Hội nghị thượng đỉnh COP27 diễn ra sau một năm xảy ra nhiều thảm họa thiên nhiên, từ lũ lụt khiến hơn 1.700 người thiệt mạng ở Pakistan đến hạn hán làm khô héo cây trồng ở Trung Quốc, châu Phi và miền Tây nước Mỹ. Điều đó đã khiến các nước đang phát triển thúc giục yêu cầu về một quỹ tài trợ cho "Tổn thất và Thiệt hại" đặc biệt. Tuy nhiên, với việc các quốc gia giàu có từ chối những lời kêu gọi như vậy, vấn đề đã bị đình trệ trong nhiều năm.
"Tổn thất và Thiệt hại” là gì?
Trong các cuộc thảo luận về khí hậu của Liên Hợp Quốc, cụm từ "Tổn thất và Thiệt hại" đề cập đến các chi phí đã phải gánh chịu do các tác động của hiện tượng thời tiết khắc nghiệt, như mực nước biển dâng cao.
Cho đến nay, nguồn tài trợ khí hậu tập trung vào việc cắt giảm lượng khí thải carbon dioxide nhằm hạn chế biến đổi khí hậu, khoảng 1/3 trong số đó, dành cho các dự án giúp cộng đồng thích ứng với các tác động của biến đổi khí hậu trong tương lai.
Tài trợ cho tổn thất và thiệt hại sẽ khác nhau trong việc bù đắp chi phí mà các quốc gia không thể tránh hoặc không thể thích nghi. Tuy vậy, vẫn chưa có thỏa thuận về những gì nên được cho là "tổn thất và thiệt hại" trong các thảm họa khí hậu - có thể bao gồm cơ sở hạ tầng và tài sản bị hư hỏng, cũng như các hệ sinh thái tự nhiên khó định giá hơn...
Theo một báo cáo của 55 quốc gia dễ bị tổn thương vào tháng 6/2022, tổng thiệt hại của các nước này liên quan đến khí hậu trong 2 thập kỷ qua khoảng 525 tỷ USD, tương đương khoảng 20% tổng GDP của họ. Một số nghiên cứu cho rằng, đến năm 2030, thiệt hại đó có thể lên tới 580 tỷ USD mỗi năm.
Các nước dễ bị tổn thương và các nhà vận động cho rằng, các quốc gia giàu có đã gây ra phần lớn lượng khí thải, gây biến đổi khí hậu và họ phải trả giá vì điều này.
Nếu các quốc gia nhất trí thành lập một quỹ, họ sẽ cần phải xác định nguồn tiền sẽ đến từ đâu, số tiền các quốc gia giàu có nên trả và những quốc gia hoặc thảm họa nào đủ điều kiện để được bồi thường.
Chỉ có một số chính phủ đưa ra các cam kết tài trợ nhỏ, mang tính biểu tượng cho những mất mát và thiệt hại, bao gồm Đan Mạch, Scotland và vùng Wallonia của Bỉ. Một số tài trợ của Liên Hợp Quốc và ngân hàng phát triển cũng đang giúp các quốc gia đối mặt với tổn thất và thiệt hại.
Nhiều đề xuất khác nhau về quỹ hỗ trợ tổn thất và thiệt hại
Các nước đang phát triển đã đề xuất đưa những tổn thất và thiệt hại vào chương trình Nghị sự của COP27, chương trình này phải được thông qua trước khi tiến hành các cuộc đàm phán.
Thất vọng trước những khó khăn và chậm trễ trong việc đảm bảo tài chính cho khí hậu, các nền kinh tế đang phát triển và mới nổi hiện đã thống nhất yêu cầu thành lập một quỹ hỗ trợ tổn thất và thiệt hại tại COP27.
Các quốc gia đã đưa ra các đề xuất khác nhau về hình thức quỹ. Ngay cả khi COP27 mang lại một thỏa thuận thành lập quỹ, vẫn có thể mất vài năm trước khi sẵn sàng xuất quỹ.
Một số nhà ngoại giao đề nghị nên lập quỹ từ việc tập hợp các nguồn tài trợ, thay vì một quỹ Trung ương. Trong khi đó, Liên minh các quốc đảo nhỏ đề xuất, COP27 thông qua "quỹ ứng phó" do Liên Hợp Quốc thành lập để huy động tài trợ từ nhiều nguồn khác nhau cho các quốc gia bị thiên tai.
EU cũng đề xuất khai thác các quỹ quốc tế hiện có để giải quyết tổn thất và thiệt hại, thay vì thành lập một quỹ mới, nhưng một số chuyên gia cho rằng, các vấn đề như sự chậm trễ kéo dài khiến các quỹ đó không phù hợp để giải quyết tổn thất và thiệt hại.
Tìm kiếm hướng đi mới thay thế cam kết 100 tỷ USD
Cho đến nay, các nước giàu đã không thực hiện được cam kết tài trợ cho các nước đang phát triển mỗi năm 100 tỷ USD cho cuộc chiến với biến đổi khí hậu. Điều này đã khiến một số quốc gia nghi ngờ về cam kết trên và đang tìm kiếm các hướng đi khác.
Nhóm “V20” gồm 58 quốc gia dễ bị tổn thương về khí hậu và nhóm G7 cũng sẽ khởi động “Lá chắn toàn cầu” để tăng cường tài chính bảo vệ và phòng chống thiên tai.
Trong khi đó, các quốc gia dễ bị tổn thương về khí hậu đang tìm kiếm các khoản đóng góp cho một cơ sở tài trợ thí điểm về tổn thất và thiệt hại. Tổng Thư ký Liên Hợp Quốc Antonio Guterres cho rằng, cần đánh thuế lợi tức đối với các công ty nhiên liệu hóa thạch để huy động vốn.
Vanuatu, quốc đảo ở Thái Bình Dương đã yêu cầu Tòa án Công lý Quốc tế (ICJ) đưa ra ý kiến về quyền được bảo vệ khỏi các tác động tiêu cực của khí hậu. Một ý kiến của ICJ có thể mang lại quyền lực đạo đức và trọng lượng pháp lý, tăng cường kêu gọi bồi thường cho các quốc gia nghèo.