Cẩm Phả, Quảng Ninh: Khai thác than – hủy hoại nguồn nước

28/10/2014 00:00

(TN&MT) - Ngày càng nâng công suất hoạt động khai thác than của các mỏ khiến môi trường nơi đây bị tổn hại nghiêm trọng, đặc biệt là nguồn nước

   
(TN&MT) - Khai thác, kinh doanh than đã làm thay đổi diện mạo đời sống kinh tế của Quảng Ninh nói chung và TP Cẩm Phả nói riêng. Tuy nhiên, cũng do ngày càng nâng công suất hoạt động khai thác than của các mỏ khiến môi trường nơi đây bị tổn hại nghiêm trọng, đặc biệt là nguồn nước.
   
Hủy hoại nguồn nước
   
  Việc đào sâu khai thác than tại quảng ninh đang tác động tiêu cực lớn tới nguồn nước mặt lẫn nước ngầm. Ngay tại khu vực TP Hạ Long, TP Cẩm Phả, nơi trữ lượng nước ngầm được đánh giá là dồi dào nhất, công suất khai thác cũng đang có dấu hiệu giảm dần. Tổng công suất khai thác nước ngầm tại khu vực này chỉ đạt từ 6.000 – 10.000m3/ngày đêm (ước tính giảm từ 10-20% so với những năm trước).
   
   
Sông Diễn Vọng ở xã Dương Huy chảy ngay dưới chân Công ty khai thác than Quang Hanh bị ô nhiễm nghiêm trọng
   
  Nước ngầm đã vậy, nước mặt cũng đang trong tình trạng báo động đỏ bởi theo thống kê của UBND TP. Cẩm Phả, hiện trên địa bàn có 12 đơn vị TKV khai thác than. Các bãi thải của Công ty than Mông Dương, Đèo Nai, Cọc Sáu, Quang Hanh, Dương Huy... đã quá tải, gây nguy cơ sạt lở rất lớn khi trời mưa to. Dân cư các phường Cẩm Trung, Cẩm Thành, Cẩm Phú, Cẩm Thịnh và Cửa Ông thường xuyên có cảm giác nơm nớp lo sợ khi trời nổi cơn dông. Bởi mỗi khi có mưa là các con phố ở đây đều bị ngập do lượng đất đá bãi thải bồi lấp các sông suối khiến dòng chảy bị tắc nghẽn gây ngập úng nặng.
   
  Chúng tôi có mặt trên con đường vào xã Dương Huy, TP Cẩm Phả không khỏi bàng hoàng vì các bãi thải ven dòng suối của các đơn vị khai thác than đã chất cao thành núi, gia cố sơ sài, không đảm bảo quy chuẩn ĐTM được cấp phép… đã xuất hiện những vết sạt trượt dài trên những bờ thân đập. Điều đáng lo ngại là chính những bãi thải này sẽ tạo điều kiện cho sự hình thành các trận lũ quét, lũ bùn đá gây thiệt hại nghiêm trọng cho đời sống của người dân địa phương. Trời mưa đã thế còn trời nắng người dân cũng không tránh khỏi tình trạng khói bụi từ hoạt động vận chuyển khai thác than.
   
  Chính việc này đã hình thành nên những “con đường đen” với vô vàn “nét điểm tô” bởi cây đen, tường nhà đen kịt vì bụi than, mặt đường quanh năm suốt tháng được phủ một lớp nước than ẩm ướt lép nhép... Đây là một trong những nguyên nhân chính “giết chết” những con sông, suối tại Cẩm Phả. Theo số liệu quan trắc của Chi cục Bảo vệ môi trường Quảng Ninh: Sông Mông Dương, Diễn Vọng và nhiều con kênh khác có hàm lượng chất rắn lơ lửng cao gấp 2,68 lần GHCP, các hàm lượng BOD5, Pb, lượng dầu đều cao so với ngưỡng cho phép và đặc biệt có dấu hiệu tăng dần qua từng năm.
   
Phải trả lại trong lành cho nguồn nước
   
   
  Chính việc ô nhiễm từ các con sông, suối do hoạt động khai thác, vận chuyển than gây nên đã dẫn tới tình trạng nhiều năm qua, hàng nghìn hộ dân ở các xã Dương Huy, Cẩm Hải và Cộng Hòa, TP. Cẩm Phả đều không có nước sạch để dùng. Nguồn nước duy nhất để phục vụ cho bà con các xã này chủ yếu là giếng đào, giếng khoan. Tuy nhiên, hiện nay nguồn nước đang bị ô nhiễm nghiêm trọng, ảnh hưởng đến sức khỏe của người dân địa phương.
   
  Xã Dương Huy hiện có 7 thôn, 857 hộ dân sinh sống rải rác ven tỉnh lộ 326 nhưng tỷ lệ hộ dân được dùng nước hợp vệ sinh mới chỉ chiếm 15%. Nhiều hộ dân tại đây đã phải đào tới giếng thứ 5 để tìm nguồn nước sạch. Thế nhưng, chất lượng nguồn nước cũng không mấy cải thiện. Mặc dù nước đã được người dân tiến hành lọc qua các lớp cát nhưng do nguồn nước bị nhiễm, quá nhiều sắt, kẽm nên sau khi lọc nước vẫn còn mùi tanh, hôi, nổi váng. Các hộ dân cũng đã mua thêm máy lọc nước để phục vụ nấu ăn và nước uống nhưng cũng không đủ dùng. Do vậy việc giặt giũ và các sinh hoạt khác đều phải sử dụng nguồn nước này. Biết là không đảm bảo vệ sinh nhưng vẫn phải sử dụng.
   
  Theo ông Hoài Bát – Trưởng thôn Đá Bạc, xã Dương Huy, TP Cẩm Phả: Tình trạng nước bẩn đã kéo dài nhiều năm. Người dân không chỉ của thôn mà 5 thôn còn lại trong xã Dương Huy cũng đang trong tình trạng tương tự… Nguyên nhân bước đầu được cho là do sự thay đổi địa tầng trong quá trình khai thác tài nguyên và nguồn nước sinh hoạt thải ra gây ô nhiễm tại các con sông và không có hệ thống tiêu thoát nước dẫn tới tình trạng thấm ngược trở lại lòng đất gây hủy hoại mạch nước ngầm.
   
  Trao đổi với phóng viên về tình trạng ô nhiễm môi trường, đặc biệt là ô nhiễm nguồn nước, ông Hoàng Văn Bốn, Trưởng phòng Tài nguyên và Môi trường TP Cẩm Phả cho biết: Sông, suối ở Cẩm Phả bị ô nhiễm nghiêm trọng là do tác động của quá trình phát triển ngành công nghiệp khai thác than, Thành phố đã có nhiều công văn gửi tới Tập đoàn TKV, các đơn vị thành viên yêu cầu họ khắc phục và hạn chế phát tán bụi, nguồn nước thải chưa qua xử lí ra môi trường, nhưng cũng chỉ được vài hôm đâu lại vào đó.
   
  Nguồn nước tại các con sông, suối và các mạch nước ngầm tại Cẩm Phả đang ô nhiễm ở mức báo động và đang ảnh hưởng nghiêm trọng tới đời sống của hàng ngàn hộ dân. Các cơ quan chức năng cần sớm đưa ra những giải pháp để cải thiện tình trạng này và cứu vớt lấy những dòng sông, con suối đang “hấp hối”.
   
Lê Xuân – Sỹ Cường
  
(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Cẩm Phả, Quảng Ninh: Khai thác than – hủy hoại nguồn nước
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO