Môi trường

Cải thiện chất lượng môi trường để phát triển bền vững

Thu Thủy - Mai Trúc (lược ghi) 28/09/2023 - 16:09

(TN&MT) - Cùng với việc đầu tư các khu công nghiệp (KCN), khu dân cư, những năm qua, Thanh Hóa luôn chú trọng đầu tư hệ thống xử lý nước thải tại các KCN, làng nghề, tập trung xóa bỏ triệt để các cơ sở gây ô nhiễm, cải thiện chất lượng môi trường, siết chặt hoạt động bảo vệ môi trường trong khai thác khoáng sản,... đây là các giải pháp đang được tỉnh Thanh Hóa triển khai với quy mô lớn, hướng tới phát triển kinh tế bền vững.

Đầu tư hệ thống xử lý nước thải

Trên địa bàn tỉnh Thanh Hóa hiện có 1 Khu kinh tế Nghi Sơn, 8 KCN Khu kinh tế Nghi Sơn và các KCN đã thu hút được 492 cơ sở, doanh nghiệp vào hoạt động, có 4 chủ đầu tư hạ tầng KCN xây dựng trạm xử lý nước thải tập trung cho toàn bộ dự án hoặc theo từng modun (theo tỷ lệ lấp đầy KCN), bao gồm: Trạm xử lý nước thải công suất 1.300m3/ngày đêm tại KCN Lễ Môn; Nam Khu A - KCN Bỉm Sơn, công suất: 1.500m3/ngày đêm; Bắc Khu A - KCN Bỉm Sơn, công suất: 6.000m3/ngày đêm; Khu B - KCN Bỉm Sơn, công suất: 490 m3/ngày đêm.

Năm 2022, có 4 làng nghề được cấp kinh phí hỗ trợ từ nguồn vốn sự nghiệp môi trường để xây dựng công trình nâng cấp, sửa chữa hệ thống thu gom xử lý nước thải làng nghề, cải tạo đường giao thông với tổng số tiền hỗ trợ từ nguồn ngân sách sự nghiệp môi trường cho mỗi làng nghề dao động từ 7 đến 10,231 tỷ đồng.

Trong phương án phát triển cụm công nghiệp (CCN) tích hợp quy hoạch tỉnh, đến năm 2030 sẽ phát triển số CCN toàn tỉnh lên 118 cụm với tổng diện tích 5.369,69 ha. Đây là cơ sở để Thanh Hóa quản lý, thành lập và đầu tư hạ tầng CCN, tạo mặt bằng, thu hút đầu tư sản xuất kinh doanh vào địa bàn các huyện và di dời các cơ sản xuất gây ô nhiễm môi trường ra khỏi khu dân cư.

Hiện nay, đã có 5 CCN cơ bản hoàn thành đầu tư hạ tầng CCN theo giai đoạn, xây dựng hệ thống xử lý nước thải tập trung CCN Hòa Lộc (huyện Hậu Lộc); CCN Thái Thắng, CCN Bắc Hoằng Hóa (huyện Hoằng Hóa); CCN Vạn Hà (huyện Thiệu Hóa); CCN thị trấn Quán Lào (huyện Yên Định) đủ điều kiện cho nhà đầu tư thứ cấp thuê lại đất; có 3 CCN Thái Thắng, Vĩnh Minh, Nham Thạch hiện đang đầu tư xây dựng và lắp đặt thiết bị, máy móc cho công trình xử lý nước thải; 4 CCN đang đầu tư hạ tầng; các CCN còn lại đang hoàn chỉnh các thủ tục đầu tư để thực hiện dự án.

Đối với 175 làng nghề và làng nghề truyền thống hoạt động trong các lĩnh vực khác nhau, các cơ sở hộ gia đình trong làng nghề được hướng dẫn thực hiện các thủ tục về môi trường theo quy định tại Luật Bảo vệ môi trường 2020. Các làng nghề được công nhận có phương án bảo vệ môi trường được phê duyệt, đã thành lập Tổ tự quản về bảo vệ môi trường, rác thải đã được thu gom và hợp đồng với đơn vị có chức năng để xử lý.

Xử lý triệt để các cơ sở gây ô nhiễm môi trường

Trên địa bàn tỉnh Thanh Hóa có 82 cơ sở nằm trong danh sách cơ sở gây ô nhiễm môi trường nghiêm trọng, bao gồm: 23 bệnh viện, 45 điểm tồn lưu hóa chất bảo vệ thực vật (BVTV), 7 khu chứa và chôn lấp rác thải, 1 hồ trong đô thị, 1 khu vực ô nhiễm xăng dầu và 5 làng nghề.

anh-2.jpg

Đến nay, có 62/82 cơ sở, khu vực đã được xử lý triệt để ô nhiễm và rút khỏi danh mục các cơ sở gây ô nhiễm môi trường nghiêm trọng; các dự án sau khi triển khai thực hiện đã được bàn giao cho địa phương quản lý, sử dụng đất vào các mục đích công ích, góp phần phát triển kinh tế - xã hội và bảo vệ sức khỏe cho nhân dân.

Đối với các điểm tồn lưu hóa chất BVTV còn lại, 27 điểm đã được điều tra, đánh giá đưa ra khỏi danh mục ô nhiễm môi trường nghiêm trọng; 5 điểm tồn lưu: Điểm tồn lưu hóa chất BVTV kho vật tư nông nghiệp Quyết Thắng 2, TX. Nghi Sơn; Khu vực tồn lưu hóa chất BVTV nhà máy hóa chất Trung Hưng; Kho chứa hóa chất BVTV, Kho Đình; Kho chứa hóa chất BVTV tại Trạm BVTV Cổ Điệp, huyện Vĩnh Lộc; Điểm tồn lưu hóa chất BVTV kho vật tư nông nghiệp cũ, thôn Thiện Na, huyện Nông Cống được đưa vào nhiệm vụ điều tra, đánh giá chi tiết và lập phương án xử lý, cải tạo phục hồi môi trường đất.

Công tác bảo vệ môi trường trong hoạt động khai thác khoáng sản được tập trung chỉ đạo quyết liệt nhằm ngăn chặn và chấn chỉnh kịp thời hoạt động khai thác khoáng sản trái phép, gây xói lở bờ sông, thay đổi dòng chảy, ảnh hưởng nghiêm trọng đến đời sống người dân. Sở TN&MT lập báo cáo thuyết minh dự án Khoanh định khu vực cấm, tạm thời cấm hoạt động khai thác cát, sỏi lòng sông trên địa bàn tỉnh Thanh Hóa. Tổ chức kiểm tra việc chấp hành các quy định của pháp luật trong hoạt động khai thác khoáng sản đất làm gạch ngói và quặng photphorit; Kiểm tra công tác lắp trạm cân tại các mỏ khoáng sản...

Bà Nguyễn Thị Minh Huệ - Chi cục trưởng Chi cục Bảo vệ Môi trường cho biết: Công tác quản lý nhà nước về bảo vệ môi trường được tỉnh Thanh Hóa thực hiện đúng theo pháp luật; nhận thức về công tác bảo vệ môi trường trong tỉnh được nâng lên. Bên cạnh đó công tác thanh tra, kiểm tra, đôn đốc, xử lý các hành vi vi phạm pháp luật về môi trường tại các cơ sở, doanh nghiệp sản xuất kinh doanh được thực hiện thường xuyên; xử lý kịp thời các điểm nóng về môi trường; nhiều dự án xử lý nước thải, rác thải, điểm tồn lưu hóa chất BVTV, được đầu tư xây dựng.

Khi Nhà nước và doanh nghiệp cùng hành động

Cùng với việc tuyên truyền, phổ biến Luật Bảo vệ môi trường 2020 và các Văn bản quy phạm pháp luật khác đến đông đảo người dân, những năm qua, Thanh Hóa cũng đặc biệt chú trọng tuyên truyền đến các doanh nghiệp để các doanh nghiệp hiểu và nhận thức rõ tác hại của ô nhiễm môi trường đến cuộc sống, sức khỏe và đặc biệt hơn đến sự phát triển bền vững của nền kinh tế. Báo Tài nguyên và Môi trường lược ghi một số ý kiến của lãnh đạo địa phương, doanh nghiệp.

Ông Nguyễn Hữu Dũng - Phó Chủ tịch UBND huyện Thọ Xuân:

Bảo vệ môi trường là nhiệm vụ trọng tâm để phát triển bền vững

anh-3-ong-nguyen-huu-dung-pho-chu-tich-ubnd-huyen-tho-xuan.jpg

Hưởng ứng Chiến dịch Làm cho thế giới sạch hơn năm 2023, huyện Thọ Xuân đã tập trung tuyên truyền sâu rộng bằng nhiều hình thức về ý nghĩa và tầm quan trọng, quyền lợi và nghĩa vụ trong công tác bảo vệ môi trường tới cán bộ, đảng viên, công chức, viên chức, người lao động và nhân dân trên địa bàn huyện; thực hiện nếp sống văn hóa, không vứt rác ra đường, xả rác bừa bãi, xây dựng ý thức giữ gìn vệ sinh chung.

Tổ chức triển khai thực hiện Mô hình “Ngày Chủ nhật cùng hành động về môi trường” để cùng thực hiện các hoạt động tổng dọn dẹp vệ sinh môi trường như khơi thông dòng chảy rãnh nước thải khu dân cư, phát quang bụi rậm, nạo vét kênh mương; cắt xén cây, cỏ; thu gom, xử lý rác thải bờ kênh, bờ đê và trên đồng ruộng; chỉnh trang đô thị, giữ gìn cảnh quan, làm sạch nhà, đẹp phố, vệ sinh cơ quan, công sở; trồng cây xanh, trồng hoa, trong khuôn viên công sở làm việc, đường làng, ngõ, xóm, các tuyến đường liên thôn, liên xã... Thực hiện phân loại rác thải tại nguồn; phân loại, xử lý rác thải sinh hoạt ngay tại nhà; thu gom và xử lý đúng quy trình, đảm bảo tiết kiệm, hiệu quả.

Để công tác bảo vệ môi trường thực sự đi vào thực tiễn và có hiệu quả, Thọ Xuân xác định nâng cao vai trò lãnh đạo, chỉ đạo của các cấp ủy đảng, chính quyền trong việc đảm bảo vệ sinh môi trường và xây dựng cảnh quan đô thị, nông thôn xanh, sạch đẹp. Đặc biệt, xem đây là nhiệm vụ trọng tâm, thường xuyên để phát triển bền vững.

Ông Trịnh Đức Minh - Giám đốc Công ty CP Xây dựng Đô Thị 5:

Kiểm soát chặt yếu tố môi trường trong hoạt động khai thác đá

anh-4-ong-trinh-duc-minh-giam-doc-do-thi-5.jpg

Trước khi đi vào hoạt động khai thác mỏ đá, các doanh nghiệp được UBND tỉnh Thanh Hóa phê duyệt Báo cáo đánh giá tác động môi trường, thực hiện ký quỹ phục hồi môi trường cho toàn bộ thời hạn khai thác. Trong quá trình thực hiện khai thác, sản xuất, chế biến đá, Công ty chúng tôi luôn đặt công tác bảo vệ môi trường lên hàng đầu, đặc biệt là các vấn đề về khí thải, tiếng ồn đạt quy chuẩn, tiêu chuẩn vệ sinh lao động và xử lý chất thải rắn; chú trọng việc xây lắp các công trình xử lý chất thải theo đúng quy định hiện hành.

Mục tiêu kiểm soát ô nhiễm môi trường nói chung và kiểm soát ô nhiễm môi trường trong lĩnh vực khai thác đá trong phạm vi tỉnh Thanh Hóa nói riêng nhằm đảm bảo phát triển trong yêu cầu không ảnh hưởng đến môi trường sống của người dân.

Thực hiện pháp luật về kiểm soát ô nhiễm môi trường trong hoạt động khai thác đá tại Thanh Hóa trong những năm qua đã góp phần quan trọng trong việc kiểm soát ô nhiễm môi trường toàn tỉnh, bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của các chủ thể liên quan, bảo vệ quyền lợi ích và sức khỏe người dân, góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội ở địa phương.

Ông Lê Trọng Quang - Giám đốc Công ty CP Phân bón Nhật Long:

Lựa chọn phân bón phù hợp để không gây ảnh hưởng đến môi trường

anh-5-ong-le-trong-quang-pb-nhat-long.jpg

Sản xuất phân bón là ngành nghề tương đối đặc thù, phải được nhiều cơ quan chức năng thẩm định, đánh giá kỹ lưỡng, giám sát chặt chẽ các yếu tố tác động đến môi trường. Do đó, mặc dù quá trình sản xuất phân bón phát sinh nước thải công nghiệp rất ít, song Công ty vẫn chú trọng xây dựng hệ thống cống D300 dẫn toàn bộ hệ thống nước thải về 900m3 (3 ngăn), sau đó tuần hoàn, tái sử dụng lại trong quá trình sản xuất, tưới cây, rửa đường, xử lý khí thải. Hố lắng được phủ bạt lót đáy chống thấm, định kỳ nạo vét hệ thống đường rãnh thoát nước.

Phân bón là sản phẩm góp phần đáng kể làm tăng năng suất cây trồng, nâng cao chất lượng nông sản, cải tạo đất và bảo vệ môi trường. Song hiện nay, việc sử dụng phân bón của nông dân còn rất nhiều bất cập như chưa lựa chọn phân bón phù hợp với đất đai và cây trồng; nông dân chủ yếu dùng nhiều loại phân bón tan nhanh, kỹ thuật bón không đúng cách, bón phân không cân đối các chất dinh dưỡng... gây ra sự lãng phí rất lớn.

Vì vậy, Công ty chúng tôi đặt mục tiêu sản xuất phân bón phải đáp ứng các yêu cầu tăng năng suất cây trồng, bảo vệ đất, bảo vệ môi trường. Bên cạnh đó, theo tôi, đối với các cơ quan chức năng, cần tuyên truyền cho nông dân hiểu đúng về kỹ thuật sử dụng phân bón, đồng thời, phải làm tốt công tác quản lý hoạt động sản xuất, kinh doanh, tránh tình trạng phân bón giả, phân bón kém chất lượng lưu thông trên thị trường.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Cải thiện chất lượng môi trường để phát triển bền vững
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO