Môi trường

Các sản phẩm điện – điện tử buộc phải tái chế từ ngày 1/1/2025

Phạm Oanh 07/08/2024 - 15:51

(TN&MT) - Thực hiện quy định trách nhiệm mở rộng của nhà sản xuất, nhập khẩu (EPR) trong Luật Bảo vệ môi trường thì các nhà sản xuất, nhập khẩu các mặt hàng điện – điện tử phải thực hiện trách nhiệm tái chế từ ngày 1/1/2025.

Đối tượng thực hiện

Điều 77 và Phụ lục XXII Nghị định số 08/2022/NĐ-CP quy định chi tiết một số điều của Luật Bảo vệ môi trường, nhà sản xuất, nhập khẩu các sản phẩm sau đây phải thực hiện trách nhiệm tái chế: tủ lạnh, tủ đông, thiết bị tự động cung cấp sản phẩm đông lạnh, máy bán hàng tự động; điều hoà không khí cố định, di động; máy tính bảng, máy tính xách tay (laptop, notebook);

Ti vi và màn hình máy tính, các loại màn hình khác; bóng đèn compact; bóng đèn huỳnh quang; bếp điện, bếp từ, bếp hồng ngoại, lò nướng, lò vi sóng; máy giặt, máy sấy; máy ảnh (kể cả đèn flash), máy quay phim; thiết bị âm thanh (loa, amply); máy tính để bàn; máy in, photocopy; điện thoại di động; tấm quang năng.

thiet-bi-dienj-tu.jpg
Ảnh minh họa

Các nhà sản xuất, nhập khẩu các sản phẩm trên sẽ không không phải thực hiện trách nhiệm tái chế nếu thuộc một trong những trường hợp sau: Sản xuất sản phẩm để xuất khẩu; Tạm nhập, tái xuất sản phẩm; Sản xuất, nhập khẩu cho mục đích nghiên cứu, học tập, thử nghiệm (không vì mục đích thương mại).

Tỷ lệ và quy cách tái chế bắt buộc

Nhà sản xuất và nhập khẩu các mặt hàng điện – điện tử phải tuân thủ tỷ lệ và quy cách tái chế bắt buộc.

Trong đó, tỷ lệ tái chế bắt buộc là tỷ lệ khối lượng sản phẩm tối thiểu phải được tái chế theo quy cách tái chế bắt buộc trên tổng khối lượng sản phẩm sản xuất được đưa ra thị trường và nhập khẩu trong năm thực hiện trách nhiệm.

Còn quy cách tái chế bắt buộc là các giải pháp tái chế được lựa chọn kèm theo yêu cầu tối thiểu về lượng vật liệu, nhiên liệu được thu hồi đối với tái chế sản phẩm.

Cụ thể, đối với tủ lạnh, tủ đông, thiết bị tự động cung cấp sản phẩm đông lạnh, máy bán hàng tự động, điều hòa không khí cố định, di động tỷ lệ tái chế bắt buộc là 5% cho 3 năm đầu tiên.

Và, giải pháp tái chế được lựa chọn có thể là: Thu hồi và tái sử dụng linh kiện, phụ kiện bảo đảm tiêu chuẩn kỹ thuật của nhà sản xuất; Sản xuất thanh, phôi kim loại là nguyên liệu cho các ngành công nghiệp; Sản xuất hạt nhựa tái sinh hoặc các sản phẩm phụ từ nhựa như hóa chất thương phẩm, dầu nặng, khí tổng hợp làm nguyên, nhiên liệu sản xuất cho các ngành công nghiệp; Sản xuất các sản phẩm tái chế khác.

Đối với máy tính bảng, máy tính xách tay (laptop, notebook), tỷ lệ tái chế là 9% và giải pháp tái chế được lựa chọn có thể là: Thu hồi, tái sử dụng linh kiện, phụ kiện bảo đảo tiêu chuẩn của nhà sản xuất; Sản xuất thanh, phôi kim loại làm nguyên liệu cho các ngành công nghiệp; Sản xuất hạt nhựa tái sinh hoặc các sản phẩm phụ từ nhựa như hóa chất thương phẩm, dầu nặng, khí tổng hợp; Sản xuất thủy tinh dưới dạng hạt có kích thước < 5mm làm nguyên, nhiên liệu sản xuất cho các ngành công nghiệp; Sản xuất các sản phẩm tái chế khác.

Với ti vi và màn hình máy tính, các loại màn hình khác tỷ lệ này là 7%.

Với bóng đèn compact, bóng đèn huỳnh quang tỷ lệ tái chế là 8% và giải pháp tái chế được lựa chọn có thể là: Sản xuất, chế biến bột, hạt thủy tinh/cullet (kích thước <5mm) làm nguyên liệu sản xuất cho các ngành công nghiệp; Sản xuất thanh, phôi kim loại làm nguyên liệu sản xuất cho các ngành công nghiệp; Sản xuất các sản phẩm tái chế khác.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Các sản phẩm điện – điện tử buộc phải tái chế từ ngày 1/1/2025
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO