, rồi các chất tẩy rửa khiến cho nguồn nước ở đây bị ô nhiễm trầm trọng. Nguồn nước đó không chỉ gây ảnh hưởng đến sức khỏe người dân mà còn khiến cho lúa, rau màu đều có nguy cơ nhiễm độc.
Mương nước ngả màu, bốc mùi hôi thối vì rác thải |
Đặc biệt, những ngày hè nắng nóng, mùi hôi bốc lên từ cống nước ngả màu, rác thải nổi lềnh bềnh.
Ông Đoàn Sơn, thôn Rùa Hạ cho biết: Mặc dù biết ô nhiễm nhưng người dân vẫn phải sử dụng nước từ sông Nhuệ để tưới rau hàng ngày. Nguồn nước ô nhiễm còn ngấm vào nguồn nước ngầm phục vụ sinh hoạt của người dân đã ảnh hưởng không nhỏ đến sức khỏe của bà con. Ở thôn Dư Dụ, một ngõ nhỏ đã có tới 3/4 hộ có người chết trong vòng vài năm.
Chưa thể giải quyết dứt điểm ô nhiễm
Để khắc phục tình trạng ô nhiễm tại làng nghề kim khí Thanh Thùy, từ năm 2013 chính quyền xã đã triển khai mô hình 5S. Theo mô hình này thì người sản xuất đã sắp xếp đồ lề gọn gàng hơn, di chuyển nguyên vật liệu nhanh gọn hơn, hạn chế rơi vãi hóa chất và sản phẩm, một số găng tay không hợp vệ sinh được bỏ vào thùng rác phân loại riêng, nước mạ không được xả trực tiếp mà có bể lặng hoặc tái sử dụng phục vụ nhu cầu sản xuất lại…Theo đánh giá của chính quyền địa phương, nhờ thực hiện mô hình 5S người dân đã ý thức hơn trong sản xuất sạch. Tuy nhiên, mô hình mới chỉ dừng lại ở mức độ tuyên truyền.
Theo ông Nguyễn Văn Đạo, bên cạnh mô hình 5S chính quyền đã ra các quy ước, hương ước về bảo vệ môi trường. Đặc biệt, đối với các hộ sản xuất cơ khí độc hại ảnh hưởng đến sinh hoạt của người dân xung quanh thì chính quyền nhắc nhở và đề nghị sản xuất quy củ hơn thông qua việc thu gom đồ phế thải nguy hiểm vào thùng rác đem tiêu hủy.
Mặc dù đã thực hiện nhiều biện pháp như trên nhưng tình trạng ô nhiễm ở làng nghề Thanh Thùy vẫn còn tồn tại. Để có giải pháp lâu dài ông Đạo cho biết: Chính quyền xã Thanh Thùy đã đề xuất việc xây dựng nhà máy xử lý nước thải làng nghề kim khí ở đây từ lâu, nhưng đến năm 2014 mới được UBND thành phố Hà Nội thẩm định và phê duyệt. Theo quyết định, dự án có tổng số vốn đầu tư lên đến 30 tỷ đồng với hệ thống gồm tuyến cống dài hơn 4000m, giếng tách, 2 trạm bơm nước thải, trạm xử lý công suất lên đến 1000m3/ngày đêm.
“Đến nay dự án đã triển khai hơn 1 năm nhưng mới hoàn thành được một số công đoạn ban đầu như: sơ đồ lưới, khoan thăm dò trắc địa, làm trạm bơm áp theo bình độ để bơm áp lên và chưa biết khi nào tiếp tục triển khai” – Ông Nguyễn Văn Đạo nói.
Lý giải nguyên nhân của việc chậm tiến độ dự án xử lý nước thải tại đây, đại diện UBND xã Thanh Thùy cho hay: việc này là do các cơ quan lãnh đạo cấp trên và chủ đầu tư công trình, chính quyền xã không nắm được tình hình.
Thiết nghĩ, các cơ quan có thẩm quyền và trách nhiệm cần sớm xúc tiến thi công công trình Nhà máy xử lý nước thải để người dân không còn phải sống trong cảnh ô nhiễm.
Tuyết Chinh