Các tỉnh miền Tây chủ động phòng, chống lũ

03/08/2018 08:18

(TN&MT) - Những ngày qua, do tác động của sự cố vở đập thủy điện Nam Lào kết hợp với lũ đầu nguồn sông Mê Kông đang lên nên mực nước trên các sông, rạch khu vực đồng bằng sông Cửu Long tăng cao. Trước tình hình trên, chính quyền địa phương các tỉnh Tây Nam bộ đã tập trung chỉ đạo phòng, chống nhằm đảm bảo an toàn cho sản xuất và đời sống của nhân dân.

lut1
Gia cố các đê bao thấp tại huyện Tân Hưng (Long An)
 

Chi cục trưởng Chi cục Thủy lợi tỉnh Long An Võ Kim Thuần cho biết: “Từ trung tuần tháng 7/2018 đến nay, mực nước lũ đổ về mạnh với cường suất bình quân từ 3 - 5cm/ ngày/ đêm, kết hợp với triều cường đã làm khoảng 500 ha lúa Hè Thu ở huyện Tân Hưng bị ngập nước buộc phải thu hoạch sớm. Ngoài diện tích đã thu hoạch, trên địa bàn huyện còn hơn 200 ha lúa đang được nông dân tập trung gia cố bờ bao để bảo vệ vì nước lũ chỉ còn 0,1 mét sẽ tràn đê. Hiện, các huyện vùng thượng nguồn của tỉnh là Tân Hưng và Vĩnh Hưng có khoảng 9.500 ha lúa sắp đến ngày thu hoạch đang bị nước lũ đe dọa”.

Cũng theo ông Võ Kim Thuần, để chủ động phòng, chống, ứng phó và giảm thiểu thiệt hại do lũ sớm; UBND tỉnh Long An đã chỉ đạo Ban Chỉ huy Phòng chống thiên tai và Tìm kiếm cứu nạn các huyện Tân Hưng, Vĩnh Hưng, Mộc Hoá, Tân Thạnh, Thạnh Hóa và thị xã Kiến Tường khuyến khích người dân chủ động thu hoạch lúa Hè Thu, nhất là các khu vực trũng thấp không có đê bao, bờ bao bảo vệ an toàn; tiến hành rà soát các diện tích sản xuất lúa Hè Thu và Thu Đông năm 2018.

Đồng thời, lập kế hoạch kiểm tra, rà soát các tuyến đê bao lửng chưa khép kín và triển khai thi công, gia cố cấp bách các tuyến đê bao lửng để bảo vệ an toàn cho sản xuất nông nghiệp và dân sinh; rà soát gia cố đê bao theo đúng quy hoạch, gia cố sớm để có thời gian ổn định mới tôn cao nhiều lần; vận động người dân không gieo sạ tại những vùng trũng thấp, không có đê bao bảo vệ an toàn, để tránh bị thiệt hại do lũ.

lut2
Nông dân dùng máy bơm nước để cứu vụ lúa Hè Thu
 

Trong khi đó, tại Tiền Giang, ông Nguyễn Thiện Pháp - Chi cục trưởng Chi cục Thủy lợi và Phòng chống lụt bão cho biết: Thông thường, lũ sẽ tác động đến tỉnh Tiền Giang khoảng cuối tháng 9, đầu tháng 10. Hiện trên địa bàn tỉnh, nguồn nước có tăng nhẹ nhưng chưa ảnh hưởng gì do triều cường và mưa, lũ. Song, tỉnh Tiền Giang cũng đã có văn bản đề nghị các huyện thường xuyên theo dõi thông tin khí tượng thủy văn, nắm lại diện tích lúa trải vụ thu hoạch sau thời điểm 15/9.

Bên cạnh đó, để bảo bảo an toàn cho sản xuất nông nghiệp, giảm thiệt hại do lũ nội đồng lên cao, Sở NN&PTNT Tiền Giang yêu cầu UBND các huyện, thị ở phía Tây tập trung triển khai thực hiện các giải pháp ứng phó với tình trạng ngập lũ; đặc biệt cho các diện tích lúa Hè Thu ngoài đê bao và đê bao chưa hoàn chỉnh; tăng cường rà soát, kiểm tra hệ thống đê bao, bờ bao vùng có nguy cơ bị ngập lũ.

Mặt khác, gia cố, tôn cao các đoạn đê, bờ bao thấp, yếu có nguy cơ xảy ra tràn, vỡ, sạt lở ở các vùng có nguy cơ ngập lũ; xây dựng kế hoạch ứng phó, bảo vệ tốt vườn cây ăn trái và vùng lúa nơi trũng thấp; đẩy nhanh tiến độ thi công xử lý các điểm sạt lở đã được phê duyệt nhằm đảm bảo ngăn được lũ và triều cường; chủ động thực hiện các giải pháp ứng phó, phù hợp với tình hình của địa phương.

lut3
Nước trên các sông, rạch ở Bến Tre đang tăng nhẹ
 

Còn tại Bến Tre, theo Giám đốc Sở NN&PTNT Bùi Văn Lâm, để đảm bảo an toàn cho sản xuất, đời sống của nhân dân, hạn chế thiệt hại do tác động của triều cường, sạt lở...; Ban Chỉ huy Phòng, chống thiên tai và Tìm kiếm cứu nạn tỉnh đã đề nghị UBND các huyện và thành phố, Công ty Khai thác Công trình thủy lợi kiểm tra, rà soát, cập nhật các phương án phòng tránh, ứng phó với từng loại hình thiên tai theo phương châm “4 tại chỗ”; chủ động ứng phó với mọi tình huống, lưu ý nhất là các đợt triều cường kết hợp với lũ thượng nguồn đổ về.

Cùng với đó, chỉ đạo lực lượng xung kích của địa phương phối hợp với các đơn vị quản lý đê điều, công trình thủy lợi tăng cường công tác kiểm tra, gia cố, khắc phục ngay những nơi xảy ra hư hỏng; đặc biệt là các công trình trọng yếu như: đê bao các cồn, đê bao vườn cây ăn trái, đê bao nuôi thủy sản…; hướng dẫn người dân ở các khu vực ngoài đê bao có phương án chủ động ứng phó với lũ và triều cường dâng cao.

Các cấp, các ngành, các địa phương của tỉnh Bến Tre tăng cường công tác kiểm tra, rà soát các khu vực dân cư đang sinh sống ven biển, ven sông, kênh, rạc; đặc biệt, những khu vực đang có diễn biến sạt lở và có nguy cơ sạt lở; có kế hoạch sơ tán, di dời nhân dân ra khỏi vùng nguy hiểm, đảm bảo an toàn cho người và tài sản; theo dõi chặt chẽ diễn biến, tình hình thiên tai thông tin kịp thời đến người dân để chủ động phòng tránh.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Các tỉnh miền Tây chủ động phòng, chống lũ
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO