Cần bổ sung, làm rõ về Hợp đồng dầu khí trong Luật Dầu khí 2022

PV| 28/02/2023 16:26

(TN&MT) - Hợp đồng dầu khí là một định chế quan trọng của Luật Dầu khí. Việc đánh giá đúng hiện trạng của các điều khoản kinh tế - thương mại của hợp đồng dầu khí và hệ thống các văn bản pháp lý so với các nước trong khu vực là hết sức cần thiết để xây dựng được chính sách ưu đãi đầu tư phù hợp với bối cảnh hiện nay, tạo ra lợi thế cạnh tranh cho lĩnh vực hoạt động dầu khí của Việt Nam.

Đa dạng hóa hình thức Hợp đồng dầu khí

Hợp đồng dầu khí là một định chế quan trọng của Luật Dầu khí, đây là văn bản pháp lý gắn liền với quá trình triển khai hoạt động dầu khí, đồng thời cũng là cơ sở quan trọng để thu hút đầu tư, thúc đẩy sự phát triển của ngành công nghiệp dầu khí. Phù hợp với điều về tài nguyên dầu khí, Việt Nam và các quốc gia trong khu vực Đông Nam Á (Indonesia, Malaysia, Philipines…) và nhiều quốc gia khác trên thế giới đều áp dụng theo hình thức hợp đồng chia sản phẩm dầu khí (Production Sharing Congtrat - PSC).

Trong điều kiện tài nguyên dầu khí ngày càng cạn kiệt, nhiều mỏ dầu khí có quy mô nhỏ, cận biên không thể phát triển khai thác để đảm bảo hiệu quả kinh tế, nhiều quốc gia đã rất linh hoạt trong việc thay đổi các điều khoản tài chính của hợp đồng PSC theo hướng khuyến khích đầu tư (tăng thu hồi chi phí, chia dầu khí lãi, giảm thuế cho nhà đầu tư) hoặc ban hành các hình thức hợp đồng dầu khí khác ngoài hợp đồng PSC để tăng cường thu hút đầu tư.

001-1-.jpg
Hoạt động khai thác dầu khí trên mỏ Đại Hùng.

Ở nước ta, với việc thông qua Luật Dầu khí 2022 vừa qua, các điều khoản liên quan đến hợp đồng dầu khí cũng đã được sửa đổi, bổ sung một số nội dung (có tham khảo quy định của một số nước trong khu vực như Indonesia, Malaysia...) bảo đảm linh hoạt, hấp dẫn hơn, nhằm tạo điều kiện thuận lợi hơn cho các nhà thầu, nhà đầu tư tham gia, đồng thời giải quyết một số tồn tại, bất cập phát sinh trong thực tiễn hoạt động dầu khí.

Cụ thể, Luật Dầu khí 2022 đã bổ sung “Loại hợp đồng dầu khí khác” bên cạnh “Hợp đồng chia sản phẩm dầu khí” được quy định và áp dụng từ Luật Dầu khí 1993. Đối với hợp đồng PSC cũng được bổ sung và hoàn thiện các quy định theo hướng linh hoạt, rõ ràng hơn: thống nhất thời hạn hợp đồng dầu khí đối với khai thác dầu và khai thác khí, thời gian hợp đồng dầu khí được kéo dài thêm 5 năm so với quy định hiện hành.

Nhà thầu có thể đề xuất đầu tư bổ sung nhằm gia tăng trữ lượng, nâng cao hệ số thu hồi và khai thác tận thu dầu khí với điều kiện kinh tế - kỹ thuật cho hợp đồng dầu khí mới sau khi hợp đồng dầu khí đã ký hết thời hạn; mở rộng diện tích, việc hoàn trả, giữ lại diện tích hợp đồng, hợp nhất phát hiện dầu khí, mỏ dầu khí vượt sang diện tích của một hoặc nhiều lô dầu khí liền kề đã ký hợp đồng dầu khí để thẩm lượng và phát triển chung nhằm nâng cao hiệu quả kinh tế, tối ưu tài nguyên dầu khí. Nhà thầu cũng có nghĩa vụ nộp thuế, phí và lệ phí liên quan đến việc chuyển nhượng hợp đồng theo quy định của pháp luật.

Trên cơ sở Luật Dầu khí 2022, mẫu hợp đồng dầu khí mới (phân chia sản phẩm PSC) cũng quy định rõ chính sách ưu đãi áp dụng đối với các lô, mỏ dầu khí ngoài khơi. Điểm mới trong Luật Dầu khí 2022 là mức thuế suất thuế thu nhập doanh nghiệp và mức thu hồi chi phí tối đa áp dụ⁸ng đối với lô dầu khí được hưởng chính sách ưu đãi đầu tư đặc biệt. Nội dung này được đề xuất trên cơ sở nghiên cứu, tham khảo chính sách của một số nước trong khu vực có hoạt động dầu khí tương đồng với Việt Nam.

002.jpg
Tập đoàn Dầu khí Việt Nam (Petrovietnam) phối hợp với Vụ Dầu khí và Than (Bộ Công Thương) tổ chức hội thảo lấy ý kiến góp ý Dự thảo Nghị định quy định chi tiết một số điều của Luật Dầu khí năm 2022.

Những vấn đề cần tiếp tục bổ sung, làm rõ

Luật Dầu khí 2022 và dự thảo Nghị định hướng dẫn thi hành luật có nhiều điểm mới, bao quát các nội dung mà Luật Dầu khí cũ chưa đề cập đến như Điều tra cơ bản, tiếp nhận mỏ hết thời hạn quy định trong hợp đồng dầu khí, thu dọn mỏ… Hợp đồng mẫu khá chi tiết, đã thể hiện thiện ý thu hút đầu tư. Tuy nhiên, tại các Hội thảo lấy ý kiến góp ý về dự thảo Nghị định hướng dẫn thi hành Luật Dầu khí năm 2022 được tổ chức trong thời gian gần đây, nhiều chuyên gia cũng đã tiếp tục nghiên cứu, đề xuất một số điểm cần thiết thay đổi, bổ sung để đảm bảo tính đồng nhất, thực thi của Luật Dầu khí.

Trong đó, quy định chi tiết về hợp đồng dầu khí như thời gian gia hạn hợp đồng dầu khí, các giá trị pháp lý khi hợp đồng dầu khí cũ chuyển sang hợp đồng dầu khí mới, cũng như có thể đơn giản hóa một số quy trình trong hợp đồng dầu khí, là những điểm mà các nhà thầu, nhà điều hành dầu khí đặc biệt quan tâm.

Đơn cử như phía Tổng Công ty Thăm dò và Khai thác Dầu khí (PVEP) sắp tới sẽ có nhiều lô hợp đồng hết hạn, đại diện PVEP đề xuất có những quy định cụ thể về trình tự, thủ tục kéo dài các lô hợp đồng cũ, cũng như cho phép sử dụng quyền, nghĩa vụ, pháp lý các tài liệu dầu khí khi thực hiện chuyển tiếp hợp đồng dầu khí cũ sang hợp đồng dầu khí mới. Đây cũng là mối quan tâm chung của các nhà thầu lớn khác như Idemitsu Gas, Cửu Long JOC, Thăng Long JOC, JVPC, Exxon Mobil, Rosnef…

Đại diện các nhà thầu cũng đề xuất cần tiếp tục rà soát để quy định những nội dung đặc thù của hợp đồng dầu khí, bảo đảm rõ ràng, minh bạch, chặt chẽ theo đúng tinh thần phân cấp và cải cách thủ tục hành chính; ngoài ra, cần có cơ sở pháp lý cho các trường hợp nhận chuyển giao quyền lợi tham gia hợp đồng dầu khí, trong trường hợp nhà thầu quyết định rút khỏi hợp đồng vì lý do đặc biệt.

003.jpg
Hội Dầu khí Việt Nam tổ chức Hội thảo góp ý dự thảo Nghị định hướng dẫn thi hành Luật Dầu khí năm 2022.

Theo đánh giá của ông Nguyễn Quốc Thập - Chủ tịch Hội Dầu khí Việt Nam (VPA), hợp đồng dầu khí mẫu hiện nay vẫn còn khá mở, lại đàm phán sau khi đã chọn nhà thầu dẫn đến khó thống nhất, kéo dài thời gian. Để giải quyết vấn đề này, đại diện VPA đề xuất, các quy định về tiêu chí lựa chọn nhà thầu và phương pháp đánh giá hồ sơ, quy trình đánh giá hồ sơ và phê duyệt kết quả lựa chọn nhà thầu cũng như quy trình phê duyệt nội dung hợp đồng dầu khí cần được xem xét rút ngắn trên cơ sở “áp đặt” hợp đồng dầu khí mẫu, tránh phức tạp hóa quy trình lựa chọn nhà thầu cũng như thời gian để lựa chọn nhà thầu bị kéo dài. Hợp đồng dầu khí mẫu ban hành kèm theo Nghị định là mở nhưng đối với mỗi lô/hồ sơ mời thầu là cố định (sau khi đã thống nhất, phê duyệt), tránh tình trạng mỗi nhà thầu đề xuất một kiểu, lan man, khó đàm phán, thống nhất.

VPA cũng nhất trí quan điểm hợp đồng dầu khí/mỏ ở giai đoạn cuối cũng như việc khai thác tận thu cần có các quy định cụ thể hơn. Ngoài ra, cũng cần thiết bổ sung quy định các loại hợp đồng dầu khí khác đàm phán tùy từng trường hợp cụ thể, nhằm làm rõ “hợp đồng dầu khí khác” là hợp đồng không thuộc loại “chia sản phẩm”. Điều này trên cơ sở quy định tại Điều 29, 30 Luật Dầu khí 2022 và tham khảo, kế thừa Nghị định 95/2015/NĐ-CP; cũng như Căn cứ hoạt động dầu khí thực tiễn thời gian qua và Thông lệ công nghiệp dầu khí quốc tế.

Dự báo với cơ chế khuyến khích các nhà đầu tư trong và ngoài nước thông qua Luật Dầu khí 2022, sắp tới sẽ có thêm nhiều hợp đồng PSC được ký kết để triển khai các đề án tìm kiếm thăm dò và phát triển mỏ mới. Với các PSC tiềm năng trong tương lai, Tập đoàn Dầu khí Việt Nam (Petrovietnam) và các đối tác sẽ thúc đẩy các chương trình tìm kiếm thăm dò hơn nữa, đặc biệt ở những khu vực nước sâu xa bờ với nhiều tiềm năng dầu khí, đáp ứng chiến lược dài hạn. Qua đó, không chỉ đáp ứng nhu cầu gia tăng trữ lượng dầu khí mà còn làm sâu sắc hơn các Nghị quyết của Bộ Chính trị về chiến lược phát triển ngành dầu khí, kinh tế biển và ngành năng lượng trước những thách thức về thị trường.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Cần bổ sung, làm rõ về Hợp đồng dầu khí trong Luật Dầu khí 2022
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO