Dự kiến, Hội nghị có sự tham dự của 250 đại biểu trong đó có khoảng 60 đại biểu quốc tế đến từ 16 nước và vùng lãnh thổ, 40 khách quốc tế trong nước và 180 đại biểu Việt Nam là các nữ khoa học, cán bộ nghiên cứu, giảng dạy của các Viện nghiên cứu, Trường Đại học, các Bộ/ngành trên toàn quốc.
Hội nghị Mạng lưới các nhà khoa học nữ Khu vực Châu Á - Thái Bình Dương (INWES-APNN 2018) kỳ vọng góp phần nâng cao vai trò, vị thế của phụ nữ Việt Nam nói riêng và Việt Nam nói chung. Đây cũng là cơ hội để các nhà khoa học nữ Việt Nam và các nữ khoa học đến từ các nước trong khu vực gặp gỡ, trao đổi, học hỏi kinh nghiệm về những vấn đề mà các nước quan tâm như bình đẳng giới trong khoa học công nghệ, an toàn thực phẩm, biến đổi khí hậu, phát triển bền vững…
Tại buổi gặp mặt báo chí giới thiệu về Hội nghị, TS. Phạm Thị Mỵ, Phó Chủ tịch Hội Nữ trí thức Việt Nam cho biết, ngoài phiên khai mạc, Hội nghị Mạng lưới các nhà khoa học nữ châu Á - Thái Bình Dương (INWES-APNN) còn có 3 hội thảo chuyên đề: Giới và Bình đẳng giới trong Khoa học và Công nghệ trong bối cảnh cách mạng công nghiệp 4.0; Dinh dưỡng và An toàn thực phẩm; Giảm thiểu rủi ro thiên tai và thích ứng với biến đổi khí hậu.
“Đây là 3 vấn đề quan trọng trong việc thực hiện các mục tiêu thiên niên kỷ cũng là các vấn đề “nóng” được các nước trong khu vực quan tâm. Mạng lưới các nhà khoa học nữ châu Á - Thái Bình Dương (INWES-APNN)cũng rất ủng hộ các chủ đề này”, TS. Phạm Thị Mỵ nói.
TS. Nguyễn Thị Hồi, Phó Chủ tịch Hội Nữ trí thức Việt Nam cho biết thêm, Hội nghị dự kiến sẽ thông qua Tuyên bố Hà Nội, đề cập đến những quan ngại mà chúng ta đang phải đối mặt trong thời gian tới cũng như những đề xuất hợp tác khu vực trong lĩnh vực nghiên cứu khoa học, chia sẻ thông tin, đào tạo, hỗ trợ phụ nữ vươn lên các vị trí lãnh đạo… Đồng thời, thể hiện sự cam kết của các thành viên Mạng lưới INWES-APNN trong việc tăng cường mối quan hệ hợp tác, chia sẻ kinh nghiệm và phối hợp giữa các nhà nữ khoa học khu vực Châu Á - Thái Bình Dương nhằm đóng góp tích cực cho sự phát triển bền vững của khu vực và thế giới, góp phần thực hiện các Mục tiêu Phát triển Bền vững (SDGs) của Liên Hợp Quốc. Tuyên bố cung cũng sẽ ghi nhận tầm quan trọng các nhà nữ khoa học đối với sự tăng trưởng và phát triển bền vững của các nền kinh tế trong thời kỳ Cách mạng Công nghiệp 4.0; và sự cần thiết của việc thu hẹp khoảng cách giới trong khoa học và công nghệ.
Ngoài các phiên họp và hội thảo chuyên đề, trong khuôn khổ Hội nghị còn có Triển lãm “Phụ nữ trong Khoa học và Sáng tạo” giới thiệu các thành tựu khoa học công nghệ nổi bật của các nhà khoa học nữ Việt Nam, Gala.
Mạng lưới các nhà khoa học nữ châu Á - Thái Bình Dương (APNN) gồm 13 thành viên thuộc 13 nước và vùng lãnh thổ là Australia, Bangladesh, Ấn Độ, Nhật Bản, Hàn Quốc, Malaysia, Mông Cổ, Nê-pan, New Zeland, Pakistan, Srilanka, Đài Bắc (Trung Hoa), và Việt Nam. APNN là thành viên của Mạng lưới các nhà Khoa học nữ Quốc tế (INWES). |