Cần cân nhắc áp thuế môi trường “kịch khung” với xăng dầu: Để đảm bảo mục tiêu kiềm chế lạm phát dưới 4%

06/07/2018 10:36

Văn phòng Chính phủ vừa phân công Bộ Tài chính chuẩn bị tờ trình của Chính phủ về dự thảo Nghị quyết biểu thuế bảo vệ môi trường cho phiên họp thứ 25 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội (diễn ra từ ngày 11 - 13.7).

Nếu được Ủy ban Thường vụ Quốc hội thông qua, thuế xăng dầu có thể áp dụng từ tháng 10.2018. Chuyện gì sẽ xảy ra nếu phí môi trường trong xăng dầu tăng kịch khung, mỗi lít xăng dầu lại “cõng” thêm 1.000 đồng tiền thuế?

Dồn gánh nặng lên vai người dân

Trao đổi với PV Báo Lao Động chiều 5.7, chuyên gia kinh tế - TS Đinh Thế Hiển nhấn mạnh: Xăng “đánh trực tiếp lên các DN nhỏ và vừa và đánh trực tiếp vào tiêu dùng nội địa ở khu vực mức sống trung bình trở xuống.

“Đối với nhóm người trung lưu trở lên, tăng 1.000 hay 5.000 đồng cũng không ảnh hưởng bao nhiêu. Nhưng đối với người dân có mức sống trung bình trở xuống thì đây là mức tăng rất lớn. Ngoài ra, giá xăng tăng còn tạo tâm lý “tát nước theo mưa”, nhiều người kinh doanh sẽ mượn cớ giá xăng tăng để tăng giá hàng hóa, dịch vụ.

Xang 4 Opt
Cần cân nhắc áp thuế môi trường “kịch khung” với xăng dầu. Ảnh: HẢI NGUYỄN.

“Đôi khi mức tăng của dịch vụ mặt hàng còn “lố” hơn áp lực của giá xăng. Chính vì vậy, cần tăng mức phí môi trường dần dần theo các nấc để các tiểu thương hay các dịch vụ không vin vào giá xăng để tăng giá các mặt hàng” - TS Đinh Thế Hiển nhấn mạnh.

Chuyên gia kinh tế TS Nguyễn Đức Độ - Phó Viện trưởng Viện Kinh tế Tài chính - Học viện Tài chính - cũng nhấn mạnh: Nếu giá xăng dầu tăng, chắc chắn sẽ ảnh hưởng đến đời sống tiêu dùng bởi xăng liên quan đến hầu hết các mặt hàng sản xuất, tiêu dùng của chúng ta. Chính phủ sẽ thận trọng cân nhắc thời điểm tăng phí xăng dầu.

“Về mục tiêu kiểm soát lạm phát, nếu tháng 10 mới tăng phí xăng dầu thì ảnh hưởng không nhiều, Chính phủ sẽ căn cứ vào giá thị trường để điều chỉnh giá xăng dầu. Cá nhân tôi cũng cho rằng, nếu lùi thời điểm áp dụng phí môi trường lên xăng dầu thì hợp lý hơn”- TS Nguyễn Đức Độ dự đoán.

Nhiều ý kiến cũng cho rằng, với áp lực lạm phát hiện nay, cần tính toán việc điều chỉnh cần tránh thời điểm tháng 9 - giai đoạn nhóm dịch vụ giáo dục khi vào năm học mới, có thể tác động đến chỉ số giá tiêu dùng (CPI), đặc biệt quý III là thời điểm các DN đẩy mạnh sản xuất các mặt hàng chuẩn bị phục vụ các dịp lễ lớn như Trung Thu, 2.9, tết...

Cần có độ trễ và chia lộ trình tăng theo nhiều nấc

Theo TS Đinh Thế Hiển, trong kinh tế Việt Nam, các sản phẩm còn nhiều áp lực về chi phí môi trường, nếu phí môi trường là hợp lý, mức tăng 1.000đ là hợp lý, thì phải thu. “Nhưng, như tôi vẫn hay nói, Bộ Tài chính hay áp dụng mức thu 1 lần mà không giãn theo lộ trình, mà tăng ào 1 lúc mà không tăng từ từ theo lộ trình 2 hay 3 tháng” - TS Đinh Thế Hiển nêu câu hỏi và cho rằng, cần chia nhỏ mức tăng và kéo dài lộ trình tăng giá xăng dầu chứ không tăng “sốc” trong 1 thời điểm theo kiểu “tăng 1 cục”, cần có thời gian để người dân quen dần và điều chỉnh chi tiêu cho phù hợp với mức giá thị trường và mức chi tiêu của gia đình.
 

xang 3
Chụp tại cây xăng của Petrolimex trên đường Láng (Hà Nội). Ảnh: HẢI NGUYỄN.

“Nếu tại thời điểm này mình không thu, nhưng sau đó lại thu luôn 1 cục cũng sẽ đột ngột, nên thu theo từng nấc để người tiêu dùng quen dần và tính toán dần dần. Còn nếu lùi thời gian thu mà vẫn thu luôn “1 cục” thì vẫn đột ngột” và gây áp lực lên đời sống người dân” - TS Đinh Thế Hiển phân tích.

Ở góc nhìn của mình, TS Nguyễn Đức Độ nêu ý kiến, Chính phủ đang có dự định lùi thời gian áp dụng phí môi trường lên xăng dầu đến tháng 10.2018, việc lùi thời hạn này là hợp lý. Bởi theo ông, “đỉnh” của lạm phát sẽ rơi vào tháng 7.2018 và sau đó sẽ giảm xuống trong những tháng cuối năm và việc áp dụng thuế môi trường vào xăng tại thời điểm này sẽ bớt áp lực lên rổ thị trường giá cả hơn.

Lạm phát sẽ đi về đâu?

Nhận định về lạm phát 6 tháng cuối năm 2018 tại cuộc hội thảo về diễn biến giá cả thị trường 6 tháng đầu năm và dự báo năm 2018 được tổ chức sáng 3.7, TS Nguyễn Đức Độ cho rằng, “đỉnh” lạm phát sẽ rơi vào tháng 7.2018. Mặc dù cho rằng, mục tiêu kiểm soát lạm phát dưới 4% là hoàn toàn có thể, nhưng TS Nguyễn Đức Độ cũng đưa ra cảnh báo về 2 “ẩn số” cần tính tới để chủ động trong điều hành, đó là xăng dầu và giá thịt lợn.

Nếu giá xăng dầu điều chỉnh tăng vào tháng 10 như dự định, khả năng lạm phát sẽ được kìm giữ theo đúng mục tiêu đã đề ra. “Đến tháng 10.2018, nếu lạm phát có dấu hiệu vượt quá mức kiểm soát, có thể Chính phủ sẽ tiếp tục lùi lộ trình tăng phí môi trường của xăng dầu”- TS Nguyễn Đức Độ nhận định.

Nhiều chuyên gia kinh tế đều chung quan điểm, rất nhiều nhân tố có thể tác động đẩy lạm phát tiếp tục tăng lên trong 6 tháng cuối năm nay.

Bà Đỗ Thị Ngọc - Vụ trưởng Vụ Thống kê giá (Tổng cục Thống kê) - lưu ý các yếu tố liên quan đến điều hành như: Tăng lương từ 1.7; giá dịch vụ giáo dục tăng vào tháng 9. Như vậy, nếu giá xăng dầu điều chỉnh tăng, trong khi giá các mặt hàng thiết yếu cũng tăng, đặc biệt là giá xăng dầu tăng cao thì cần phải cân nhắc để đạt được mục tiêu kìm lạm phát dưới 4%”- một chuyên gia kinh tế nhận định.
 

* Mức tăng thuế BVMT đối với từng mặt hàng theo đề xuất của Bộ Tài chính: Xăng tăng từ 3.000 đồng/lít lên mức trần 4.000 đồng/lít; dầu diesel tăng từ 1.500 đồng/lít lên mức trần 2.000 đồng/lít; dầu mazut, dầu nhờn tăng từ 900 đồng/lít lên mức trần 2.000 đồng/lít; mỡ nhờn tăng từ 900 đồng/kg lên mức trần 2.000 đồng/kg; dầu hỏa tăng từ 300 đồng/lít lên mức trần 2.000 đồng/lít.

* Theo tính toán, nếu thuế bảo vệ môi trường đối với xăng được tăng kịch khung từ mức 3.000 đồng/lít lên 4.000 đồng/lít, các mặt hàng dầu tăng kịch khung lên mức 2.000 đồng/lít, số thu từ dòng thuế này sẽ vào khoảng trên 55.000 tỉ đồng/năm, tăng khoảng 14.368 tỉ đồng/năm.

 

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Cần cân nhắc áp thuế môi trường “kịch khung” với xăng dầu: Để đảm bảo mục tiêu kiềm chế lạm phát dưới 4%
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO