Cần chế tài đủ mạnh để bảo vệ quyền lợi người mua bán bất động sản, bảo hiểm
(TN&MT) - Đoàn Chủ tịch Ủy ban TƯ MTTQ Việt Nam kiến nghị tăng cường hơn nữa công tác quản lý nhà nước, có chế tài đủ mạnh để bảo vệ quyền lợi của người dân khi tham gia ký kết các hợp đồng mua bán bất động sản, hợp đồng bảo hiểm, hợp đồng mua thẻ kỳ nghỉ.
Chi tiền mua nhưng chưa nhận được nhà ở gây bức xúc
Tiếp tục chương trình phiên họp, sáng 10/5, Uỷ ban Thường vụ Quốc hội tham gia ý kiến dự thảo báo cáo tổng hợp ý kiến, kiến nghị của cử tri và Nhân dân gửi đến kỳ họp thứ 5, Quốc hội khóa XV.
Chủ tịch Uỷ ban T.Ư MTTQ Việt Nam Đỗ Văn Chiến cho biết, cử tri và Nhân dân bày tỏ sự tin tưởng vào kết quả quan trọng của công tác xây dựng và chỉnh đốn Đảng nhất là công tác phòng, chống tham nhũng, tiêu cực được chỉ đạo thực hiện quyết liệt, nói đi đôi với làm, không có ngoại lệ, không có vùng cấm; đã làm rõ nhiều vụ việc lớn, phức tạp, xử lý đồng bộ cả kỷ luật Đảng, kỷ luật hành chính, xử lý hình sự, vừa bảo đảm tính nghiêm minh, vừa có tính nhân văn sâu sắc.
Cử tri và Nhân dân hoan nghênh Quốc hội đã kịp thời tổ chức các kỳ họp bất thường để bàn bạc, quyết định những vấn đề quan trọng của đất nước về chính sách phục hồi phát triển kinh tế - xã hội, về xây dựng pháp luật, về công tác nhân sự… Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã chỉ đạo tổ chức lấy ý kiến sâu rộng của nhân dân đối với dự án Luật Đất đai (sửa đổi).
“Hoạt động chất vấn và giám sát của Quốc hội, Ủy ban Thường vụ Quốc hội thu hút được sự quan tâm của đông đảo cử tri và Nhân dân vì đã lựa chọn được nội dung có tính trọng tâm, trọng điểm, thiết thực, đúng những vấn đề nổi lên mà cử tri và Nhân dân quan tâm”, ông Chiến nêu.
Do những bất ổn của tình hình thế giới tác động vào nước ta, các đơn hàng bị cắt giảm, lao động, việc làm, thu nhập của một bộ phận lao động giảm, trở nên gay gắt. Sản xuất kinh doanh của nhiều doanh nghiệp gặp khó khăn, thu nhập của người lao động ở nhiều ngành, nghề giảm sút khá nghiêm trọng, đời sống của một bộ phận người dân chưa được ổn định sau đại dịch COVID - 19. “Cử tri và Nhân dân lo lắng nếu kéo dài tình trạng này thì đời sống sẽ tiếp tục khó khăn hơn”, ông Chiến nêu.
Bên cạnh đó, một bộ phận người dân còn băn khoăn, lo lắng, có nơi bức xúc vì đã chi tiền mua nhà ở, đất ở của các dự án nhưng do nhiều nguyên nhân khác nhau, nay không nhận được nhà ở, đất ở mà chưa lấy lại được tiền đã đầu tư. Nhiều người gặp rủi ro khi gửi tiền tiết kiệm, mua trái phiếu, mua bảo hiểm…tuy đã được các cơ quan chức năng và Ngân hàng Nhà nước ban hành văn bản hướng dẫn, yêu cầu bảo đảm quyền lợi của khách hàng nhưng cử tri và Nhân dân vẫn chưa thực sự yên tâm.
Uỷ ban TƯ MTTQ Việt Nam cũng phản ánh băn khoăn, lo lắng của cử tri và Nhân dân về các vụ lừa đảo có tổ chức, xuyên quốc gia, có yếu tố nước ngoài cầm đầu thông qua gọi điện, nhắn tin ở nhiều lĩnh vực khác nhau cho vay nặng lãi, đòi nợ kiểu xã hội đen, giả danh cơ quan chức năng thực thi pháp luật hoạt động trên không gian mạng tinh vi để lừa đảo chiếm đoạt số tiền lớn của người dân...gây ra nhiều hệ lụy khó lường cho xã hội.
“Không thể đổ lỗi, sợ, không dám làm”
Đoàn Chủ tịch Ủy ban TƯ MTTQ Việt Nam kiến nghị với Đảng và Nhà nước chỉ đạo nghiên cứu, có các chính sách, giải pháp hỗ trợ, tháo gỡ khó khăn và sớm phục hồi sản xuất cho doanh nghiệp, thúc đẩy tăng trưởng kinh tế, ổn định việc làm và thu nhập của người lao động ở các khu công nghiệp, nông nghiệp và nông thôn; có các giải pháp phù hợp, khả thi, vừa bảo đảm được sự ổn định để phát triển đất nước, vừa bảo đảm quyền lợi của người dân đã đầu tư vào bất động sản, trái phiếu, tiết kiệm, bảo hiểm.
Đồng thời tăng cường hơn nữa công tác quản lý nhà nước, có chế tài đủ mạnh để bảo vệ quyền lợi của người dân khi tham gia ký kết các hợp đồng mua bán bất động sản, hợp đồng bảo hiểm, hợp đồng mua thẻ kỳ nghỉ, đây thường là các hợp đồng được in sẵn, đã được cơ quan có thẩm quyền thẩm định, vì tin tưởng nên người dân không đọc hoặc đọc cũng không hiểu rõ nên điều khoản bất lợi thường thuộc về bên mua, gây thiệt hại cả về vật chất và tinh thần cho người dân.
Cơ quan này cũng nêu kiến nghị về việc ban hành văn bản quy phạm pháp luật để phòng chống, khắc phục tình trạng một số cán bộ, công chức, viên chức, người có thẩm quyền đùn đẩy, né tránh, sợ trách nhiệm, “giữ an toàn quá mức cần thiết”, không dám giải quyết công việc, trì trệ, ảnh hưởng đến sản xuất, kinh doanh của doanh nghiệp và cuộc sống của nhân dân.
“Suy cho cùng, biểu hiện này cũng là tiêu cực. Đoàn Chủ tịch Ủy ban trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam ủng hộ mạnh mẽ Đảng và Nhà nước đẩy mạnh công tác phòng, chống tham nhũng, tiêu cực vì phòng, chống tham nhũng, tiêu cực sẽ làm cho xã hội tốt đẹp thêm, chứ không thể đổ lỗi, sợ, không dám làm”, ông Chiến bày tỏ.
Rà soát giải quyết dứt điểm các kiến nghị
Báo cáo tóm tắt Kết quả giám sát việc giải quyết, trả lời kiến nghị của cử tri gửi đến Kỳ họp thứ 4, Quốc hội khóa XV, Trưởng Ban Dân nguyện thuộc UBTVQH Dương Thanh Bình cho biết, thông qua các cuộc tiếp xúc cử tri của các đại biểu Quốc hội (ĐBQH), đã có 2.593 kiến nghị được tổng hợp chuyển đến các cơ quan có thẩm quyền giải quyết. Kiến nghị của cử tri (KNCT) liên quan đến hầu hết các lĩnh vực của đời sống xã hội. Đến nay, 2.588 kiến nghị đã được giải quyết, trả lời cử tri, đạt 99,8 %.
Cụ thể, Quốc hội, các cơ quan của Quốc hội đã trả lời 91/91 kiến nghị. Cử tri hoan nghênh và rất đồng tình với sự đổi mới mạnh mẽ đem lại hiệu quả toàn diện trong hoạt động của Quốc hội thời gian vừa qua, tiếp tục khẳng định hoạt động của Quốc hội ngày càng dân chủ, công khai, minh bạch, gắn bó mật thiết với Nhân dân. Tiếp thu KNCT, Quốc hội đã không ngừng thay đổi phương thức hoạt động, đưa hoạt động lập pháp, giám sát và quyết định những vấn đề quan trọng của đất nước ngày càng kịp thời với mục tiêu đặt lợi ích của cử tri và Nhân dân lên hàng đầu.
Một số vấn đề được cử tri và Nhân dân quan tâm trong thời gian qua đã được UBTVQH tổ chức chất vấn trực tiếp và trực tuyến tới các Đoàn ĐBQH, gồm: giải pháp tiếp tục nâng cao chất lượng xét xử, giải quyết các loại vụ án, nhất là vụ án hành chính, vụ án hình sự về kinh tế, tham nhũng…
Chính phủ, các Bộ, ngành Trung ương đã giải quyết và trả lời 2.466/2.469 kiến nghị. Nhìn chung, Chính phủ, các Bộ, ngành đã chú trọng nghiên cứu, giải quyết KNCT, thể hiện tính cầu thị, tiếp thu KNCT khi thực hiện công tác quản lý, điều hành. Nội dung giải quyết, trả lời KNCT rõ ràng. Đối với những KNCT chưa thể giải quyết được ngay, các Bộ, ngành đều ghi nhận, tiếp thu trong quá trình sửa đổi, bổ sung chính sách, pháp luật trong thời gian tới.
Tòa án nhân dân tối cao, Viện kiểm sát nhân dân tối cao đã giải quyết, trả lời 20/20 kiến nghị. Trong đó, TANDTC, VKSNDTC đã trả lời việc hướng dẫn thi hành và nghiên cứu, tham mưu trình Quốc hội sửa đổi một số điều của Bộ luật Tố tụng hình sự, Bộ luật tố tụng Dân sự năm 2015…
Bên cạnh những kết quả tích cực đạt được, Trưởng Ban Dân nguyện Dương Thanh Bình đã chỉ rõ một số hạn chế đối với việc tập hợp, tổng hợp KNCT là chưa đảm bảo đúng thời hạn theo quy định của pháp luật; có kiến nghị thuộc thẩm quyền giải quyết của địa phương vẫn được tập hợp đề nghị các cơ quan ở Trung ương giải quyết; có kiến nghị ban hành hướng dẫn về một số nội dung mặc dù các nội dung đó đã được pháp luật quy định.
Đối với Chính phủ, Bộ, ngành Trung ương, còn gặp một số hạn chế, vướng mắc như sau:
Thứ nhất, mặc dù quyền lợi của người dân bị ảnh hưởng do cơ quan nhà nước thực hiện chưa đúng quy định của pháp luật nhưng đến nay KNCT vẫn chưa được giải quyết.
Thứ hai, một số KNCT đã được các Bộ, ngành tiếp thu, mặc dù đã triển khai nhiều biện pháp giải quyết nhưng chuyển biến còn chậm nên cử tri vẫn bức xúc, tiếp tục có kiến nghị.
Thứ ba, một số KNCT chưa được kịp thời giải quyết do công tác phối hợp giữa các Bộ, ngành hoặc giữa Bộ, ngành với địa phương có lúc còn chưa chặt chẽ.
Thứ tư, một số quy định của Luật mặc dù đã được Quốc hội thông qua từ nhiều nhiệm kỳ trước nhưng vẫn chưa được triển khai do một số Bộ chậm trình ban hành văn bản hướng dẫn; cá biệt có trường hợp đã tham mưu ban hành văn bản hướng dẫn nhưng lại để xảy ra sai sót nên quy định không được tổ chức thực hiện.
Từ những hạn chế nêu trên, Trưởng Ban Dân nguyện Dương Thanh Bình đề nghị các cơ quan của Quốc hội tiếp tục tăng cường hơn nữa hoạt động giám sát việc ban hành và thực hiện văn bản QPPL, nhất là việc ban hành các văn bản hướng dẫn thi hành luật, đảm bảo tính thống nhất, đồng bộ và chất lượng của hệ thống pháp luật, kịp thời phát hiện các sai sót để kiến nghị hoàn thiện.
Đồng thời kiến nghị Chính phủ chỉ đạo các Bộ, ngành giải quyết những tồn tại hạn chế như đã nêu trong báo cáo; rà soát giải quyết dứt điểm các kiến nghị đang trong quá trình giải quyết, đảm bảo giải quyết có chất lượng, đúng lộ trình đã báo cáo với cử tri.