Pakistan chịu thiệt hại lớn do biến đổi khí hậu
Hằng năm, những trận mưa lớn thường xảy ra tại Pakistan vào khoảng thời gian diễn ra các đợt gió mùa. Điều này rất quan trọng đối với nông nghiệp và nguồn cung cấp nước ở quốc gia này. Tuy nhiên, năm nay, những trận mưa như trút nước chưa từng thấy trong nhiều thập kỷ qua cùng với các sông băng tan chảy nhanh chóng ở miền Bắc trong nhiều tháng trước đó đã gây áp lực lên các tuyến đường thủy của quốc gia này.
Tại cuộc họp báo ở thành phố cảng Karachi, sau khi chứng kiến thiệt hại nặng nề ở miền Nam Pakistan, ông Guterres cho biết, ông đã chứng kiến nhiều thảm họa trên thế giới nhưng chưa bao giờ thấy thảm họa khí hậu ở quy mô này.
Trận lũ lụt chưa từng có trong lịch sử tại Pakistan trong những tháng qua của năm 2022 đã nhấn chìm hơn 30% lãnh thổ quốc gia, khiến gần 1.400 người thiệt mạng, ảnh hưởng tới khoảng 33 triệu người, phá hủy 2 triệu ngôi nhà và cơ sở kinh doanh, cuốn trôi 7.000km đường bộ và làm sập 500 cây cầu.
Vị trí địa lý đã khiến Pakistan trở thành một trong những nước có nguy cơ chịu thiệt hại vì BĐKH cao nhất thế giới. Theo một số chuyên gia kinh tế, thảm họa trên có thể gây thiệt hại lớn lên tới 15 - 20 tỷ USD và theo chuyên gia kinh tế Shahrukh Wani (Đại học Oxford), có thể phải mất nhiều tháng để đánh giá toàn diện thiệt hại.
Hiện nay, các quốc gia thuộc nhóm các nền kinh tế phát triển và mới nổi hàng đầu thế giới (G20) thải ra 80% lượng khí thải. Trong khi đó, Pakistan có lượng phát thải thấp, chiếm chưa đến 1% lượng phát thải toàn cầu. Theo Tổ chức môi trường Germanwatch (Đức), Pakistan xếp thứ 8 trong danh sách những nước dễ bị tổn thương nhất trước thời tiết cực đoan do BĐKH.
Chính phủ Pakistan và nhiều chuyên gia đánh giá, trận lũ lụt ở Pakistan cho thấy các nước đang phát triển đang phải chịu gánh nặng như thế nào từ BĐKH. Bộ trưởng Bộ BĐKH Pakistan Sherry Rehman yêu cầu các quốc gia giàu có phải chịu trách nhiệm về những "đóng góp" của họ đối với BĐKH cùng với việc vi phạm cam kết về viện trợ và giới hạn phát thải.
Thiết lập cơ chế xóa nợ cho các nước bị ảnh hưởng bởi BĐKH
Liên quan đến tác động của BĐKH, các nhà đàm phán thường sử dụng cụm từ “mất mát và thiệt hại” tại các Hội nghị thượng đỉnh về khí hậu hằng năm của Liên hợp quốc. Tuy nhiên, trong khi tất cả 165 quốc gia tham gia Công ước khung của Liên hợp quốc về BĐKH đều thừa nhận tác động của BĐKH đang xảy ra, nhưng lại không có thỏa thuận nào được đặt ra về việc ai phải bồi thường cho vấn đề này. Đây là một phần nguyên nhân khiến các cuộc đàm phán G20 mới đây ở Bali (Indonesia) thất bại.
Trong bối cảnh hiện tượng thời tiết cực đoan gây thiệt hại nghiêm trọng cho nhiều quốc gia, nhất là các nước nghèo, ông Guterres đã kêu gọi cộng đồng quốc tế thiết lập một cơ chế mới về xóa nợ cho các nước bị ảnh hưởng bởi BĐKH.
Đồng thời, ông ủng hộ việc thiết lập cơ chế hoán đổi nợ, tức là một quốc gia, thay vì trả nợ cho các chủ nợ, có thể sử dụng số tiền này để tăng cường khả năng phục hồi trước ảnh hưởng do BĐKH, xây dựng cơ sở hạ tầng bền vững và đầu tư vào quá trình chuyển đổi xanh của các nền kinh tế.
Châu Phi đang là một trong những nơi phải gánh chịu những tác động nặng nề nhất của BĐKH trên toàn cầu, và ước tính đến năm 2030, ảnh hưởng của BĐKH có thể khiến các nước thuộc châu lục này thiệt hại 50 tỷ USD/năm. Hội nghị lần thứ 27 các Bên tham gia Công ước khung của Liên hợp quốc về BĐKH (COP27) được kỳ vọng sẽ là nơi để các nhà lãnh đạo châu Phi cảnh báo về một trong những thách thức lớn nhất của hành tinh hiện nay, đồng thời huy động quốc tế tăng cường hỗ trợ cho quá trình phục hồi sinh thái của châu Phi. COP27 cũng sẽ xem xét huy động tài chính nhằm hỗ trợ các nước dễ bị tổn thương nhất giảm phát thải khí nhà kính.