Cải thiện chất lượng không khí từ câu chuyện xóa bếp than tổ ong: Hướng tới một Hà Nội “nói không với than tổ ong”

Tuyết Chinh – Hoàng Ngân| 11/12/2019 14:37

(TN&MT) - “Xóa sổ” bếp than tổ ong là một trong những mục tiêu trọng điểm của TP Hà Nội trong năm 2020. Với mục tiêu như vậy, thành phố đã ban hành một số quy định, chỉ thị và hướng dẫn người dân những giải pháp thay thế.

Bà Lê Thanh Thủy - Trưởng phòng Quản lý dự án và truyền thông, Chi cục BVMT (Sở TN&MT Hà Nội) cho biết, từ năm 2018, Thành phố đã giao Sở TN&MT phối hợp với các đơn vị liên quan triển khai lộ trình xóa bếp than tổ ong trên địa bàn. Đồng thời, tiến hành đánh giá phân tích các loại bếp thân thiện môi trường, loại nhiên liệu sạch; phối hợp với Tổ chức Phát triển Hà Lan, đưa các loại bếp vào đo đạc, đánh giá hiệu quả về mặt chi phí nhiên liệu, phát sinh về môi trường để đưa ra những con số cụ thể cho người dân...

Để thực hiện, Sở TN&MT lựa chọn Hoàn Kiếm là một trong hai quận tổ chức thí điểm mô hình tuyên truyền tác hại của bếp than tổ ong, đồng thời giới thiệu các mẫu bếp mới thân thiện với môi trường.

Các bạn nhỏ chăm sóc những chậy cây từ bếp than tổ ong

Giảm 65,5% số bếp than tổ ong

Trao đổi với phóng viên Báo Tài nguyên và Môi trường, bà Trần Thị Minh Phương – Phó phòng Tài nguyên Môi trường quận Hoàn Kiếm cho biết, qua điều tra, ở thời điểm bắt đầu thí điểm xóa bếp than tổ ong (năm 2018), trên địa bàn quận có 2525 bếp. Triển khai kế hoạch, quận đã chọn 4 phường đầu tiên thí điểm gồm Trần Hưng Đạo, Hàng Trống, Chương Dương, Phúc Tân, sau đó nhận rộng ra cả 18 phường.

UBND quận đã chỉ đạo các phòng ban đơn vị phối hợp với UBND 18 phường tổ chức tuyên truyền tác hại của bếp than tổ ong, lộ trình của UBND Thành phố tại các hội nghị của quận, phường, các cuộc họp khu dân cư, tổ dân phố, vận động các hộ dân đang sử dụng bếp than tổ ong chuyển đổi sang bếp từ, bếp ga, bếp điện,…

“Người dân được mượn bếp dùng thử để trải nghiệm bếp trước khi mua, đồng thời được hưởng mức giá ưu đãi thấp hơn giá thị trường trong khoảng 30 - 40%”, bà Phương nói.

Bếp than tổ ong “biến hóa” thành những chậu hoa xinh xắn nhiều màu sắc

Bên cạnh đó, UBND quận cũng tổ chức các hoạt động truyền thông, ngày hội đổi bếp và thăm khác sức khỏe cho hàng trăm hộ dân đang sử dụng bếp than tổ ong. Các bếp than thu hồi đã được học sinh và thầy, cô giáo thuộc các trường học trên địa bàn quận cải tạo thành những chậu hoa xinh xắn.

Theo Trưởng phòng TN&MT quận Hoàn Kiếm, thông qua các buổi tuyên tuyền, người dân đã hiểu được tác hại của việc sử dụng bếp than tổ ong gây ô nhiễm không khí, ảnh hưởng đến sức khỏe con người. Đến nay, số bếp trên địa bàn quận đã giảm được 1654 bếp, đạt tỷ lệ 65,5%.

“Bao giờ cấm mới bỏ”

Số liệu thống kê của Phòng TN&MT quận Hoàn Kiếm cho thấy, 60% hộ dân trên địa bàn hưởng ứng việc xóa bếp than tổ ong, số còn lại là trường hợp khó. Bởi lẽ, người dân có thói quen tiết kiệm. Chẳng hạn như, ở phường Hàng Gai hiện chỉ còn 6 bếp nhưng lần nào đến tuyên truyền, vận động người ta cũng nói “nhà tôi thỉnh thoảng mới dùng khi nhà có cỗ bàn”.

Theo bà Phương, cũng có những hộ gia đình nhất quyết “bao giờ cấm thì chúng tôi mới thôi không sử dụng nữa”. Hoặc với một số hộ kinh doanh nhỏ lẻ như ở phường Phúc Tân và phường Đồng Xuân, các hộ quán nước vỉa hè… thực sự khó khăn không có kinh phí để đổi sang dùng loại bếp khác.

"Quận Hoàn Kiếm đã tạo ra nhóm trực tuyến bằng zalo trên điện thoại với sự điều hành trực tiếp của Phó Chủ tịch UBND Quận. Hàng tháng, Quận tiến hành điều tra, đánh giá lại hiện trạng sử dụng bếp than tổ ong trên địa bàn; từ đó  đưa ra khen thưởng, kỷ luật đối với những phường đang thực hiện tốt hoặc chưa tốt trong mô hình này"

Chia sẻ tại buổi tuyên truyền giáo dục bảo vệ môi trường “Bếp than khó thở” tại phường Cửa Nam (quận Hoàn Kiếm), cuối tháng 11 vừa qua, bà Nguyễn Thị Quế, đại diện một hộ dùng bếp than tổ ong lâu năm chia sẻ, biết được thông tin về dự án thí điểm xóa sổ bếp than tổ ong, gia đình bà hoàn toàn ủng hộ bởi đây là mục tiêu chung của cả thành phố và cộng đồng vì môi trường.

“Tuy nhiên, những người kinh doanh có mức thu nhập thấp như chúng tôi lại phải dùng bếp than để tiết kiệm. Vì vậy, tôi mong thành phố có phương án hỗ trợ người kinh doanh nhỏ trong việc chuyển đổi sử dụng các loại bếp khác để vừa an toàn, nhưng cũng đảm bảo tính hiệu quả kinh tế”, bà Quế kiến nghị.

Các hội nghị tuyên truyền về "xóa bếp than tổ ong" thu hút sự tham gia của đông đảo người dân quận Hoàn Kiếm

Hiện thực hóa mục tiêu

Ngày 30/10/2019, UBND ban hành Chỉ thị số 15/CT-UBND về việc thay thế và loại bỏ toàn bộ việc sử dụng than tổ ong làm nhiên liệu trong sinh hoạt, kinh doanh dịch vụ nhằm giảm thiểu tác động tiêu cực đến môi trường trên địa bàn thành phố.

Với quyết tâm cao độ hoàn thành mục tiêu, UBND quận Hoàn Kiếm đã ban hành Kế hoạch 208/KH-UBND ngày 22/11/2019 để xây dựng kế hoạch thực hiện. Trong đó, xác định cụ thể lộ trình, giải pháp quản lý, chính sách hỗ trợ (đối với hộ nghèo, gia đình chính sách) để đảm bảo đến ngày 31/12/2020, trên địa bàn quận không còn sử dụng than tổ ong làm nhiên liệu phục vụ sinh hoạt.

Chủ tịch UBND 18 phường trên địa bàn quận Hoàn Kiếm chịu trách nhiệm trước UBND quận trong việc chỉ đạo để đảm bảo từ ngày 1/1/2021 không còn việc sử dụng than tổ ong.

"Liên quan đến việc áp dụng Nghị định 155/2016/NĐ-CP ngày 18/11/2016 của Chính phủ trong việc xử phạt vi phạm hành chính đối với các hành vi gây ô nhiễm môi trường do sử dụng than tổ ong làm nhiên liệu từ ngày 1/1/2021, quận đề xuất Thành phố có hướng dẫn cụ thể. Bởi vì theo Nghị định 155, việc xử phạt phải trên cơ sở đo nồng độ không khí có phù hợp quy chuẩn hay không. Trong khi đó, việc đo nồng độ không khí phải do cơ quan có thẩm quyền thực hiện chứ Phòng TN&MT không có quyền hạn, giấy phép phải được Bộ TN&MT cấp", Trần Thị Minh Phương – Phó phòng TN&MT quận Hoàn Kiếm

* Bài 3: Cần quyết tâm chính trị

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Cải thiện chất lượng không khí từ câu chuyện xóa bếp than tổ ong: Hướng tới một Hà Nội “nói không với than tổ ong”
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO