Vừa qua, tại Hà Nội, Bộ Xây dựng đã tổ chức khóa tập huấn “Nâng cao năng lực thiết kế, thi công và nghiệm thu công trình tiết kiệm năng lượng”. Khóa tập huấn nằm trong khuôn khổ dự án Nâng cao hiệu quả sử dụng năng lượng trong các tòa nhà thương mại và chung cư cao tầng tại Việt Nam (EECB) do GEF/UNDP tài trợ cho Bộ Xây dựng. Đây là khóa tập huấn cuối cùng trong tổng số 5 khóa tập huấn được tổ chức tại các vùng, miền trong cả nước.
Bà Hoàng Thị Kim Cúc - Quản đốc dự án EECB cho biết: “Một trong các nhiệm vụ của Dự án EECB là tăng cường năng lực cho các tổ chức, cá nhân hoạt động trong lĩnh vực xây dựng và vận hành công trình cao tầng thông qua tổ chức các khóa tập huấn”.
Các khóa tập huấn “Nâng cao năng lực thiết kế, thi công và nghiệm thu công trình tiết kiệm năng lượng” nhằm cung cấp hướng dẫn kỹ thuật, công cụ hỗ trợ, cơ sở dữ liệu và chia sẻ kinh nghiệm thực tiễn cho quá trình thiết kế, thi công và nghiệm thu công trình xây dựng, tuân thủ các quy định tại Quy chuẩn kỹ thuật quốc gia QCVN 09:2017/BXD về các công trình xây dựng sử dụng năng lượng hiệu quả (QCVN 09:2017/BXD).
Theo ghi nhận của phóng viên tại khóa tập huấn ở Hà Nội (cho các đối tượng là các cán bộ quản lý Nhà nước về xây dựng, các kỹ sư, kiến trúc sư hành nghề tư vấn lập dự án, thiết kế, thẩm tra, quản lý dự án, giám sát và nghiệm thu công trình tại Hà Nội và các tỉnh miền núi phía Bắc), các học viên thực sự quan tâm đến nội dung bài giảng, thái độ học tập nghiêm túc, cầu thị, tham gia tích cực vào bài tập nhóm, chủ động trao đổi với các giảng viên về các vướng mắc trong thực tế hành nghề.
Đánh giá cao sự bổ ích của khóa tập huấn, học viên Vũ Ngọc Hiếu - Cty CP Inno, đơn vị chuyên về tư vấn kiến trúc, quy hoạch, nội thất cho biết: “Các kiến thức được tập huấn có lợi ích sát sườn đối với các KTS trẻ chúng tôi. Những giải pháp kỹ thuật được các giảng viên dự án EECB chia sẻ giống như những hướng dẫn cụ thể giúp chúng tôi áp dụng quy chuẩn vào thực tế làm nghề thuận lợi hơn. Do đó, sẽ là rất tốt nếu khóa tập huấn tiếp tục được nhân rộng”.
Tương tự, học viên Nguyễn Vũ Hùng - Viện Thiết kế Bộ Quốc phòng cũng nhận định: “Công tác tổ chức khóa tập huấn chuyên nghiệp, giảng viên nhiệt tình, tư liệu đầy đủ, chất lượng, kiến thức bổ ích. Là người làm công tác quản lý chất lượng công trình tại đơn vị, sau khóa tập huấn, tôi sẽ chú ý hơn đến các nội dung tiết kiệm năng lượng (TKNL) trong công trình. Tôi cũng sẽ chia sẻ với các bạn trẻ trong đơn vị về các giải pháp thiết kế tích hợp nhằm đáp ứng các yêu cầu của QCVN 09:2017/BXD để họ nắm bắt, hiểu và áp dụng thực hiện”.
Là giảng viên bộ môn Kiến trúc Môi trường Trường Đại học Xây dựng Hà Nội, Th.S Nguyễn Thị Hoa cho biết: “Tôi không xa lạ với các phiên bản của quy chuẩn 09, nội dung TKNL công trình cũng đã được giảng dạy nhưng rải rác ở nhiều bộ môn. Tại khóa tập huấn, lần đầu tiên tôi được tiếp cận các giải pháp thiết kế tích hợp và các bảng tính, bảng kiểm. Tôi sẽ cập nhật các nội dung này vào bài giảng sau này”.
Theo chị Hoa, sinh viên được tiếp cận các kiến thức về TKNL ngay từ giảng đường, do vậy nhận thức về công trình TKNL trong những người làm nghề trẻ chắc chắn sẽ tốt hơn các thế hệ đi trước. Họ sẽ góp phần phát triển công trình TKNL trong tương lai.
Hào hứng trước các kiến thức được cập nhật tại khóa tập huấn, học viên Nguyễn Văn Lương - Giám đốc Trung tâm Năng lượng tỉnh Vĩnh Phúc chia sẻ: “Tôi sẽ áp dụng các giải pháp TKNL vào chính ngôi nhà mình đang ở và dự án cải tạo trụ sở Trung tâm Năng lượng Vĩnh Phúc, để trụ sở sẽ là một công trình TKNL điển hình trên địa bàn”.
Trước việc giá trị đầu tư ban đầu của công trình trụ sở có thể tăng lên, học viên Lương cho rằng: “Nếu có các giải pháp tốt thì chưa chắc giá trị đầu tư tăng cao quá. Hơn nữa, nhận thức lãnh đạo địa phương về công trình TKNL cũng đã được nâng lên. Tôi tin sẽ thuyết phục được lãnh đạo tỉnh về việc đầu tư cải tạo công trình theo hướng TKNL”.
Học viên Lương cũng cho biết, Trung tâm Năng lượng tỉnh Vĩnh Phúc cũng sẽ đề xuất với lãnh đạo tỉnh tổ chức khóa tập huấn trên địa bàn để lan tỏa và nâng cao nhận thức của các đối tượng liên quan về công trình TKNL.
Chia sẻ về việc phát triển các công trình TKNL tại các địa phương, các học viên cho rằng đối với các công trình đầu tư công khá khó vì chi phí quản lý đầu tư xây dựng công trình thực hiện theo định mức của Nhà nước và hiện không có định mức cho các hạng mục TKNL.
Các công trình đầu tư bằng vốn tư nhân dễ áp dụng hơn nhưng do nhận thức còn hạn chế nên nhiều nhà đầu tư mới chỉ chú trọng đến lợi nhuận trước mắt, chưa thực sự quan tâm đến lợi ích lâu dài mà các giải pháp TKNL đem lại cho công trình. Chính vì vậy, nhà đầu tư chưa mặn mà với việc đầu tư công trình TNKL với vốn đầu tư ban đầu cao hơn công trình thông thường. Do vậy, rất cần mở rộng đối tượng tập huấn đến các chủ đầu tư.
Một số học viên khác thì lại cho rằng nhận thức của các chủ đầu tư về công trình TKNL đang dần cải thiện, nếu tư vấn có những giải pháp tốt, đem lại hiệu quả thiết thực thì không quá khó để thuyết phục chủ đầu tư lựa chọn đầu tư công trình TKNL.
Hiệu quả hơn cả mong đợi
Nhận định về tính hiệu quả của 5 khóa tấp huấn, bà Hoàng Thị Kim Cúc - Quản đốc dự án EECB, cho biết: “Chính ban tổ chức cũng bất ngờ khi hơn 250 học viên tham gia 5 khóa tập huấn đều học tập rất nghiêm túc và tham gia nhiệt tình vào các hoạt động tập huấn. Họ hầu hết là những người trực tiếp làm nghề nhưng cũng không ít người là lãnh đạo các đơn vị quản lý Nhà nước, quản lý dự án, đơn vị tư vấn… Điều này cho thấy, các nội dung tập huấn thực sự cần thiết, hữu ích đối với học viên và đơn vị”.
Có những học viên trước khóa tập huấn thậm chí không biết đến sự tồn tại QCVN 09:2017/BXD nhưng khi đã học, biết và hiểu, họ đã chia sẻ: “Trong hoạt động chuyên môn sau này sẽ tích cực chủ động tìm hiểu kỹ hơn về QCVN 09:2017/BXD để áp dụng hiệu quả các giải pháp TKNL trong công trình”.
Nhiều học viên cho biết họ sẽ tiếp tục lan tỏa, phổ biến kiến thức về công trình TKNL tại đơn vị để các đồng nghiệp cùng biết, cùng thực thi. “Như vậy, hiệu quả của khóa tập huấn không chỉ dừng lại ở việc nâng cao nhận thức, năng lực của hơn 250 học viên trực tiếp tham gia khóa tập huấn mà nhận thức và thực hành về công trình TKNL sẽ còn được nhân rộng đến mọi đối tượng tham gia vào quá trình đầu tư xây dựng công trình tại địa phương”, bà Cúc nhận định.
Trước đề xuất mở rộng đối tượng tập huấn là các chủ đầu tư, bà Cúc cho biết: “Khóa tập huấn đề cập đến nhiều các nội dung kỹ thuật chuyên môn sâu nên không phù hợp với đối tượng là chủ đầu tư. Tuy nhiên, ở một số hoạt động khác của dự án EECB như hội thảo về công trình TKNL, về các cơ chế hỗ trợ phát triển công trình TKNL, chúng tôi sẽ mời rộng rãi các chủ đầu tư tham gia. Khi các chủ đầu tư hiểu được công trình TKNL mang lại những lợi ích thiết thực, hiệu quả lâu dài, tiết kiệm cho “túi tiền” của họ cũng như giúp họ thực hiện tốt hơn các trách nhiệm xã hội thì tôi tin rằng các chủ đầu tư sẽ quan tâm nhiều hơn đến việc phát triển công trình TKNL”.
Cũng theo bà Cúc, toàn bộ tài liệu tập huấn sẽ được cập nhật tại địa chỉ http://tietkiemnangluong.xaydung.gov.vn của Bộ Xây dựng để bất cứ ai quan tâm cũng có thể truy cập, tìm hiểu, học tập, từ đó xem xét áp dụng, thực thi. Như vậy, sẽ có nhiều hơn những người được hưởng lợi gián tiếp từ thành quả hoạt động tập huấn của dự án.
Bà Cúc cho biết thêm: “Thời gian tới, dự án EECB dự kiến sẽ biên soạn, phát hành và chia sẻ rộng rãi cuốn hướng dẫn các giải pháp thiết kế, thi công và nghiệm thu công trình vượt QCVN 09:2017/BXD. Hy vọng, tài liệu này cũng sẽ được các đối tượng liên quan đón nhận nhiệt tình”.
Đánh giá cao hoạt động tập huấn, ông Yannick Millet - Chuyên gia quốc tế về TKNL trong công trình Dự án EECB, nhận định: “Khóa tập huấn có những đóng góp quan trọng trong việc tăng cường nhận thức và kỹ năng hành nghề của các đối tượng liên quan đối với công trình TKNL. Khi được trang bị kiến thức, am hiểu và thực thi các giải pháp TKNL, người hành nghề xây dựng cũng dần dần góp phần nâng cao nhận thức cho những người xung quanh”.
Theo giảng viên Yannick Millet, những năm qua, Việt Nam có sự thay đổi lớn về nhận thức, đã quan tâm hơn đến công trình xanh, công trình TKNL. Điển hình là các văn bản pháp luật như Luật Sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả, Quy chuẩn QCVN 09:2017/BXD… được ban hành, tạo hanh làng pháp lý cho các đối tượng thực thi.
Tuy nhiên, để các văn bản pháp luật nhà nước đi vào thực tế và phát huy hiệu quả vẫn cần thời gian tương đối dài. Song chắc chắn, nhận thức các bên liên quan sẽ tăng lên, thị trường sẽ thay đổi theo xu hướng tốt hơn.
Dẫu vậy, theo ông Yannick Millet, Việt Nam vẫn cần có thêm những yếu tố kích thích, thúc đẩy phát triển công trình TKNL, công trình xanh. Trong đó, Chính phủ có vai trò quan trọng trong việc ban hành các cơ chế tài chính hoặc phi tài chính khuyến khích thúc đẩy phát triển thị trường công trình TKNL.
Nối dài hiệu quả hoạt động tập huấn của dự án, ông Nguyễn Công Thịnh - Phó Vụ trưởng Vụ Khoa học công nghệ và Môi trường cũng kỳ vọng: “Với kiến thức được trang bị, sau khóa tập huấn, các cán bộ quản lý Nhà nước ngành Xây dựng ở địa phương sẽ kiểm soát chặt chẽ hơn nữa việc tuân thủ QCVN 09:2017/BXD trên địa bàn. Các đơn vị tư vấn đẩy mạnh việc áp dụng giải pháp kỹ thuật thiết kế, thi công công trình đáp ứng yêu cầu QCVN 09:2017/BXD, nhằm thúc đẩy phát triển các công trình xanh, công trình TKNL tại Việt Nam”.