Thế giới

Các nước Đông Nam Á tìm đến Hà Lan để tìm giải pháp ứng phó lũ lụt

Mai Đan 07/08/2024 - 16:15

(TN&MT) - CNA vừa đưa tin, một số quốc gia Đông Nam Á đang tìm đến Hà Lan để tìm giải pháp ứng phó với tình trạng thủy triều dâng cao và lũ lụt do biến đổi khí hậu. Người Hà Lan, vốn có hàng chục năm kinh nghiệm trong quản lý nước, hy vọng sẽ giúp giảm hàng tỷ USD chi phí cho các hệ thống thảm họa lũ lụt và thiệt hại mà người dân phải gánh chịu.

Theo các nhà quan sát, các thử nghiệm của Hà Lan về các tòa nhà nổi và biện pháp bảo vệ bờ biển có thể giúp định hướng cho nỗ lực chống lại tình trạng thủy triều dâng cao của Đông Nam Á.

Rào chắn bão Maeslant - sáng kiến trong hệ thống phòng chống lũ của Hà Lan

Trong số những sáng kiến được sử dụng ở Hà Lan là rào chắn bão Maeslant nằm gần cảng Rotterdam, nơi đã bảo vệ bờ biển phía Nam đất nước trong hơn 25 năm. Rào chắn hoàn toàn tự động này sẽ tự động đóng lại khi mực nước biển dâng cao trên 1,5m, bảo vệ đất nước có 40% diện tích nằm dưới mực nước biển.

Năm 1991, chính phủ Hà Lan đã phải chi gần 500 triệu euro (540 triệu USD) để xây dựng rào chắn bão và thêm 10 triệu euro mỗi năm để bảo trì kết cấu này. Rào chắn này là một phần trong hệ thống phòng chống lũ lụt khổng lồ của Hà Lan nhằm bảo vệ vùng đồng bằng trũng thấp, nơi tập trung hầu hết dân số và hoạt động kinh tế của đất nước.

maxresdefault-1-.jpg
Các thử nghiệm của Hà Lan về các tòa nhà nổi và biện pháp bảo vệ bờ biển có thể giúp định hướng cho nỗ lực chống lại tình trạng thủy triều dâng cao của Đông Nam Á

Rào chắn bão tương tự duy nhất khác trên thế giới nằm ở thành phố Saint Petersburg của Nga.

Ông Peter Persoon, nhân viên thông tin kỹ thuật tại Trung tâm Nước công cộng Keringhuis cho biết: "Mối lo ngại lớn nhất là Hà Lan hiện có 40% diện tích có nguy cơ bị ngập lụt. Các biện pháp chuẩn bị đã giúp Hà Lan có thể chống chọi với lũ lụt cao nhất là 5 m so với mực nước biển bình thường. Khi mực nước biển dâng cao, chúng tôi phải điều chỉnh hệ thống. Hiện tại thì ổn, nhưng chúng ta phải hướng đến tương lai. Chúng tôi đã lên kế hoạch cho năm 2100”.

Mặc dù có mạng lưới đê và đập rộng lớn cũng như các cồn cát dọc theo bờ biển, hệ thống phòng chống lũ lụt của Hà Lan sẽ không thể chống chọi được thủy triều nếu mực nước biển tiếp tục dâng cao. Ông Peter Persoon cho biết thêm: "Ngay cả ở đất nước nhỏ bé của chúng tôi, chúng tôi cũng phải điều chỉnh 2.000 km đê, đập và cồn cát cho tương lai”.

Cần nâng cao nhận thức và tăng cường hợp tác khu vực

Để giải quyết tình trạng lũ lụt do mực nước biển dâng không thể tránh khỏi, các nhà nghiên cứu đang kêu gọi các quốc gia hành động. Đặc biệt, Đông Nam Á đang có nguy cơ nghiêm trọng mất đi cơ sở hạ tầng và các khu định cư ven biển trũng thấp.

Ông Tjitte Nauta, Giám đốc khu vực châu Á và châu Đại Dương tại Viện Kiến thức ứng dụng Deltares của Hà Lan cho biết: "Mọi người nghĩ rằng họ còn nhiều thời gian để ứng phó với biến đổi khí hậu và mực nước biển dâng, nhưng đây là thời điểm để nghiên cứu và đưa ra quyết định đúng đắn. Tôi khuyến khích ASEAN thực sự hướng tới việc nâng cao nhận thức hơn nữa, đồng thời tăng cường hợp tác trong khu vực. Họ có thể học hỏi lẫn nhau, chúng ta cũng có thể học hỏi từ họ”.

Tại Đông Nam Á, Thái Lan, Lào, Việt Nam, Indonesia và Malaysia là những điểm nóng dễ xảy ra lũ lụt và xói mòn bờ biển.

"Toàn bộ thành phố Bangkok (Thái Lan) cực kỳ dễ bị tổn thương. Nếu mực nước biển dâng tương đối 2m, khoảng 28% dân số Thái Lan và 52% GDP sẽ bị ảnh hưởng. Vì vậy, đối với quốc gia này, việc xây dựng một kế hoạch dài hạn là điều rất rõ ràng cho dù họ có đưa ra quyết định bảo vệ thành phố hay di dời thành phố hay bất cứ điều gì, nhưng một nghiên cứu phải được tiến hành”, Giám đốc Nauta nhấn mạnh.

Còn tại Indonesia, mực nước biển dâng cao có tác động đến các vùng đất than bùn trũng rộng lớn được sử dụng để sản xuất dầu cọ. Tương tự như vậy ở Việt Nam, nơi sản lượng nông nghiệp đóng vai trò quan trọng ở Đồng bằng sông Cửu Long và sông Hồng, mực nước biển dâng cao 2m sẽ có tác động tàn phá đối với người dân.

Trong khi đó, theo dữ liệu vệ tinh, các vùng ven biển của Malaysia cũng sẽ không nằm ngoại lệ. Deltares gần đây đã thiết lập một nền tảng trực tuyến và mời các nhà ngoại giao trẻ từ ASEAN chia sẻ quan điểm của họ về việc ứng phó với biến đổi khí hậu.

Deltares đã nêu rõ những vấn đề đang gây khó khăn cho một số quốc gia Đông Nam Á, bao gồm việc thiếu kinh phí và dữ liệu đáng tin cậy cho các hệ thống cảnh báo sớm, cũng như sự khác biệt trong các ưu tiên quốc gia. Theo bà Josien Grashof, cố vấn về khả năng phục hồi và lập kế hoạch tại Deltares, điều rất quan trọng là phải xem xét những gì các quốc gia cần làm và hướng tới các ưu tiên cao nhất của họ.

Theo Tổng hợp từ CNA
Copy Link
(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Các nước Đông Nam Á tìm đến Hà Lan để tìm giải pháp ứng phó lũ lụt
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO