Cần đầu tư vào hệ thống cảnh báo sớm và cơ sở hạ tầng kiên cố

Đan Ngân| 07/11/2019 01:25

(TN&MT) - Dự báo một nửa dân số trên thế giới sống ở các khu vực ven biển dễ bị sóng thần tấn công vào năm 2030. Do đó, việc đầu tư vào hệ thống cảnh báo sớm và cơ sở hạ tầng kiên cố sẽ rất quan trọng để bảo vệ mạng sống và phát triển nền kinh tế.

Cư dân đang tìm kiếm tài sản của họ trong đống đổ nát và thành viên trong gia đình của họ bị mất tích khi sóng thần xảy ra ở Indonesia vào ngày 24/12/2018. Ảnh: UNICEF / Arimacs Wilander

Nguy hiểm không nhất thiết là thảm họa

Mami Mizutori – Đại diện của Cơ quan chiến lược quốc tế về giảm nhẹ thiên tai của LHQ (UNDRR) đã  đưa ra tỷ lệ chi phí lợi ích của việc xây dựng các thành phố chịu được các ảnh hưởng liên quan đến rủi ro khí hậu ngày càng thường xuyên. Năm 2015, Đại hội đồng LHQ đã chọn ngày 5/11 là “Ngày thế giới nhận thức về sóng thần”.

Trả lời phỏng vấn UN News, bà Mizutori cho hay: “Với mỗi USD đầu tư vào phòng ngừa, hầu hết các quốc gia sẽ thu được lợi ích kinh tế cao gấp bốn lần. Do đó, nếu chúng ta biết cách làm cho xã hội trở nên vững chắc hơn, mối nguy hiểm không nhất thiết sẽ trở thành thảm họa”.

Theo số liệu của LHQ, trong thế kỷ trước, sóng thần đã cướp đi hơn 1/4 triệu sinh mạng, làm chết trung bình khoảng 4.600 người sau mỗi lần xảy ra sóng thần trong suốt 58 thảm họa sóng thần được ghi nhận.

“Gần 15 năm kể từ khi sóng thần Ấn Độ Dương xảy ra vào tháng 12/2004, làm gần 230.000 người thiệt mạng ở 14 quốc gia. Hiện nay công nghệ của các hệ thống cảnh báo ở các đại dương trên khắp thế giới đã được cải thiện và đã cứu được nhiều sinh mạng”, Tổng thư ký LHQ, António Guterres viết trong thông điệp của ông nhân Ngày thế giới nhận thức về sóng thần.

“Tuy nhiên, những rủi ro vẫn còn rất lớn và thiệt hại về kinh tế vẫn đang gia tăng trong 20 năm qua, chúng ta vẫn chưa hiểu hết tầm quan trọng của cơ sở hạ tầng để chống lại thiên tai. Mực nước biển dâng do biến đổi khí hậu (BĐKH) có thể khiến mức độ tàn phá của sóng thần trầm trọng thêm, gây nguy hiểm cho 680 triệu người sống ở các vùng ven biển thấp”, ông Guterres nhấn mạnh.

Xây dựng để trường tồn

Báo cáo của Ủy ban Liên chính phủ về Biến đổi Khí hậu (IPCC) hồi tháng 9/2019 đã nhấn mạnh sự nóng lên toàn cầu, thay đổi nguồn nước trên thế giới và quy mô chung của tình trạng khẩn cấp khí hậu cho thấy ảnh hưởng của nước biển dâng dự báo sẽ xảy ra mỗi năm một lần vào năm 2050.

Theo bà Mizutori, với nhiều người sống ở vùng ven biển, việc dự báo thảm họa trước khi nó xảy ra sẽ ngày càng quan trọng. Khi nói đến sự tàn phá của sóng thần, các trạm quan trắc địa chấn, mực nước biển và xây dựng cơ sở hạ tầng kiên cố sẽ là chìa khóa để chống lại những ảnh hưởng của BĐKH.

Ngày thế giới nhận thức về sóng thần là sáng kiến ​​của Nhật Bản. Trong bối cảnh những thiệt hại lặp đi lặp lại và thảm họa sóng thần gây ra tại nước này trong nhiều năm, Nhật Bản đã xây dựng chuyên môn trong cảnh báo sớm và xây dựng các thành phố kiên cố.

Trong trận động đất Ansei tại Nhật Bản hồi năm 1854, một nông dân đã nhận thấy một đợt thủy triều - dấu hiệu khi sắp xảy ra sóng thần. Để cảnh báo dân làng, người đàn ông này đã đốt toàn bộ lúa của mình và người dân chạy trốn đến nơi an toàn trên vùng đất cao. Trận động đất là điềm dự báo của trận sóng thần lớn sắp xảy ra và hành động của người nông dân đã giúp bảo toàn tính mạng cho hàng trăm người.

Vào ngày thế giới nhận thức về sóng thần, thế giới vinh danh câu chuyện của Nhật Bản về “đốt lương thực” với mong muốn thúc đẩy sự chia sẻ về các cách tiếp cận sáng tạo để giảm thiểu rủi ro sóng thần.

UNDRR đưa ra 7 mục tiêu rõ ràng trong khuôn khổ 15 năm để giảm thiểu rủi ro thiên tai và tổn thất trong cuộc sống, với tên gọi “Chương trình khung Sendai”, được thông qua tại Sendai, Nhật Bản vào năm 2015.

Năm 2019, Ngày quốc tế giảm nhẹ thiên tai thúc đẩy mục tiêu “chương trình khung Sendai” để giảm thiệt hại do thiên tai đối với cơ sở hạ tầng và phá vỡ các dịch vụ cơ bản, bao gồm cả bệnh viện và trường học.

“Khoảng 90% tài trợ dành cho tái thiết và ứng phó với thiệt hại và chỉ có 10% để phòng ngừa. Chúng ta phải tìm cách thay đổi điều này, nên đảo ngược lại 2 con số này”, bà Mizutori cho biết.

Đến năm 2040, 90 nghìn tỷ USD sẽ được đầu tư để bảo vệ và xây dựng cơ sở hạ tầng toàn cầu để giúp đảm bảo các thành phố trong tương lai không bị ảnh hưởng bởi sóng thần. “Hãy xây dựng ở nơi đáng được xây dựng. Khi bạn xây dựng, xây dựng để tồn tại, với biện pháp cho khả năng phục hồi. Ngoài ra, việc đảm bảo mọi người được tiếp cận với giáo dục cảnh báo sớm sẽ cứu được mạng sống bởi vì các mối nguy hiểm chắc chắn sẽ tiếp tục tấn công”, bà Mizutori nhấn mạnh.

Các cuộc diễn tập ứng phó với sóng thần của Chương trình phát triển LHQ (UNDEP) ở khu vực châu Á - Thái Bình Dương là một ví dụ điển hình của truyền thông về phòng ngừa rủi ro thiên tai.

Sáng kiến này có sự tham gia của 61.000 học sinh và 115 trường học gần “Vành đai Lửa Thái Bình Dương” – nơi dễ xảy ra động đất với hơn 70% tất cả các cơn sóng thần từng được ghi nhận.

Phát biểu tại sự kiện kỷ niệm Ngày thế giới nhận thức về sóng thần tại Trụ sở LHQ tại New York, Chủ tịch Đại hội đồng LHQ, Tijjani Muhammad-Bande chia sẻ: “Trong hai thập kỷ qua, hơn 1/4 triệu người đã thiệt mạng do sóng thần gây ra. Hôm nay, chúng ta kỷ niệm “Ngày thế giới nhận thức về sóng thần” để tưởng nhớ những linh hồn đã khuất này”.

“Để đảm bảo rằng sự hi sinh của họ không phải là vô ích, sự kiện ngày hôm nay đóng vai trò như một lời kêu gọi hành động. Tôi kêu gọi tất cả các quốc gia thành viên áp dụng và thực hiện các chiến lược giảm thiểu rủi ro thiên tai để bảo vệ thế hệ tương lai. Tôi tin rằng nếu cùng nhau thực hiện, chúng ta sẽ thành công trong việc giải cứu tất cả mọi người”, ông Bande nhấn mạnh.

Theo Tổng hợp từ UN News
Copy Link
(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Cần đầu tư vào hệ thống cảnh báo sớm và cơ sở hạ tầng kiên cố
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO