Việc sạt lở đã rõ ràng, nhưng không hiểu tại sao UBND tỉnh Thanh Hoá vẫn giao xem xét việc gia hạn khai thác các mỏ cát trên.Để rộng đường công luận, Báo Tài nguyên & Môi trường sẽ phân tích rõ nguyên nhân để bạn đọc hiểu vấn đề.
Trước đó, trong các năm 2017 và 2018, Báo Tài nguyên & Môi trường có loạt bài phản ánh việc hoạt động khai thác cát của mỏ cát 45, 46, 47 thuộc xã Cẩm Vân, Cẩm Tân gây nên sạt lở bờ sông Mã, làm ảnh hưởng đến đất đai, hoa màu của người dân.
Trước tình hình đó, UBND tỉnh đã có ý kiến đồng ý với đề nghị của Sở TN&MT không chấp thuận chủ trương gia hạn thời gian khai thác của mỏ cát số 45, 46 xã Cẩm Vân thuộc Công ty Thắng Hiền và Công ty Vân Lộc tại công văn số 8342/UBND-CN ngày 19/7/2017, số 7794/UBND-CN ngày 6/7/2017.
Đến ngày 27/11/2017, UBND tỉnh Thanh Hóa có Công văn số 14533 và 14534/UBND-CN về việc yêu cầu xem xét, đánh giá ảnh hưởng của việc tiếp tục khai thác cát tại mỏ cát số 45, 46 xã Cẩm Vân, huyện Cẩm Thủy ảnh hưởng đến đất sản xuất nông nghiệp, trạm bơm tưới, công trình phúc lợi cộng cộng và khu dân cư thôn Quan Bằng.
Phó Chủ tịch thường trực UBND tỉnh Nguyễn Đức Quyền chỉ đạo: Trên cơ sở báo cáo, đánh giá của Sở TN&MT tại công văn số 3168/STNMT-TNKS ngày 23/6/2017, số 3442/STNMT-TNKS ngày 5/7/2017 (kèm theo ý kiến của UBND huyện Cẩm Thủy tại công văn số 666/UBND-TNMT ngày 20/6/2017 và số 706/UBND-TNMT ngày 27/6/2017) thì nếu tiếp tục gia hạn khai thác cát tại khu mỏ trên sẽ làm thay đổi dòng chảy dẫn đến nguy cơ sạt lở đất nông nghiệp lâu dài của nhân dân xã Cẩm Vân và làm sạt lở các công trình phúc lợi công cộng của địa phương như trạm bơm tưới, bến đò và đường giao thông xã Cẩm Vân. Đặc biệt có nguy cơ sạt lở trong khu dân cư thôn Quan Bằng. Tình hình dư luận của Chi bộ, Đảng viên và nhân dân rất bất bình về việc khai thác cát của các mỏ cát thuộc xã Cẩm Vân.
Trước tình trạng người dân phản ánh về việc sạt lở bờ sông Mã thuộc xã Cẩm Vân trong nhiều năm trở lại đây. Ngày 11/9/2018, Sở TN&MT phối với các Sở, ban, ngành đi kiểm tra thực địa, kết quả kiểm tra cho thấy tại bờ sông Mã thuộc xã Cẩm Vân có 4 điểm sạt lở: Điểm số 1 nằm phía bờ Hữu sông Mã thuộc thôn Đồi Vàng, cách cầu phao Cẩm Vân khoảng 01km về phía thượng lưu, chiều dài sạt lở khoảng 1.000m, vách sạt lở cao so với mặt nước khoảng 3m, sạt lở vào đất canh tác. Điểm sạt lở 2 nằm phía bờ Hữu sông Mã thuộc thôn Vân Trai, chiều dài khoảng 500m, vách sạt lở cao so với mặt nước khoảng 2m, sạt lở vào đất canh tác; Điểm sạt lở 3 nằm phía bờ Tả sông Mã thuộc thôn Eo Lê, chiều dài khoảng 350m, vách sạt lở cao so với mặt nước khoảng 2m, sạt lở vào đất canh tác. Điểm sạt lở 4 nằm phía bờ Hữu sông Mã thuộc thôn Quan Bằng, chiều dài khoảng 1.000m, vách sạt lở cao so với mặt nước khoảng 3- 4m, sạt lở vào đất ở của nhân dân.
Ngày 24/9/2018, Sở Tài nguyên và Môi trường có công văn số 5961/STNMT-TNKS gửi UBND tỉnh Thanh Hóa về việc kết quả kiểm tra tình hình sạt lở đất bờ sông Mã, đoạn thuộc xã Cẩm Vân, xã Cẩm Tân, huyện Cẩm Thủy theo phản ánh của nhân dân cho thấy: Nội dung đơn phản ánh việc sạt lở đất bờ sông Mã khu vực xã Cẩm Vân là đúng thực tế, việc sạt lở xảy ra từ trước, trong và sau khi các mỏ cát 45, 46, 47 được UBND tỉnh cấp phép khai thác. Hiện tại các vị trí trên đã và đang tiếp tục sạt lở, nguyên nhân gây nên sạt lở có nhiều nguyên nhân.
Ngày 5/10/2018, UBND tỉnh có Công văn số 12365/UBND-CN về việc kết quả kiểm tra, đánh giá tình hình sạt lở bờ, bãi sông Mã đoạn thuộc xã Cẩm Vân và xã Cẩm Tân, huyện Cẩm Thủy. Phó Chủ tịch thường trực UBND tỉnh Nguyễn Đức Quyền chỉ đạo:
Giao Sở TN&MT chủ trì, phối hợp với UBND huyện Cẩm Thủy và các đơn vị có liên quan, tổ chức quan trắc, theo dõi diễn biến, tốc độ sạt lở bờ, bãi sông Mã đoạn thuộc xã Cẩm Vân, xã Cẩm Tân, huyện Cẩm Thủy; thời gian thực hiện 12 tháng. Kết thúc thời gian quan trắc, tổng hợp, đánh giá cụ thể các nguyên nhân gây sạt lở bờ bãi sông tại khu vực trên; trên cơ sở đó, đề xuất cụ thể hướng xử lý, các giải pháp công trình kè mỏ hàn, kè lát mái… nhằm đảm bảo an toàn cho hoạt động sản xuất và đất canh tác nông nghiệp của người dân trên địa bàn, báo cáo Chủ tịch UBND tỉnh xem xét, quyết định.
Tuy nhiên, đến thời điểm này tình hình sạt lở đất nông nghiệp tại khu vực bờ sông Mã thuộc xã Cẩm Vân, Cẩm Tân rất phức tạp. Qua quan sát của chúng tôi, thì dọc 2 bờ sông xuất hiện nhiều điểm sạt lở mới, đa phần diện tích đất nông nghiệp sát bờ sông Mã đều bị sạt lở, có đoạn sạt ăn sâu vào từ 15-20m; tình trạng sạt lở nghiêm trọng nhất thuộc các thôn Quan Phác, Tường Yên, Đồi Vàng, Vân Trai, Quan Bằng… những điểm sạt lở mới đều ăn sâu vào đất nông nghiệp, bề mặt sạt lở có nhiều vết nứt kéo dài, ở mép sông nơi bị sạt lở vách đất dựng đứng cao từ 3-5m và có thể bị cuốn trôi bất cứ lúc nào.
Theo ông Phạm Đức Thiện, Trưởng thôn Quan Phác, xã Cẩm Vân cho biết: Tình trạng sạt lở kéo dài suốt nhiều năm qua, nhân dân nhiều lần kiến nghị, nhưng đến nay chính quyền địa phương chưa có biện pháp nào để giúp dân. Dọc bờ sông có khoảng 500m mà nhà nước cấp đến 3 mỏ khai thác cát, việc cấp nhiều mỏ cát như vậy thì làm sao mà không bị sạt lở. Hiện nay họ không khai thác cát nhưng vẫn bị sạt lở bởi mấy năm trước họ khai thác rầm rộ dưới lòng sông nên cứ đến mùa mưa bão là hai bên bờ bị sạt hết xuống sông. Chúng tôi chỉ mong nhà nước không gia hạn cấp phép mấy mỏ khai thác cát trên địa bàn và kè những điểm sạt lở để người dân yên tâm sản xuất, ổn định cuộc sống.
Trong khi đó, theo quan sát của phóng viên, dọc hai bờ sông Mã đoạn thuộc các xã Cẩm Vân, Cẩm Tân chưa đầy 1km, mà UBND tỉnh cấp đến 3 mỏ hoạt động khai thác cát. Việc có nhiều mỏ cát hoạt động, khai thác ồ ạt với khối lượng lớn gây nên tình trạng hàng chục héc-ta đất nông nghiệp bị sạt lở, uy hiếp đến nhà cửa, tài sản, hoa màu và đe dọa tính mạng của người dân sẽ là điều tất yếu sẽ xảy ra(?)