Ứng dụng nhiều công nghệ mới trong quản lý vận hành
Theo Ban An toàn EVN, trên cơ sở kết quả quan trắc công trình và hiện trạng đập, hồ chứa, các nhà máy thủy điện trên lưu vực sông Hồng, Tập đoàn Điện lực Việt Nam đã lập kế hoạch, triển khai thực hiện phương án khắc phục tồn tại của công trình, đầu tư xây dựng nâng cấp hệ thống quan trắc nhằm đảm bảo các hạng mục công trình làm việc bình thường theo công năng thiết kế và theo dõi giám sát trạng thái làm việc của công trình.
Để đảm bảo an toàn cho công trình, các công ty đã triển khai áp dụng công nghệ mới vào hệ thống thu thập quan trắc từ xa, hiển thị dữ liệu theo thời gian thực, tự động cảnh báo và báo cáo định kỳ để giám sát online từ xa các công trình, đảm bảo quản lý an toàn, ổn định đập và hồ chứa.
Tại hạ du đập Nhà máy Thủy điện (NMTĐ) Sơn La bố trí 16 biển, 14 hệ thống loa cảnh báo; NMTĐ Lai Châu bố trí 06 biển, 06 hệ thống loa cảnh báo; NMTĐ Hòa Bình bố trí 07 hệ thống loa cảnh báo; NMTĐ Tuyên Quang bố trí 05 hệ thống loa cảnh báo; NMTĐ Bản Chát bố trí 15 biển, 01 hệ thống loa cảnh báo; NMTĐ Huội Quảng bố trí 05 biển, 03 hệ thống loa cảnh báo và NMTĐ Thác Bà bố trí 07 hệ thống loa cảnh báo, 19 cột cảnh báo lũ hạ du; điểm đặt hệ thống cảnh báo xa nhất phía hạ du đập lên đến 30 km.
Để đảm bảo an toàn khu vực hạ du, các công ty thủy điện đã chủ động phối hợp với Ban Chỉ huy PCTT&TKCN các địa phương, các đơn vị liên quan xây dựng và ký kết quy chế phối hợp trong công tác vận hành hồ chứa thủy điện.
Hiện nay, các nhà máy đều đã trang bị hệ thống camera giám sát xả nước, tín hiệu được truyền trực tiếp về Ban Chỉ đạo quốc gia về Phòng, chống thiên tai và các đơn vị liên quan. Trước mùa mưa bão, các công ty đã triển khai kiểm tra bảo dưỡng đầy đủ các camera được trang bị. Các camera tập trung giám sát các vị trí khu vực đầu mối đập, mực nước thượng lưu, mực nước hạ lưu, tổng thể hạ lưu, khu vực tràn. Các công ty còn thực hiện lắp đặt các trạm đo mưa (NMTĐ: Lai Châu 04 trạm, Sơn La 16 trạm, Hòa Bình 17 trạm, Tuyên Quang 19 trạm, Bản Chát 02 trạm và Huội Quảng 01 trạm) và lắp đặt thiết bị đo mực nước và lưu lượng qua tổ máy tự động; thực hiện kiểm tra, bảo dưỡng định kỳ để đảm bảo các thiết bị hoạt động chính xác.
Để phục vụ điều hành các hồ chứa hiệu quả - an toàn, Tập đoàn Điện lực Việt Nam cũng đang triển khai xây dựng “Đề án mua số liệu khí tượng thủy văn phục vụ vận hành hồ chứa bậc thang thủy điện sông Đà, sông Gâm theo thời gian thực” trong đó dự kiến sẽ mua số liệu khí tượng thủy văn của 50 trạm đo mưa, 16 trạm thủy văn và 02 trạm rada đặt tại Mộc Châu, Sơn La và Mường Tè, Lai Châu; rà soát, hoàn thiện và ban hành Quy định phối hợp giữa các công ty thủy điện thuộc Tập đoàn Điện lực Việt Nam trên lưu vực sông Đà trong công tác đảm bảo an toàn công trình và vận hành điều tiết các hồ chứa thủy điện trên bậc thang thủy điện sông Đà.
Từ đầu năm 2022 đến nay, EVN đã tổ chức kiểm tra và tham gia các đoàn công tác của Ban Chỉ đạo Quốc gia về phòng, chống thiên tai, Bộ Công Thương tại một số đơn vị thủy điện; tại thời điểm kiểm tra bằng mắt thường, đập, hồ chứa các thuỷ điện đang ở trạng thái làm việc bình thường.
Cần sự phối hợp chặt chẽ của các bộ, ngành, địa phương
Mặc dù đã có sự chuẩn bị kỹ lưỡng, tuy nhiên, theo ông Ngô Sơn Hải – Phó Tổng giám đốc EVN, những năm gần đây, một số vùng hạ du đập thủy điện bị lấn chiếm xây dựng, canh tác hoặc đổ thải làm cản trở quá trình thoát lũ của các hồ chứa, gây nguy cơ mất an toàn cho tính mạng và tài sản của người dân.
Chất lượng các bản tin dự báo KTTV chưa cao nên xảy ra tình trạng một số hồ chứa thủy điện không đủ nước về hồ sau khi thực hiện xả nước để đón lũ. Ngoài ra, do thiếu thông tin dự báo nên một số mệnh lệnh chỉ đạo vận hành xả nước đón lũ chung cho cả lưu vực, tuy nhiên thực tế nước không về hồ chứa hoặc nước về hạ du/ hồ chứa cuối bậc thang. Một số quy trình vận hành liên hồ/ đơn hồ chứa chưa được cập nhật, sửa đổi, bổ sung cho phù hợp với tình hình thực tế.
Như đối với Quy trình vận hành liên hồ chứa trên lưu vực sông Hồng: Năm 2021, do lượng nước về hồ thủy điện Hòa Bình rất thấp nên việc vận hành để vừa duy trì mực nước hồ theo quy định, vừa đảm bảo cho dòng chảy mùa cạn dưới hạ lưu là hết sức khó khăn. Bên cạnh đó, do cơ cấu nguồn trong hệ thống thay đổi, quá trình khai thác vận hành các hồ chứa không đảm bảo quy định khai thác liên tục, đúng thời điểm.
Cũng theo ông Ngô Sơn Hải, EVN đã kiến nghị các Bộ, ngành, địa phương phối hợp ngành Điện tuyên truyền, hướng dẫn, cảnh báo người dân sử dụng điện an toàn trong mùa mưa bão; thiết lập, quản lý hành lang thoát lũ của các hồ chứa.
Kiến nghị Bộ Tài nguyên và Môi trường: cung cấp bản tin dự báo, cảnh báo thiên tai theo các huyện, lưu vực sông với độ chính xác ngày càng cao; Chia sẻ thông tin diễn biến, mức độ thiên tai, tình hình khí tượng thủy văn cụ thể cho các cơ quan, đơn vị liên quan đến công tác PCTT&TKCN tại các khu vực, địa phương có nguy cơ bị ảnh hưởng. Trên cơ sở những tồn tại, bất cập trong quá trình thực hiện các quy định tại các quy trình vận hành liên hồ chứa, nghiên cứu xem xét, kiến nghị Thủ tướng Chính phủ sửa đổi, bổ sung cho phù hợp với tình hình thực tế.
Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn cập nhật, sửa đổi, bổ sung bản đồ ngập lụt hạ du các hồ chứa trên các lưu vực sông liên tỉnh, ban hành quyết định phê duyệt và chuyển giao cho các bên có liên quan. Trên cơ sở những khó khăn, vướng mắc trong quá trình thực hiện các quy định tại Nghị định số 114/2018/NĐ-CP ngày 04/9/2018, nghiên cứu xem xét, kiến nghị Chính phủ sửa đổi, bổ sung cho phù hợp với tình hình thực tế.
Cơ quan quản lý nhà nước ban hành các tiêu chuẩn, quy chuẩn về phòng, chống thiên tai cho các nhà máy điện, lưới điện như các hệ thống giám sát vận hành, hệ thống cảnh báo vận hành phát điện, vận hành xả lũ.
Trên lưu vực sông Hồng, EVN có các nhà máy thủy điện: Lai Châu (1.200MW), Sơn La (2.400MW), Hòa Bình (1.920MW), Tuyên Quang (342MW), Huội Quảng (520MW), Bản Chát (220 MW) và Thác Bà (120MW).