Cam Lộ (Quảng Trị): Phát triển cây dược liệu giúp giảm nghèo bền vững
(TN&MT) - Cam Lộ là địa phương có tiềm năng lớn về cây dược liệu, có điều kiện thuận lợi để phát triển thành trung tâm dược liệu của tỉnh Quảng Trị. Cây dược liệu đã và đang mở hướng đi mới giúp người dân Cam Lộ phát triển kinh tế, vươn lên thoát nghèo và làm giàu bền vững.
Liên kết với hộ sản xuất giúp dân giảm nghèo
Theo lãnh đạo UBND huyện Cam Lộ chia sẻ, giảm nghèo bền vững đã trở thành nhiệm vụ chính trị hàng đầu, hướng tới mục tiêu nâng cao chất lượng đời sống người dân. Thời gian qua, huyện luôn quan tâm triển khai thực hiện các chủ trương, chính sách của Đảng, Nhà nước và sự chỉ đạo của cấp trên về công tác giảm nghèo bằng nhiều giải pháp, kế hoạch phù hợp thực tế. Đến hết năm 2022 vừa qua, tỷ lệ hộ nghèo toàn huyện giảm từ 10,98% (năm 2015) xuống còn 2,82%, không có hộ chính sách tái nghèo.
Theo anh Lê Phúc Nhật, nông dân xã Cam Nghĩa, huyện Cam Lộ trồng 1,4ha cây an xoa, một năm thu được 20 tấn, mang lại thu nhập 240 triệu đồng/năm đầu tiên. Qua giai đoạn đầu đầu tư, những năm sau cho thu nhập cao hơn, cụ thể: thu nhập 360 triệu đồng/năm thứ 2, 480 triệu đồng/năm thứ 3. Ngoài sản phẩm dược liệu, anh còn làm vườn ươm cây keo nuôi cấy mô, cho thu nhập thêm 240 triệu đồng/năm.
Là một trong những người tiên phong trồng dược liệu, chị Lê Hồng Nhạn- sáng lập Công ty TNHH Dược liệu hữu cơ An Xuân (thị trấn Cam Lộ, huyện Cam Lộ) cho biết, từ năm 2015, gia đình đã mạnh dạn cải tạo hơn 5ha đất đồi kém hiệu quả sang trồng cà gai leo, đến năm 2020 chuyển thành công ty, phát triển trồng cây cà gai leo xen cây rừng: quế, đàn hương... Nhờ trồng và chăm sóc theo hướng hữu cơ đạt tiêu chuẩn GACP-WHO nên đạt hiệu quả cao, đem lại doanh thu hàng năm khoảng 3,5 tỷ đồng, tạo việc làm cho 20 lao động thường xuyên là người dân địa phương với mức thu nhập 6 triệu đồng/tháng. Ngoài ra, còn chuyển giao công nghệ cho một số hộ dân vùng khác và đồng bào dân tộc thiểu số Bru-Vân Kiều ở thôn Bản Chùa, xã Cam Tuyền, tạo sinh kế cho người dân.
Một điển hình khác là Hợp tác xã (HTX) Dược liệu Trường Sơn, trước đây trồng sắn, lạt không hiệu quả, chuyển sang trồng chế biến dược liệu: Tràm năm gân, Tràm gió… với vùng nguyên liệu mở rộng đến năm 2023 là 30ha. Quy mô sản xuất nhà máy 3000m2, sản xuất 3.600kg tinh dầu các loại/năm (Tràm 1.500kg, Sả 1.500kg, Long não 600kg…), 35.000 sản phẩm từ dược liệu/năm (Dầu xoa bóp 12.000 sản phẩm, Dầu gió 12.000 sản phẩm, Dầu gội dược liệu 7000 sản phẩm…) với doanh thu năm 2022 là 6,3 tỷ đồng. Sở dĩ HTX có quy mô lớn là nhờ liên kết trồng vùng nguyên liệu với 300 hộ dân của xã Cam Thành và Cam Thủy, tạo việc làm cho người dân địa phương với thu nhập 65 triệu đồng/người/năm…
Khẳng định thế mạnh cây dược liệu, phát triển thành trung tâm dược liệu
Những năm qua, tận dụng lợi thế về đất đai, khí hậu, nguồn nước, huyện Cam Lộ đã chú trọng chuyển đổi nhiều diện tích đất lâm nghiệp và đất bạc màu sang trồng cây dược liệu. Việc trồng dược liệu không chỉ bù đắp hơn 80% nguồn nguyên liệu, nhu cầu người dân, ngoài ra còn phục vụ cho việc xuất khẩu, mặt khác, hiệu quả kinh tế mang lại cây dược liệu cao hơn lần so với nông sản truyền thống.
Trong năm 2022, huyện đã triển khai nhân rộng 14,2 ha cây an xoa, nâng tổng số diện tích an xoa toàn huyện lên 17,7 ha; năng suất bình quân 150tạ/ha, cá biệt có những nơi phát triển tốt đạt năng suất 200 tạ/ha. Trồng thí điểm 127,8 ha cây quế. Bên cạnh đó, tiếp tục chỉ đạo trồng mới đối với một số loại cây dược liệu khác để đánh giá tiềm năng phát triển lâu dài.
Nếu như trước đây, việc trồng và chế biến các sản phẩm từ dược liệu chỉ tồn tại một cách nhỏ lẻ, manh mún thì nay, cây dược liệu đã trở thành một trong những cây trồng chủ lực của địa phương. Đến nay, diện tích cây dược liệu trên địa bàn huyện hiện có trên 200 ha, một số cây có giá trị kinh tế cao như: quế, chè vằng, cà gai leo, cây an xoa, ba kích tím, đinh lăng, hà thủ ô đỏ...
Trong năm 2023, tập trung quy hoạch, đầu tư cơ sở hạ tầng các vùng sản xuất tập trung, nhất là đối với cây dược liệu, phấn đấu xây dựng 1 - 2 mô hình điểm nhằm tạo điểm nhấn huyện nông thôn mới kiểu mẫu. Tiếp tục chỉ đạo xây dựng Đề án phát triển cây dược liệu; đồng thời tiếp tục theo dõi thí điểm trồng quế để có cơ sở xây dựng Đề án phát triển cây Quế trên địa bàn. Phát triển mạnh vùng dược liệu bằng việc mở rộng và nâng cao chất lượng các loại cây dược liệu hiện có và các cây dược liệu thử nghiệm có hiệu quả; mở rộng diện tích tràm năm gân lên quy mô 20 ha; tiếp tục tìm kiếm các loại cây mới, phát triển mạnh cây dược liệu theo hướng hữu cơ nhằm từng bước đưa Cam Lộ trở thành trung tâm dược liệu của tỉnh, tạo những đột phát trong phát triển nhằm nâng cao giá trị sản xuất, đẩy nhanh tốc độ phát triển góp phần tăng thu nhập cho người dân.
Chủ tịch UBND huyện Cam Lộ Trần Anh Tuấn cho biết: “Dự kiến đến 2025, huyện Cam Lộ quy hoạch vùng chuyên canh cây dược liệu diện tích 500ha, gồm: 100 ha chè vằng, 200 ha cây an xoa, 50 ha cà gai leo, 100 ha cây tràm năm gân và 50 ha cây dược liệu các loại khác.
Huyện định hướng sẽ phát triển cây dược liệu thành hướng đi mũi nhọn, sản xuất chuyên canh vùng nguyên liệu tập trung trước mắt khoảng 200 ha cung cấp cho các cơ sở chế biến cao dược liệu trên địa bàn. Mục tiêu của huyện là phấn đấu để trở thành trung tâm dược liệu của tỉnh Quảng Trị trong thời gian sớm nhất”.