Cần đặt vấn đề quản trị đại dương với những điều ước quốc tế hoàn chỉnh

17/11/2015 00:00

(TN&MT) - Sáng 17/11, tại Đà Nẵng, trong khuôn khổ Đại Hội Biển Đông Á lần thứ 5, Tổ chức Đối tác các biển Đông Á (PEMSEA) và Bộ TN&MT đã tổ chức phiên toàn thể Hội thảo, Hội nghị quốc tế để bàn về vấn đề yêu cầu quản trị đại dương và vùng bờ biển; vấn đề quản trị đại dương và vùng bờ biển trên thế giới; cơ chế điều phối, phối hợp trong quản trị đại dương và vùng bờ biển ở quy mô quốc gia và khu vực ở khu vực các biển Đông Á.

Thứ trưởng Bộ TN&MT Chu Phạm Ngọc Hiển chủ trì và là diễn giả chính; các chuyên gia, nhà khoa học biển, các quan chức cấp cao trong nước và các nước trong khu vực biển Đông Á cùng dự.

Thứ trưởng Bộ TN&MT Chu Phạm Ngọc Hiển phát biểu tại Hội thảo
Thứ trưởng Bộ TN&MT Chu Phạm Ngọc Hiển phát biểu tại Hội thảo

Thứ trưởng Bộ TN&MT Chu Phạm Ngọc Hiển cho biết:  Báo cáo của Tổng thư ký Liên hợp quốc viết rằng: "Đại dương và các biển đang bị đe dọa bởi biến đổi khí hậu, các thảm họa tự nhiên, suy thoái môi trường, cạn kiệt nguồn lợi thủy sản, mất đa dạng sinh học và quản lý thiếu hiệu quả tàu thuyền theo cờ quốc gia".

Trong bối cảnh này, khái niệm quản trị đại dương và chính sách quốc gia về quản lý tổng hợp đại dương ra đời. Theo định nghĩa, quản trị được xem là phương cách để quản lý xã hội theo các mục tiêu được xếp thứ tự ưu tiên và một hệ thống hợp tác. Quản trị có thể được thực hiện ở cấp quốc tế, khu vực và quốc gia. Quản trị sẽ tạo một khung chung để quản lý. Đối với đại dương và vùng bờ biển, quản trị được xây dựng trên cơ sở Hiến pháp, pháp luật và các thỏa thuận, điều ước quốc tế về khai thác, sử dụng tài nguyên, bảo vệ môi trường và các hệ sinh thái để phát triển kinh tế, xã hội.

Các diễn giả tại Hội thảo
Các diễn giả tại Hội thảo

Một trong những nguyên nhân quan trọng của tình trạng ô nhiễm môi trường, suy thoái tài nguyên của đại dương thế giới là do phương thức quản lý. Cách quản lý truyền thống theo ngành và lãnh thổ đã tạo nên những xung đột về quyền lợi, dẫn tới buông lỏng quản lý và  là nguyên nhân suy thoái tài nguyên và môi trường. Thông thường, các ngành kinh tế biển khai thác, sử dụng tài nguyên biển để phục vụ phát triển ngành luôn tối ưu hóa lợi ích của ngành mình mà không quan tâm đầy đủ tới lợi ích các ngành khác; chỉ chú trọng khai thác, sử dụng tài nguyên mà ít quan tâm tới bảo vệ môi trường và các hệ sinh thái, sinh cảnh. Các địa phương cũng chỉ quản lý theo lãnh thổ được phân cấp quản lý và do vậy không thể giải quyết các vấn đề có tính xuyên địa phương.

Ngoài ra, còn có lý do là những quy hoạch khai thác, sử dụng tài nguyên, bảo vệ môi trường và các hệ sinh thái biển còn thiếu tầm nhìn dài hạn và chưa xem xét, đánh giá tất cả các chức năng của từng khu vực biển, vùng ven biển và hải đảo để lựa chọn được phương án có lợi nhất.

Ô nhiễm môi trường biển có thể lan truyền nhanh và có quy mô tác động rất lớn, thậm chí qua nhiều quốc gia. Nhiều loại sinh vật biển có thể di chuyển trên một khoảng cách rất rộng, trên toàn bộ đại dương. Do vậy, để bảo vệ các hệ sinh thái và đa dạng sinh học biển, cần phải tiếp cận và giải quyết các vấn đề trên toàn bộ hệ sinh thái.

Quang cảnh Hội thảo
Quang cảnh Hội thảo

Để giải quyết tất cả các vấn đề nêu trên, đòi hỏi phải có một cơ chế điều phối các hoạt động của các ngành và phối hợp hoạt động của các địa phương, thậm chí nhiều nước. Ngoài ra, cần những quy hoạch khai thác, sử dụng tài nguyên, bảo vệ môi trường và các hệ sinh thái biển có tầm nhìn dài hạn và được xây dựng trên cơ sở phân tích kỹ các chức năng khai thác, sử dụng của khu vực biển và vùng bờ biển để đảm bảo khai thác, sử dụng hợp lý tài nguyên, bảo vệ môi trường và các hệ sinh thái biển phục vụ phát triển bền vững kinh tế - xã hội.

Theo Chương 17 của Chương trình nghị sự 21, cần phải có một cách tiếp cận mới về phát triển và quản lý môi trường biển và vùng bờ biển ở cấp quốc tế, khu vực và quốc gia. Vì rằng tài nguyên đại dương và vùng bờ biển có tính chất chia sẻ, các hoạt động khai thác, sử dụng tài nguyên có thể gây ô nhiễm môi trường nên phương pháp tiếp cận về phát triển và quản lý môi trường biển và vùng bờ biển cần phải là tiếp cận tổng hợp.

Do vậy, yêu cầu của công tác quản lý đại dương và vùng bờ biển là cần phải xây dựng và triển khai thực hiện một hệ thống pháp luật theo hướng tiếp cận tổng hợp. Tuy nhiên, hầu hết các quốc gia còn thiếu hoặc chưa có hệ thống pháp luật hoàn chỉnh về quản lý tổng hợp. Việc chưa có một hệ thống chính sách, pháp luật hoàn chỉnh hoặc là những chính sách, pháp luật lại hậu, lỗi thời gây khó khăn rất nhiều cho việc quản trị biển và vùng bờ biển của các quốc gia.

Đại diện phía Triều Tiên, TS. Gunna Kullenberg cũng chia sẻ ý kiến  hoàn toàn nhất trí với bài báo cáo phát biểu của Thứ trưởng Chu Pham Ngọc Hiển và đánh giá quản lý tích hợp vùng bờ là giải pháp quan trọng để phát triển bền vững kinh tế biển, tránh những dự án đầu tư gây ô nhiễm.

Triều Tiên đã có những tiến bộ đáng kể trong những khu vực biển lồng ghép chính sách quản lý như các kh bảo tồn thiên nhiên biển, khu du lịch sinh thái, vì vậy, hàng năm đã thu hút một lượng du khách lớn bởi nó vừa bảo vệ môi trường, môi sinh lại triển khai các ngành kinh tế rất phù hợp.

Hiện, Triều Tiên tiếp tục đặt ra những khu vực trọng tâm cần quản trị, bảo vệ về môi trường; giá trị dịch vụ về mặt sinh thái có thể lồng gép trong chính sách hàng hoá. Tiếp tục đánh giá lại những hoạt động kinh doanh dịch vụ tác động tới môi trường; nắm bắt và hiểu biết hơn về môi trường sinh thái, kết nối các nàh khoa học, các nhà hoạch định chính sách để có thêm thông tin, có thêm hiểu biết xử lý những vấn đề này.

Thứ trưởng Bộ TN&MT Chu Phạm Ngọc Hiển đề xuất: Do tính chất liên thông của đại dương, cần phải nhấn mạnh tầm quan trọng việc cần phải xây dựng các chính sách khung về quản trị đại dương và quản lý tổng hợp đại dương ở cấp độ khu vực và toàn cầu để đảm bảo bảo vệ được đại dương.

Đối với quy mô toàn cầu, Đại hội đồng Liên hợp quốc sẽ là cơ quan thực hiện quản trị đại dương. Cơ quan này sẽ xem xét các báo cáo mà Tổng thư ký Liên hợp quốc đệ trình trên cơ sở các khuyến nghị từ các quá trình tham vấn về các vấn đề của đại dương và luật biển, như đã trình bày ở trên.

Ở quy mô khu vực, quản trị đại dương được thực hiện bởi những cơ chế có vai trò điều phối, phối hợp hoạt động của các quốc gia thông qua việc triển khai thực hiện các thỏa thuận, cam kết khu vực.

Kim Liên – Xuân Lam

 

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Cần đặt vấn đề quản trị đại dương với những điều ước quốc tế hoàn chỉnh
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO