Xã hội

Các hoạt động ưu tiên trong công tác phòng chống tác hại thuốc lá tại Việt Nam

Mai Đan (thực hiện) 29/05/2024 - 13:33

(TN&MT) - Năm nay, Tổ chức Y tế thế giới (WHO) chọn thông điệp “Bảo vệ trẻ em trước những tác động của ngành công nghiệp thuốc lá” làm chủ đề cho Ngày Thế giới không thuốc lá 31/5. Để làm rõ hơn về chủ đề này, cũng như các hoạt động, chính sách, giải pháp được áp dụng để triển khai hiệu quả công tác phòng chống tác hại thuốc lá nói chung và hưởng ứng Ngày Thế giới không thuốc lá 31/5 nói riêng, PV Báo Tài nguyên và Môi trường đã có cuộc trò chuyện với Ths. Phan Thị Hải - Phó Giám đốc phụ trách, Quỹ Phòng chống tác hại thuốc lá, Bộ Y tế.

PV: Thưa bà, bà có thể chia sẻ những số liệu cho thấy thực trạng sử dụng thuốc lá tại Việt Nam, đặc biệt là thuốc lá điện tử đang là vấn đề đáng báo động?

Ths. Phan Thị Hải:

Sau hơn 10 năm thực hiện Luật Phòng chống tác hại của thuốc lá, với sự ủng hộ của Quốc hội, Chính phủ, Quỹ Phòng chống tác hại thuốc lá (PCTHTL) đã phối hợp chặt chẽ với các Bộ ngành, các tổ chức chính trị xã hội và Uỷ ban nhân dân các tỉnh, thành phố để thực hiện công tác PCTHTL.

Báo cáo tổng kết 10 năm thi hành Luật PCTH thuốc lá cho thấy tỷ lệ sử dụng thuốc lá điếu thông thường trong nam giới trưởng thành giảm từ 47,4% năm 2010 xuống còn 38,9% năm 2023. Tỷ lệ hút thuốc ở thanh thiếu niên cũng đã giảm, trong đó, ở nhóm 13-17 tuổi đã giảm từ 5,36% năm 2013 xuống còn 2,78% năm 2019, ở nhóm 13-15 tuổi giảm từ 2,5% năm 2014 xuống còn 1,9% năm 2022. Đây là những kết quả rất đáng khích lệ trong công tác PCTH của thuốc lá.

1579e0ad-6802-4088-b45a-2efa0948cf2e.jpg
Ths. Phan Thị Hải - Phó Giám đốc phụ trách, Quỹ Phòng chống tác hại thuốc lá, Bộ Y tế

Tuy nhiên, những thành tựu này có nguy cơ bị phá bỏ bởi việc gia tăng nhanh chóng tỷ lệ sử dụng thuốc lá mới, chủ yếu là thuốc lá điện tử (TLĐT), thuốc lá nung nóng (TLNN), đặc biệt là trong giới trẻ. Ở nhóm 13-15 tuổi, tỷ lệ đã tăng gấp đôi từ 3,5% năm 2022, lên 8% năm 2023.

Bằng chứng thực tiễn cho thấy các sản phẩm thuốc lá mới đang nhắm tới giới trẻ. Các nhà sản xuất đã và đang sử dụng nhiều cách thức khác nhau để thu hút thanh thiếu niên sử dụng TLĐT, TLNN thông qua hương vị hấp dẫn, thiết kế sản phẩm bắt mắt, thời trang, theo xu hướng công nghệ, bán hàng qua mạng (bán qua app điện thoại thông minh, quảng cáo và mua bán trên internet) là hình thức mà giới trẻ thường sử dụng, tài trợ cho người nổi tiếng và có ảnh hưởng trên mạng xã hội để giúp quảng cáo các sản phẩm và dễ dàng tiếp cận với giới trẻ.

Đây là các nguyên nhân quan trọng làm cho việc sử dụng các sản phẩm thuốc lá mới tăng nhanh trong giới trẻ trên thế giới cũng như tại Việt Nam trong những năm gần đây.

PV: Được biết, tăng thuế thuốc lá biện pháp quan trọng để giảm nhu cầu sử dụng thuốc lá. Bà đánh giá như thế nào về tình hình thực hiện các chính sách này, thưa bà?

Ths. Phan Thị Hải:

Kinh nghiệm các nước cho thấy thuế là biện pháp quan trọng nhất, có hiệu quả nhất, đóng góp tới 60% vào việc giảm tỷ lệ hút thuốc ở các quốc gia. Công ước khung về kiểm soát thuốc lá nêu rõ: “Các biện pháp về giá và thuế là những biện pháp quan trọng và hữu hiệu để giảm tiêu thụ thuốc lá trong các tầng lớp dân cư, đặc biệt là thanh thiếu niên”.

Luật Phòng chống tác hại của thuốc lá cũng quy định: “Áp dụng chính sách thuế phù hợp để giảm tỷ lệ sử dụng thuốc lá”. Nghị quyết 20-NQ/TW ngày 25/10/2017 của Ban chấp hành Trung ương về tăng cường công tác bảo vệ, chăm sóc và nâng cao sức khỏe nhân dân trong tình hình mới có nêu: “Tăng thuế tiêu thụ đặc biệt đối với các hàng hoá có hại cho sức khoẻ như đồ uống có cồn, có ga, thuốc lá để hạn chế tiêu dùng”.

Ngày 24/5/2023, Thủ tướng Chính phủ ban hành Quyết định số 568/QĐ-TTg phê duyệt Chiến lược quốc gia về PCTH thuốc lá đến năm 2030, trong đó có quy định: “Xây dựng lộ trình tăng thuế đối với các sản phẩm thuốc lá đảm bảo đến năm 2030 mức thuế đạt tỷ trọng trên giá bán lẻ theo khuyến nghị của Tổ chức Y tế Thế giới”.

Mặc dù có vai trò quan trọng trong việc giảm tỷ lệ hút thuốc, tuy nhiên thuế thuốc lá ở Việt Nam vẫn thuộc hàng thấp nhất trên thế giới. Theo Luật thuế tiêu thụ đặc biệt, hiện nay Việt Nam đang áp dụng tính thuế suất thuế tiêu thụ đặc biệt (TTĐB) theo tỷ lệ là 75% và giá tính thuế là giá xuất xưởng. Tỷ lệ thuế thuốc lá tính theo giá bán lẻ (bao gồm TTĐB và giá trị gia tăng) chỉ chiếm 38,8% giá bán lẻ (năm 2020), thấp hơn so với trung bình của các quốc gia có thu nhập trung bình là 59% giá bán lẻ, bằng một nửa của hầu hết các nước ASEAN ví dụ như Thái Lan là 78,6% giá bán lẻ, Singapore là 67,1% giá bán lẻ, Indonesia 62,3% giá bán lẻ (xem Biểu đồ 2).

Về tình hình tăng thuế tiêu thụ đặc biệt đối với thuốc lá, từ năm 2006 đến 2019, chúng ta mới chỉ thực hiện 3 lần tăng thuế. Theo đánh giá của các chuyên gia, các lần tăng thuế này có mức tăng quá thấp, khoảng cách thời gian giữa các lần tăng thuế khá dài nên không tạo ra tác động đủ để giảm sức mua và giảm tiêu dùng, do thu nhập bình quân đầu người của Việt Nam vẫn tăng đều đặn hàng năm nên giá thuốc lá ngày càng trở nên rẻ và dễ tiếp cận.

WHO cũng đã khuyến cáo tỷ trọng thuế thuốc lá trên giá bán lẻ phải đạt 75% mới đảm bảo là mức thuế tối ưu để kiểm soát sử dụng sản phẩm độc hại này. Vì vậy, tăng thuế thuốc lá là một trong những mục tiêu ưu tiên của công tác PCTH thuốc lá tại Việt Nam trong thời gian tới, để góp phần giảm tỷ lệ hút thuốc, ngăn ngừa thanh thiếu niên và người nghèo hút thuốc, giúp giảm bệnh tật và tử vong do các bệnh liên quan đến sử dụng thuốc lá.

PV: Bên cạnh tăng thuế thuốc lá, ngăn ngừa sử dụng thuốc lá điện tử, thuốc lá nung nóng cũng là chính sách được đề xuất áp dụng, đồng thời là mục tiêu được nêu rõ trong Quyết định số 568/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ về phê duyệt Chiến lược quốc gia về phòng, chống tác hại của thuốc lá đến năm 2030. Xin bà cho biết, Quỹ Phòng, chống tác hại thuốc lá đã tham mưu Bộ Y tế có động thái gì để chính sách này đi vào cuộc sống?

Ths. Phan Thị Hải:

Ngày 24/5/2023, Thủ tướng Chính phủ ban hành Quyết định số 568/QĐ-TTg phê duyệt Chiến lược quốc gia về PCTH thuốc lá đến năm 2030, trong đó có mục tiêu: Giảm tỷ lệ sử dụng thuốc lá trong cộng đồng là mục tiêu quan trọng trong việc giảm các yếu tố nguy cơ đối với sức khỏe…”; “Ngăn ngừa việc sử dụng các sản phẩm thuốc lá điện tử, thuốc lá nung nóng, shisha và các sản phẩm thuốc lá mới khác trong cộng đồng”.

Vào ngày 13/5 vừa qua Thủ tướng Chính phủ tiếp tục ban hành Công điện số 47/CĐ-TTg chỉ đạo các bộ, ngành, các cơ quan liên quan trong việc tăng cường các biện pháp để kịp thời ngăn ngừa các sản phẩm thuốc lá điện tử, thuốc lá nung nóng trên toàn quốc.

Để ngăn ngừa việc sử dụng các sản phẩm thuốc lá mới, từ năm 2020 đến nay, Quỹ PCTH thuốc lá phối hợp với các cơ quan, đơn vị, tham mưu cho Lãnh đạo Bộ Y tế có các văn bản gửi Văn phòng Chính phủ, kiến nghị về việc không cho phép thí điểm các sản phẩm thuốc lá điện tử, thuốc lá nung nóng; văn bản gửi UBND các tỉnh, thành phố đề nghị tăng cường kiểm tra, xử lý việc mua bán, tàng trữ các sản phẩm thuốc lá mới.

Quỹ PCTH thuốc lá cũng đã gửi các tài liệu, đồng thời phối hợp với các Bộ, ngành và các cơ quan liên quan để thực hiện nhiều hoạt động truyền thông về tác hại của thuốc lá điện tử và thuốc lá nung nóng, đặc biệt trong giới trẻ.

thtg-2024-05-24-15h31m59s704-700x394.jpg
ac0149a3-91ba-408a-a3df-07bf081dbd72-4437.jpeg
Tiền Giang, Hải Phòng và nhiều địa phương khác hưởng ứng Ngày Thế giới không thuốc lá 31/5 và Tuần lễ Quốc gia không thuốc lá từ ngày 25 - 31/5/2024

Cụ thể, Quỹ phối hợp với Trung ương Đoàn tổ chức các chiến dịch truyền thông ngăn ngừa sử dụng thuốc lá mới cho đoàn viên, thanh niên. Nhiều hoạt động truyền thông phù hợp, thu hút sự tham gia của đông đảo thanh niên đã được triển khai như Chiến dịch “Thanh niên Việt Nam nói không với thuốc lá và thuốc lá điện tử”; Giải chạy online “Thanh niên Việt Nam vì môi trường không khói thuốc”; Cuộc thi sáng tác video clip "Thanh niên Việt Nam nói không với thuốc lá điện tử" trên ứng dụng Tiktok…

Đặc biệt, để kịp thời truyền thông về tác hại của các sản phẩm thuốc lá mới cho học sinh, Quỹ PCTH thuốc lá đã phối hợp với Bộ Giáo dục và Đào tạo xây dựng và ban hành các tài liệu hướng dẫn giáo dục lồng ghép PCTHTL trong bài giảng môn học, hoạt động giáo dục cấp trung học cơ sở, trung học phổ thông.

Thuốc lá mới là các sản phẩm có khả năng gây nghiện nhanh, đặc biệt trong học sinh, sinh viên. Do đó, cần phải khẩn trương có biện pháp để ngăn chặn kịp thời, tránh cho có thêm nhiều người trong tương lai nghiện nicotine và nguy hại đến sức khoẻ. Trước mắt, Bộ Y tế đang nghiên cứu đề xuất Chính phủ trình Quốc hội ban hành Nghị quyết cấm sản xuất, kinh doanh, nhập khẩu, quảng cáo thuốc lá điện tử, thuốc lá nung nóng và các sản phẩm thuốc mới mới khác có thể sẽ xuất hiện trong tương lai. Về lâu dài, Bộ Y tế sẽ sửa đổi, bổ sung Luật PCTHTL để bổ sung quy định này vào Luật để bảo đảm tính ổn định trong triển khai thực hiện.

PV: Theo bà, đâu là những giải pháp trọng tâm trong giai đoạn tới để hoàn thiện cơ chế chính sách, pháp luật về phòng, chống tác hại của thuốc lá trong Chiến lược quốc gia về Phòng, chống tác hại thuốc lá đến năm 2030?

Ths. Phan Thị Hải:

Để thực hiện thành công chiến lược quốc gia về PCTH thuốc lá, chúng ta cần thực hiện đồng bộ các giải pháp theo khuyến cáo của WHO cũng như các biện pháp giảm nhu cầu sử dụng, kiểm soát nguồn cấp các sản phẩm thuốc lá đã được quy định trong Luật Phòng, chống tác hại của thuốc lá, Chiến lược quốc gia về PCTH thuốc lá đến năm 2030.

Các biện pháp này bao gồm: tăng thuế thuốc lá; truyền thông để nâng cao nhận thức cho mọi người về tác hại của thuốc lá, các quy định của pháp luật về PCTH của thuốc lá nhằm thay đổi hành vi hút thuốc, nâng cao ý thức tuân thủ các quy định của Luật PCTH thuốc lá; thực hiện nghiêm quy định cấm quảng cáo khuyến mại, tài trợ của các công ty sản xuất, kinh doanh thuốc lá; in cảnh báo sức khoẻ bằng hình ảnh trên bao bì các sản phẩm thuốc lá; tổ chức cai nghiện thuốc lá.

bd611746-3df9-421a-b42e-0fbd837b6ad5.jpg
Bộ trưởng Bộ Y tế Đào Hồng Lan cùng các đại biểu bấm nút phát động hưởng ứng Ngày Thế giới không thuốc lá 31/5/2024 và Tuần lễ Quốc gia không thuốc lá từ ngày 25 - 31/5/2024

Bên cạnh đó, cần đẩy mạnh công tác kiểm tra, xử phạt hành vi vi phạm quy định của Luật PCTH thuốc lá, tăng cường cơ chế phối hợp liên ngành trong PCTH thuốc lá; nâng cao hơn nữa trách nhiệm của các Bộ, ngành, UBND các cấp trong việc thực hiện quản lý nhà nước về PCTH thuốc lá. Các giải pháp PCTH thuốc lá cần được thực hiện đồng bộ mới góp phần đạt mục tiêu giảm tỷ lệ hút thuốc theo Chiến lược quốc gia PCTH thuốc lá đến năm 2030.

PV: Xin bà cho biết, để những chính sách trên đi vào cuộc sống và công cuộc phòng chống tác hại thuốc lá ngày càng hiệu quả, Quỹ Phòng, chống tác hại thuốc lá, các tổ chức, các tỉnh, thành phố và các bộ ngành cần triển khai những hoạt động gì trong bối cảnh Ngày Thế giới không thuốc lá 31/5 sắp đến và Tuần lễ Quốc gia không thuốc lá (25-31/5/2024) đang diễn ra?

Ths. Phan Thị Hải:

Năm 2024, WHO chọn thông điệp “Bảo vệ trẻ em trước những tác động của ngành công nghiệp thuốc lá” làm chủ đề cho Ngày Thế giới không thuốc lá 31/5. WHO nhấn mạnh Ngày thế giới không thuốc lá 2024 là diễn đàn để giới trẻ trên toàn thế giới yêu cầu ngành công nghiệp thuốc lá ngừng việc nhắm tới các em bằng các sản phẩm có hại cho sức khỏe, kêu gọi chính phủ các nước áp dụng các chính sách bảo vệ các em khỏi các hành vi lôi kéo sử dụng thuốc lá, bao gồm cả việc tiếp thị không ngừng các sản phẩm nguy hiểm cho sức khoẻ thông qua mạng xã hội và các nền tảng phát trực tuyến.

Để hưởng ứng sự kiện này, Bộ Y tế gửi Công văn đến các Bộ ngành, UBND các tỉnh thành phố về việc thực hiện Luật Phòng, chống tác hại thuốc lá và hưởng ứng Ngày Thế giới không thuốc lá, đề nghị các Bộ, ngành, UBND căn cứ vào Luật PCTH thuốc lá, Chiến lược quốc gia PCTH thuốc lá và tình hình thực tế tại bộ, ngành, địa phương để triển khai các hoạt động: Xây dựng, tổ chức triển khai Kế hoạch thực hiện Chiến lược quốc gia về PCTH thuốc lá, trong đó đưa chỉ tiêu giảm tỷ lệ sử dụng thuốc lá vào chỉ tiêu phát triển kinh tế - xã hội của địa phương.

26.5-web.png
Các đại biểu đạp xe hưởng ứng chiến dịch truyền thông phòng chống tác hại thuốc lá

Đồng thời, kiện toàn Ban chỉ đạo Chương trình PCTH thuốc lá; lồng ghép hoạt động PCTH thuốc lá trong các phong trào “Toàn dân đoàn kết xây dựng nông thôn mới, đô thị văn minh”; phong trào “Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa”; phát huy vai trò của mạng lưới cộng tác viên về PCTH thuốc lá tại cộng đồng trong việc vận động, hướng dẫn người dân nghiêm túc thực hiện các quy định pháp luật và tích cực tham gia hoạt động PCTH của thuốc lá.

Ngoài ra, tổ chức các hoạt động tuyên truyền như: treo băng rôn, khẩu hiệu; tổ chức mít tinh, hội nghị, diễu hành và các hình thức truyền thông trên các kênh mạng xã hội, treo băng zôn và phát phóng sự trên đài phát thanh, truyền hình tỉnh, trên loa phát thanh xã, phường… để hưởng ứng Ngày Thế giới không thuốc lá 31/5 và Tuần lễ quốc gia không thuốc lá (từ ngày 25-31/5/2024).

PV: Trân trọng cảm ơn bà!

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Các hoạt động ưu tiên trong công tác phòng chống tác hại thuốc lá tại Việt Nam
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO