Chiều ngày 26/5, Quốc hội đã thảo luận trực tuyến về dự án Luật đầu tư sửa đổi. Trình bày báo cáo giải trình, tiếp thu, chỉnh lý dự luật, Chủ nhiệm Uỷ ban Kinh tế Vũ Hồng Thanh cho biết hiện có nhiều ý kiến khác nhau về việc cấm đầu tư kinh doanh dịch vụ đòi nợ. Do đó, Ủy ban Thường vụ Quốc hội xin trình hai phương án để Quốc hội xem xét, quyết định.
Chủ nhiệm Uỷ ban Kinh tế Vũ Hồng Thanh phát biểu |
Theo đó, phương án 1 quy định cấm kinh doanh dịch vụ đòi nợ. “Vì thời gian qua, mặc dù đã có quy định về hoạt động kinh doanh dịch vụ đòi nợ nhưng nhiều doanh nghiệp, cá nhân lợi dụng, biến tướng thành các băng nhóm tội phạm nhằm cưỡng đoạt tài sản, gây áp lực đối với con nợ, cho vay nặng lãi, hoạt động tín dụng đen, gây mất trật tự, an toàn xã hội, dẫn tới nhiều hệ quả xấu đối với xã hội” – Chủ nhiệm Uỷ ban Kinh tế Vũ Hồng Thanh.
Phương án 2, không quy định cấm “kinh doanh dịch vụ đòi nợ” (tại điểm h khoản 1 Điều 6 dự luật) mà quy định tại Danh mục ngành, nghề đầu tư kinh doanh có điều kiện như Luật Đầu tư hiện hành.
Vì việc thuê một đơn vị trung gian đứng ra thu hồi nợ xuất phát từ nhu cầu thực tế của cuộc sống, đáp ứng nhu cầu của khách hàng khi các công ty kinh doanh dịch vụ đòi nợ sử dụng các công cụ, biện pháp đạt kết quả, phù hợp với các quy định của pháp luật. Để hạn chế tiêu cực phát sinh, đề nghị cần bổ sung quy định điều kiện chặt chẽ đối với doanh nghiệp kinh doanh dịch vụ đòi nợ để bảo đảm quản lý nhà nước đối với loại hình kinh doanh này.
Ngoài ra, Chủ nhiệm Uỷ ban Kinh tế Vũ Hồng Thanh cũng cho biết có ý kiến đề nghị bổ sung vào dự luật quy định cấm đầu tư kinh doanh dịch vụ điều tra, thám tử tư, vật liệu nổ khác (ngoài pháo nổ), các ngành thải hóa chất độc hại ra môi trường, bào thai…
Về việc này, Ủy ban Thường vụ Quốc hội xin tiếp thu, bổ sung quy định cấm đầu tư kinh doanh "bào thai" để phản ánh đầy đủ nội dung cấm của ngành, nghề “Mua, bán người, mô, bộ phận cơ thể người” tại điểm đ khoản 1 Điều 6.
Đối với dịch vụ điều tra, Chủ nhiệm Uỷ ban Kinh tế Vũ Hồng Thanh cho biết đây là một ngành trong hệ thống các ngành kinh tế Việt Nam khác với điều tra hình sự là nhiệm vụ của cơ quan công an, tư pháp.
Theo quy định của Bộ luật Dân sự, đời sống riêng tư, bí mật cá nhân, bí mật gia đình là bất khả xâm phạm và được pháp luật bảo vệ. Một số hoạt động (như thải hóa chất độc hại ra môi trường, xâm phạm bí mật cá nhân, buôn lậu, kinh doanh hàng giả...) không phải là ngành, nghề kinh doanh mà là hành vi vi phạm pháp luật đã được quy định xử lý theo pháp luật về hành chính, hình sự, dân sự.
Dự thảo luật thiết kế Điều 6 về việc “Ngành, nghề cấm đầu tư kinh doanh” như sau:
1. Cấm các hoạt động đầu tư kinh doanh sau đây:
a) Kinh doanh các chất ma túy theo quy định tại Phụ lục 1 của Luật này;
b) Kinh doanh các loại hóa chất, khoáng vật bị cấm quy định tại Phụ lục 2 của Luật này;
c) Kinh doanh mẫu vật các loại thực vật, động vật hoang dã theo quy định tại Phụ lục 1 của Công ước về buôn bán quốc tế các loài thực vật, động vật hoang dã nguy cấp; mẫu vật các loại động vật rừng, thực vật rừng hoang dã nguy cấp, quý hiếm Nhóm I của Danh mục thực vật rừng, động vật rừng nguy cấp, quý, hiếm khai thác có nguồn gốc từ tự nhiên theo quy định tại Phụ lục 3 của Luật này;
d) Kinh doanh mại dâm;
đ) Mua, bán người, mô, bộ phận cơ thể người, bào thai người;
e) Hoạt động kinh doanh liên quan đến sinh sản vô tính trên người;
g) Kinh doanh pháo nổ;
h) Kinh doanh dịch vụ đòi nợ.
Phương án 1: Quy định kinh doanh dịch vụ đòi nợ là ngành nghề cấm đầu tư kinh doanh.
Phương án 2: Giữ nguyên luật hiện hành, quy định kinh doanh dịch vụ đòi nợ là ngành nghề đầu tư kinh doanh có điều kiện và không quy định chuyển tiếp tại khoản 5 Điều 76.
2. Việc sản xuất, sử dụng sản phẩm quy định tại các điểm a, b và c khoản 1 Điều này trong phân tích, kiểm nghiệm, nghiên cứu khoa học, y tế, sản xuất dược phẩm, điều tra tội phạm, bảo vệ quốc phòng, an ninh thực hiện theo quy định của Chính phủ.