Ong Ý được phép nuôi
Đó là khẳng định của ông Trịnh Văn Bình, Trưởng Phòng Chăn nuôi và Thủy sản, Sở NN&PTNT Hà Giang. Nhưng tại sao, nhiều năm nay, con ong Ý không thể vào được tỉnh Hà Giang? Phải chăng là do Công văn số 1065/SNN-CNTS, ngày 31/10/2013 của Sở NN&PTNT Hà Giang và Công văn số 3405/UBND-NNTNMT ngày 13/10/2015 của UBND tỉnh Hà Giang về việc tăng cường quản lý đàn ong trên địa bàn tỉnh?
Ông Bình cho biết, Sở và tỉnh ra các Công văn trên không nhằm mục đích ngăn cản tổ chức, cá nhân phát triển nghề ong, 4 huyện Mèo Vạc, Đồng Văn, Yên Minh và Quản Bạ là huyện biên giới, để đồng bào các dân tộc thiểu số phát triển kinh tế xã hội, nên tỉnh đã xây dựng thương hiệu Mật ong bạc hà và có chỉ dẫn địa lý. Còn các tổ chức, cá nhân khác, đến phát triển đàn ong tại Hà Giang phải đầy đủ pháp lý như: Giấy kiểm dịch động vật, xác nhận nguồn gốc ong, Giấy xin tạm trú, không có gì ngăn cản được.
Mặt khác, do địa bàn hẹp, cây Bạc hà hạn chế, người dân địa phương phải giữ gìn cây Bạc hà để duy trì nguồn sống, duy trì nuôi ong lấy mật, bây giờ, cá nhân tỉnh khác mang ong tới nuôi là cạnh tranh với việc làm ăn của họ. Mặt khác, ong họ nuôi dày, bố trí hàng nghìn đàn ong, mật khai thác cạn kiệt, gây hiện tượng khan hiếm mật ong, ong đốt người dân, đốt bò… không thể đánh giá tác hại được.
Biển cấm gây bức xúc |
Với những viện dẫn như vậy, để bảo vệ đàn ong địa phương, bảo vệ người nuôi ong, Sở NN&PTNT và UBND tỉnh Hà Giang đã ban hành các văn bản ở trên để “ngăn sông, cấm chợ” con ong Ý từ các địa phương khác vào tỉnh Hà Giang. Đây là việc làm có dấu hiệu “bảo kê”, vi phạm luật cạnh tranh và mang nặng cục bộ địa phương.
Theo tìm hiểu của phóng viên, hiện, 4 huyện vùng cao Hà Giang có khoảng 16.000 đàn ong nội, hàng năm, cho sản lượng hơn 80 tấn Mật ong bạc hà, với sản lượng này không đủ cung cấp cho nhu cầu tại địa phương và khách du lịch, dẫn đến tình trạng khan hiếm hàng. Chính vì điều này, trên địa bàn 4 huyện vùng cao nói trên, đang tồn tại một doanh nghiệp chuyên xây dựng hạ tầng, giao thông (xin không nêu tên doanh nghiệp) và một HTX nuôi ong “thao túng” thị trường Mật ong bạc hà.
Cứng nhắc thiếu khoa học
Trao đổi với Luật sư Lê Hồng Hiển, Giám đốc Công ty Luật Nay & Mai - Đoàn Luật sư TP. Hà Nội cho biết, ngày 31/10/2013, Sở NN&PTNT Hà Giang đã ban hành Công văn số 1065/SNN-CNTS gửi UBND 4 huyện vùng cao núi đá Hà Giang, đề nghị chỉ đạo các đơn vị chức năng tăng cường công tác kiểm tra, ngăn chặn kịp thời các tổ chức cá nhân vận chuyển ong ngoại từ các địa phương khác đến địa bàn để khai thác mật hoa Bạc hà và đề nghị xử lý nghiêm theo quy định của pháp luật. Tiêu hủy bắt buộc đối với những đàn ong ngoại hiện có trên địa bàn, mà không rõ nguồn gốc xuất xứ là hành vi rất vô lý.
Trong khi, Công văn số 3405/UBND-NNTNMT ngày 13/10/2015 do nguyên Chủ tịch UBND tỉnh Hà Giang Đàm Văn Bông ký, về việc tăng cường quản lý đàn ong trên địa bàn tỉnh, trong đó, tại Mục 1.3 có chỉ đạo UBND các huyện trên địa bàn tỉnh Hà Giang, khi các chủ nuôi ong vận chuyển các đàn ong ngoại từ các địa phương ngoài tỉnh đến nuôi trên địa bàn các huyện, phải được sự cho phép của UBND các huyện. Nếu các chủ nuôi ong không đủ điều kiện nêu trên, UBND huyện chỉ đạo UBND các xã và ngành chức năng yêu cầu chủ nuôi ong di dời hoặc trục xuất đàn ong ra khỏi địa bàn quản lý.
Để cụ thể hóa việc “ngăn sông cấm chợ” với con ong, ngày 1/8/2016, UBND huyện Quản Bạ đã ban hành Công văn số 1321/UBND-NLN, trong đó, chỉ đạo UBND các xã nghiêm cấm các tổ chức cá nhân tự ý đưa đàn ong từ nơi khác vào địa bàn, làm ảnh hưởng đến sự phát triển của đàn ong địa phương. Sự chỉ đạo cứng nhắc và thiếu khoa học này là nguyên nhân dẫn đến việc chính quyền cấp dưới nhũng nhiễu, gây phiền hà cho các tổ chức nuôi ong tại các huyện nói trên.
Luật sư Hiển khẳng định, căn cứ quy định pháp luật hiện hành có thể thấy: Theo Danh mục giống vật nuôi được sản xuất, kinh doanh tại Việt Nam (Ban hành kèm theo Thông tư số 25/2015/TT-BNNPTNT ngày 1/7/2015 của Bộ trưởng Bộ NN&PTNT quy định: “Các giống ong nội, các giống ong Ý và các tổ hợp lai của các giống ong trên thuộc giống vật nuôi được sản xuất, kinh doanh tại Việt Nam”.
Do vậy, việc Sở NN&PTNT Hà Giang, UBND tỉnh Hà Giang và UBND huyện Quảng Bạ, Mèo Vạc, Yên Minh, Đồng Văn ban hành các văn bản chỉ đạo cơ quan chức năng cấp dưới ngăn chặn, nghiêm cấm các tổ chức, cá nhân vận chuyển ong ngoại (ong Ý - PV) từ các địa phương khác đến nuôi trên địa bàn các huyện, phải được sự cho phép của UBND các huyện (nếu các chủ nuôi ong không đủ điều kiện: Giấy kiểm dịch động vật, xác nhận nguồn gốc ong, tạm trú tạm vắng, UBND huyện chỉ đạo UBND các xã và ngành chức năng yêu cầu chủ nuôi ong di dời hoặc trục xuất đàn ong ra khỏi địa bàn quản lý) là không phù hợp và trái với quy định tại Thông tư số 25 /2015/TT-BNNPTNT.
Ngoài ra, việc một số UBND xã không thực hiện đăng ký tạm trú, tạm vắng cho những người nuôi ong đến từ các địa phương khác là không đúng với quy định của pháp luật về đăng ký tạm trú, tạm vắng.
Do đó, UBND tỉnh Hà Giang và Sở NN&PTNT Hà Giang nên hủy bỏ các văn bản trên, để tạo điều kiện cho các tổ chức nuôi ong trong tỉnh và ngoài tỉnh vào địa phương khai thác mật hoa, phấn hóa, vừa tạo nên sản phẩm Mật ong bạc hà, giải quyết việc làm tại chỗ, tăng nguồn thu cho người dân, tiến tới thương mại hóa thương hiệu “Mật ong bạc hà” của Hà Giang trên toàn quốc và xuất khẩu.
Báo Tài nguyên và Môi trường sẽ thông tin tiếp về vụ việc.
Bài và ảnh: Doãn Xuân - Trường Giang