Đối với nhiều người, việc thu gom rác thải hữu cơ để nuôi ruồi lính đen, góp phần bảo vệ môi trường là điều gì đó có phần viển vông và điên rồ. Thế nhưng đối với cựu quân nhân đã về hưu Nguyễn Mạnh Hùng, phường Hải Hòa, thị xã Nghi Sơn, thì mô hình “Nuôi ruồi lính đen từ rác hữu cơ” lại đang góp phần giảm thiểu rác thải, đồng thời còn mang lại hiệu quả kinh tế cao cho người nông dân.
Cựu quân nhân Nguyễn Mạnh Hùng, phường Hải Hòa, Thị xã Nghi Sơn với mô hình nuôi ruồi lính đen giúp bảo vệ môi trường |
Ghé thăm căn nhà mái bằng của người cựu chiến binh Nguyễn Mạnh Hùng, Chủ tịch Hội làm vườn Nghi Sơn. Gặp ông trong lúc ông đang loay hoay sửa soạn với xấp tài liệu dày cộp. Ông Hùng bắt đầu kể về khoảng thời gian nghỉ hưu, gắn bó với nông nghiệp và môi trường: “Nhiều năm về trước, tôi đã nhận ra: Chỉ khi nào chúng ta coi “rác thải chính là tiền” thì khi ấy lượng rác mới được giảm đi, môi trường mới trong sạch. Sau khi tìm hiểu và lên kế hoạch cho mô hình sử dụng rác hữu cơ để nuôi ruồi lính đen. Tôi đã bắt tay ngay từ việc ra chợ thu gom các loại hoa quả thối, thức ăn ôi thiu về để làm thức ăn nuôi ruồi, khi ấy nhiều người cho rằng tôi bị “khùng”.
Thế nhưng ngược lại với suy nghĩ của nhiều người, ông Hùng không hề “khùng”. Thực tế đã chứng minh, ruồi lính đen là một loại côn trùng đặc biệt, không giống như những loại ruồi gây hại khác. Chúng không mang mầm bệnh, không gây truyền bệnh cho người và vật nuôi.
Một điều đặc biệt là ruồi lính đen trưởng thành không có miệng và do đó chúng không ăn, không cắn phá, không gây hại con người, cây trồng và vật nuôi. Mô hình nuôi ruồi lính đen còn có đặc điểm là hoàn toàn tận dụng rau, củ, quả hư thối, các loại phân động vật, đồ ăn thừa ôi thiu làm thức ăn. Trong khi đó, với lượng rác thải hữu cơ khổng lồ thải ra môi trường hàng ngày, hàng giờ tại Việt Nam thì mô hình nuôi ruồi lính đen hoàn toàn có thể phát triển và nhân rộng.
Nhà màng đơn giản nuôi ruồi lính đen |
Ruồi lính đen được nuôi trong nhà lưới đơn giản. Một chu kỳ sinh trưởng của ấu trùng ruồi lính đen kéo dài 15 ngày. Khi chuyển sang giai đoạn nhộng đen, chúng sẽ loại bỏ tác nhân gây bệnh, giảm mùi hôi và ngăn chặn tiếp xúc với ruồi nhà. Ấu trùng của chúng là thức ăn giàu dinh dưỡng cho chăn nuôi lợn, gia cầm. Ngoài ra, ấu trùng ruồi có thể cô đặc, sấy khô phối trộn với các chất dinh dưỡng của ruồi lính đen khác làm thức ăn thay thế hoàn toàn bột cá trong sản xuất thức ăn chăn nuôi, thủy sản. Loài này còn sử dụng để xử lý chất thải trong các khu chăn nuôi, trang trại, làng nghề, giúp cải thiện môi trường.
Ông Hùng hồ hởi chia sẻ thêm: “Rác hữu cơ cho vào nhà màng sau 15 phút thì toàn bộ ruồi nhặng gây bệnh sẽ bị ruồi lính đen xua đuổi, và chỉ cần 1 tiếng sau là mùi hôi rác hoàn toàn biến mất. Ruồi trưởng thành chỉ sống khoảng 5 - 7 ngày và hoàn toàn không ăn uống gì cho đến chết. Con cái trưởng thành đẻ từ 500 - 800 trứng. Trứng ruồi lính đen hiện bán ra thị trường với giá trung bình từ 25 - 30 triệu đồng/kg. Mỗi ngày, đàn ruồi lính đen của gia đình tôi có thể đẻ khoảng 2 - 3 lạng trứng. Tôi rất sẵn lòng chia sẻ kinh nghiệm và phương pháp nuôi ruồi lính đen cho bà con nông nhân cả nước bởi mô hình mang lại nhiều hiệu quả như thân thiện với môi trường, giúp giảm thiểu rác thải hữu cơ, mang lại hiệu quả kinh tế cao.