Thế giới

Các quốc gia đang phát triển ở đảo nhỏ: Tăng cường khả năng phục hồi, hành động về khí hậu

Mai Đan 24/05/2024 - 17:21

(TN&MT) - Các nhà lãnh đạo từ các quốc gia đang phát triển ở đảo nhỏ trên toàn thế giới sẽ tập trung tại quốc đảo Antigua và Barbuda ở Caribe vào cuối tuần này để đưa ra một kế hoạch hành động mới táo bạo nhằm xây dựng khả năng phục hồi trên con đường hướng tới các Mục tiêu Phát triển Bền vững (SDG) vào năm 2030.

Hội nghị quốc tế lần thứ tư về các quốc gia đang phát triển ở đảo nhỏ (SIDS4), diễn ra từ ngày 27-30/5, sẽ quy tụ các chính phủ, Liên hợp quốc, xã hội dân sự, khu vực tư nhân và tiếng nói của giới trẻ hàng đầu để biến những ý tưởng mới thành hành động, đưa ra những cam kết hỗ trợ mới và thảo luận về những thách thức chính đối với nhóm các quốc gia dễ bị tổn thương trong tương lai.

Sự sống đang bị đe dọa

Tại Hội nghị Liên hợp quốc về Môi trường và Phát triển năm 1992, có 39 quốc gia đang phát triển đảo nhỏ (SIDS), từ nơi tổ chức hội nghị Antigua và Barbuda đến Vanuatu ở Nam Thái Bình Dương, được công nhận là trường hợp đặc biệt cần được hỗ trợ.

Những nước này nằm ở một số khu vực dễ bị thiên tai nhất trên thế giới, dễ bị ảnh hưởng nặng nề trước mực nước biển dâng, những cú sốc khí hậu và thiên tai. SIDS có thị trường nội địa nhỏ và dễ bị tổn thương trước những cú sốc và suy thoái kinh tế. Những thách thức khác bao gồm tăng trưởng dân số nhanh chóng gây áp lực lên các dịch vụ cơ bản và khả năng tìm kiếm việc làm, trong khi họ thực sự đang ở tuyến đầu của biến đổi khí hậu và dễ bị tổn hại về môi trường.

image1170x530cropped-17-.jpg
Cộng đồng đảo Nui vẫy tay chào tạm biệt Thủ tướng Tuvalu sau chuyến thăm của ông đến khu vực bị bão Pam tàn phá. Ảnh: UNDP

Nhiều SIDS thiếu khả năng phục hồi đủ để ứng phó với thiên tai ngày càng gia tăng, điều mà người dân Antigua và Barbuda đều biết rõ khi các cơn bão Irma và Maria đổ bộ khắp vùng Caribe vào năm 2017 đã gây ra tác động tàn khốc.

Trả lời phỏng vấn UN News, Thủ tướng Antigua và Barbuda, ông Gaston Browne cho biết đây là một trong những cú sốc bên ngoài tồi tệ nhất làm suy giảm nền kinh tế của đất nước theo đúng nghĩa đen và làm hư hại cơ sở hạ tầng, các tòa nhà, nhà cửa. Ông cho rằng sự hợp tác toàn cầu nhằm giảm thiểu hiện tượng nóng lên toàn cầu là điều cần thiết nếu các Quốc đảo nhỏ muốn tồn tại trong những thập kỷ tới.

Những thách thức chung khác bao gồm chi phí xuất nhập khẩu cao, tài nguyên thiên nhiên hạn chế, mật độ dân số cao hơn đáng kể so với mức trung bình toàn cầu, nợ cao và khả năng tiếp cận vốn vay chi phí thấp bị hạn chế.

Đổi mới cam kết tăng cường khả năng phục hồi

Vào năm 2014, SIDS đã họp và thống nhất về Lộ trình hành động SAMOA, mở rộng nhiệm vụ của Văn phòng Đại diện cấp cao của Liên hợp quốc cho các quốc gia kém phát triển, các quốc gia đang phát triển không giáp biển và các quốc gia đang phát triển ở đảo nhỏ (UN-OHRLLS), vì lợi ích của các nước đang phát triển không giáp biển và các quốc gia kém phát triển nhất, bao gồm các Quốc đảo nhỏ.

Trao đổi với UN News trước SIDS4, Phó Tổng thư ký Liên hợp quốc và Đại diện cấp cao của UN-OHRLLS, bà Rabab Fatima cho rằng hội nghị sẽ đưa ra một kế hoạch hành động mới táo bạo nhằm xây dựng khả năng phục hồi của 39 quốc đảo nhỏ trong việc giải quyết những thách thức cấp bách nhất của thế giới và đạt được các SDG.

image1170x530cropped-18-.jpg
Tại Saint Vincent và Grenadines, bà Viola Samuel có thể trồng rau ở sân sau nhà mình nhờ chương trình đào tạo của Chính phủ do WFP hỗ trợ. Ảnh: WFP

Bà nhấn mạnh sự đồng thuận đối với chương trình hành động đã được thống nhất và cho rằng chương trình nghị sự mới này sẽ đặt ra khát vọng phát triển bền vững của các quốc đảo nhỏ trong thập kỷ tới.

Bà Fatima, Cố vấn đặc biệt của hội nghị SIDS4 cho biết: “Chúng ta tham dự hội nghị để đổi mới cam kết tăng cường khả năng phục hồi và thúc đẩy sự thịnh vượng chung”.

“Tất cả cùng phải chung tay. Vì vậy, các tổ chức phi chính phủ, xã hội dân sự, chính phủ và khu vực tư nhân, tất cả đều có vai trò quan trọng”, bà Fatima nhấn mạnh.

Bà cho biết chiến lược mới sẽ giúp xây dựng khả năng phục hồi, tăng cường hành động về khí hậu, giảm thiểu rủi ro thiên tai, xây dựng xã hội an toàn và lành mạnh, thúc đẩy khoa học, công nghệ, đổi mới và số hóa, tăng cường sự thịnh vượng, việc làm, bình đẳng và toàn diện cũng như thúc đẩy quan hệ đối tác. Để làm được điều này, cần có sự hỗ trợ nhiều hơn từ cộng đồng quốc tế ở Antigua và hơn thế nữa.

Chống biến đổi khí hậu ở tuyến đầu

Tuy nhiên, với nguồn lực hạn chế và khả năng dễ bị tổn thương cao hơn, làm thế nào SIDS có thể suy tính lâu dài khi việc chuyển đổi sang năng lượng tái tạo từ nhiên liệu hóa thạch chẳng hạn, có thể không mang lại lợi ích ngắn hạn cho họ?

Bà Fatima cho biết các quốc đảo đã đi đầu trong việc đặt ra các mục tiêu đầy tham vọng để thực hiện quá trình chuyển đổi đó. Nhiều quốc đảo đã đưa ra lộ trình hướng tới đáp ứng 100% sản xuất năng lượng từ các nguồn tài nguyên tái tạo vào năm 2030, bao gồm Quần đảo Solomon, Vanuatu, Antigua và Barbuda.

image1170x530cropped-19-.jpg
Người phụ nữ thu hoạch muối trong rừng ngập mặn ở Timor-Leste. Ảnh: UNDP

Ở Thái Bình Dương, các quốc gia như Fiji, Samoa, Tonga và Liên bang Micronesia đã đầu tư lớn vào các dự án năng lượng mặt trời, gió và thủy điện với sự hỗ trợ từ các tổ chức tài chính, bao gồm Ngân hàng Phát triển Châu Á.

Các đảo Caribe Jamaica và Grenada đã có sự phát triển về các trang trại năng lượng mặt trời, gió trên mái nhà và các dự án năng lượng tái tạo khác.

Vì vậy, quan chức hàng đầu của Liên hợp quốc về phát triển quốc đảo nhỏ cũng mong muốn thấy được những kết quả tích cực từ Antigua và Barbuda.

Bà Fatima cho biết: “Ngoài việc thúc đẩy hơn nữa chương trình nghị sự toàn cầu về phát triển bền vững, hy vọng hội nghị SIDS4 sẽ đóng vai trò là chất xúc tác cho những thay đổi tốt đẹp, dẫn đến sự thay đổi đáng chú ý trong cuộc sống của những người sống tại các quốc đảo nhỏ đang phát triển”.

image1170x530cropped-20-.jpg
Công nhân đang bảo trì các tấm pin mặt trời tại một trang trại quang điện ở Mauritius. Ảnh: UNDP

Bà kêu gọi các kế hoạch hành động cụ thể để giải quyết các vấn đề cấp bách mà SIDS phải đối mặt và tăng cường quan hệ đối tác giữa các tổ chức quốc tế, đối tác phát triển, xã hội dân sự và SIDS.

Các cam kết chính sách cũng nằm trong danh sách mong muốn của các quốc gia và tổ chức khác tham gia giúp SIDS đạt được SDG 2030, mong rằng các cam kết sẽ cung cấp kinh phí, hỗ trợ kỹ thuật và xây dựng năng lực.

Bà Fatima hy vọng, SIDS sẽ được trao quyền để chịu trách nhiệm về các kế hoạch phát triển riêng và được cung cấp các công cụ cũng như hỗ trợ cần thiết để thực hiện các kế hoạch bền vững.

“Việc đánh giá sự thành công của SIDS4 sẽ dựa trên khả năng thúc đẩy hành động quan trọng, thu thập nguồn lực và thúc đẩy sự thay đổi mang tính xây dựng vì lợi ích của người dân sống ở các quốc đảo nhỏ đang phát triển”, bà Fatima khẳng định.

Theo Tổng hợp từ UN News
Copy Link
(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Các quốc gia đang phát triển ở đảo nhỏ: Tăng cường khả năng phục hồi, hành động về khí hậu
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO