Cần dành 50% nguồn tài chính khí hậu toàn cầu cho thích ứng với biến đổi khí hậu

Mai Đan| 17/01/2021 13:05

(TN&MT) - Chương trình Môi trường Liên hợp quốc (UNEP) cho biết một nửa nguồn tài trợ cho biến đổi khí hậu của thế giới sẽ dành để hỗ trợ các nước nghèo hơn thích ứng với các tác động của hiện tượng nóng lên toàn cầu, như hạn hán, nước biển dâng và lũ lụt.

Các phương tiện chìm trong nước lũ do mưa lớn trong cơn bão Iota ở La Lima, Honduras. Ảnh: Reuters

Các nhà khoa học cho biết các hiện tượng thời tiết khắc nghiệt vào năm ngoái như mưa lớn ở châu Phi, các đợt nắng nóng kỷ lục và nhiệt độ ấm hơn tại các đại dương là minh chứng cho thấy tác động của biến đổi khí hậu. “Năm 2020 là một trong những năm nóng nhất được ghi nhận và khi các tác động ngày càng gia tăng, các quốc gia trên thế giới cần thích ứng tốt hơn, nếu không sẽ phải đối mặt với những thiệt hại và mất mát nghiêm trọng”, Báo cáo về khoảng cách phát thải của UNEP năm 2020 cho biết.

Trong thỏa thuận Paris về biến đổi khí hậu năm 2015, các quốc gia đã nhất trí hạn chế mức nóng lên của Trái đất dưới 2 độ C và mức lý tưởng là 1,5 độ C vào cuối thế kỷ này so với thời kỳ tiền công nghiệp. Theo đó, các nước đã thực hiện các biện pháp thích ứng với biến đổi khí hậu như phòng chống lũ lụt, xây dựng công trình xanh và cây trồng chống chịu với hạn hán, đồng thời tăng cường viện trợ tài chính cho các nước nghèo hơn.

Bà Inger Andersen, Giám đốc Điều hành UNEP cho biết: “Chúng ta cần một cam kết toàn cầu để dành một phần hai nguồn tài chính khí hậu toàn cầu cho việc thích ứng trong năm tới. Điều này sẽ giúp việc thích ứng đạt nhiều kết quả tốt hơn, đặc biệt trong hệ thống cảnh báo sớm, tài nguyên nước có khả năng phục hồi và các giải pháp dựa vào thiên nhiên”.

Báo cáo thường niên của UNEP về sự cải thiện trong thích ứng với biến đổi khí hậu cho thấy 72% quốc gia đã thông qua ít nhất một công cụ lập kế hoạch thích ứng cấp quốc gia. Tuy nhiên, vẫn tồn tại khoảng cách tài chính lớn gây khó khăn cho các nước đang phát triển thích ứng với những tác động tồi tệ nhất của biến đổi khí hậu. Quỹ tài chính quốc tế cho việc thích nghi tăng từ 30 tỷ USD, tương đương 5%, hàng năm, tuy nhiên, theo ước tính, chi phí cho việc thích ứng ở các nước đang phát triển là 70 tỷ USD mỗi năm. Con số này dự kiến sẽ tăng đến 140-300 tỷ USD vào năm 2030 và 280-500 tỷ USD vào năm 2050.

Hồi năm 2019, Ủy ban Toàn cầu về Thích ứng ước tính rằng khoản đầu tư 1,8 nghìn tỷ USD cho các biện pháp thích ứng từ năm 2020 đến năm 2030 sẽ giúp tiết kiệm chi phí lên đến 7,1 nghìn tỷ USD và mang lại nhiều lợi ích khác vào năm 2030.

Theo Tổng hợp từ Reuters
Copy Link
(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Cần dành 50% nguồn tài chính khí hậu toàn cầu cho thích ứng với biến đổi khí hậu
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO