Các hồ, đập an toàn ra sao?

18/10/2017 00:00

Việc hồ Hòa Bình có lúc mở tới 8/12 cửa xả đáy trong đợt mưa lũ vừa qua khiến nhiều người cảm thấy lo lắng. Đây là quy trình xả lũ bình thường khi có mưa lớn liên tục, nước lũ đổ về lòng hồ lớn; xả lũ để giữ an toàn hồ đập. Song, qua đây nhiều người cũng băn khoăn trước câu hỏi: Các hồ, đập thủy lợi, thủy điện hiện an toàn ở mức độ nào?

Tiềm ẩn nhiều nguy cơ

Do ảnh hưởng của mưa lớn đầu tháng 10 vừa qua, chỉ trong 1 ngày đêm, hồ thủy điện Hòa Bình đã mở 8 cửa xả đáy, với tổng lưu lượng nước xả về hạ du đạt 16.520m3/giây, làm mực nước trên hệ thống sông Hồng, sông Thái Bình tăng nhanh đột biến. Đây là đợt xả lũ lớn nhất trong 10 năm qua. Trên sông Hồng, mực nước tại trạm đo Long Biên (Hà Nội) thời điểm trước và sau khi hồ Hòa Bình xả lũ đạt đỉnh chênh tới 5,5m. Việc hồ Hòa Bình mở liên tiếp từ 1, đến 5, rồi đến 8 trên tổng số 12 cửa xả đáy trong khi lũ trên sông Đà và nhiều sông, suối trên địa bàn diễn biến phức tạp đã khiến tỉnh Hòa Bình phải công bố tình trạng khẩn cấp thiên tai; còn tại Hà Nội, mưa lớn khiến nước lũ trên sông Bùi, sông Tích lên nhanh vượt báo động III, một số xã của các huyện Chương Mỹ, Mỹ Đức đã bị ngập nặng.

Nước tràn đập hồ Quan Sơn (huyện Mỹ Đức). Ảnh: Trọng Tùng
Nước tràn đập hồ Quan Sơn (huyện Mỹ Đức). Ảnh: Trọng Tùng

Ông Trần Quang Hoài, Tổng cục trưởng Tổng cục Phòng, chống thiên tai (Bộ NN&PTNT), Ủy viên Thường trực Ban Chỉ đạo trung ương về Phòng, chống thiên tai cho biết: Theo quy định, từ ngày 15-9 đến 30-9 hồ Hòa Bình được phép tích nước ở cao trình 117m. Tuy nhiên, từ ngày 9 đến 12-10, khu vực lòng hồ Hòa Bình có mưa đặc biệt lớn và bất thường, gây ra đợt lũ lớn trái mùa với lưu lượng đỉnh là 15.940m3/giây. Để bảo đảm an toàn hồ đập, Công ty Thủy điện Hòa Bình báo cáo và được Ban chỉ đạo trung ương chấp thuận vận hành điều tiết chống lũ theo lưu lượng lũ về hồ, xả lũ tăng dần tới mở 8 cửa xả đáy.

“Nếu hồ Hòa Bình không an toàn thì là thảm họa của đất nước", ông Hoài khẳng định khi thông tin với báo chí. Từ sự việc trên cho thấy, công tác bảo đảm an toàn hồ, đập thủy điện trong bối cảnh biến đổi khí hậu diễn biến phức tạp đang tồn tại nhiều vấn đề, tiềm ẩn nguy cơ rủi ro cao cho cộng đồng dân cư vùng hạ du…

Theo thống kê của Tổng cục Thủy lợi (Bộ NN&PTNT), hiện nay trên cả nước có 6.648 hồ chứa thủy lợi với tổng dung tích khoảng 11 tỷ mét khối, trong đó có 1.150 hồ đập đang xuống cấp, ở khu vực Bắc Bộ có 138 hồ, khu vực Bắc Trung Bộ có 83 hồ xung yếu bị hư hỏng nặng cần đặc biệt quan tâm.

Đáng chú ý như tại Nghệ An, ông Nguyễn Sỹ Hưng, Phó Giám đốc Sở NN&PTNT, Chánh Văn phòng Thường trực Ban Chỉ huy Phòng chống thiên tai và Tìm kiếm cứu nạn tỉnh này cho biết, trên địa bàn Nghệ An có 625 hồ đập lớn nhỏ đã tích đầy nước, không còn khả năng chứa thêm. Đáng lo ngại, phần lớn các đập đều thiếu cao trình và mặt cắt nhỏ; nhiều đập đất đang bị xói lở mái, thân bị thấm nước, chưa có đường quản lý hoặc chất lượng đường thấp, không đáp ứng yêu cầu ứng cứu khi có sự cố xảy ra…

Riêng tại Hà Nội, hiện có 104 hồ thủy lợi và toàn bộ các hồ chứa đều đã tích đầy nước, tiềm ẩn nguy cơ mất an toàn cao. Đặc biệt, trong đó có nhiều hồ bị xuống cấp, hư hỏng các hạng mục đập chính, đập tràn, cống lấy nước… Điển hình như hồ Văn Sơn, trên địa bàn huyện Chương Mỹ, có dung tích thiết kế 7 triệu mét khối, hiện mái kè đá lát khan thượng lưu đập chính bị sạt, mặt đập bị hư hỏng, nhiều đoạn không đạt cao trình thiết kế; tại cao trình 18m xuất hiện dòng thấm; bể tiêu năng xuống cấp… Hay như hồ Suối Hai, thuộc địa bàn huyện Ba Vì, hiện nhiều hạng mục bị hư hỏng nghiêm trọng, đặc biệt là 2 ống thông hơi bằng thép, đường kính 30cm đã bị gỉ sét, hư hỏng nặng…

Bảo đảm an toàn hồ đập

Theo GS.TSKH Phạm Hồng Giang, Chủ tịch Hội Đập lớn và Phát triển nguồn nước Việt Nam: “Việc quản lý, vận hành điều tiết các hồ chứa theo đúng quy trình để bảo đảm an toàn hồ, đập và hạ du là vô cùng quan trọng, đặc biệt trong thời điểm khi lưu vực có mưa lớn, nước lũ về hồ lên cao đột ngột".

Giáo sư, Tiến sĩ Hà Văn Khối, một chuyên gia đầu ngành Thủy lợi Việt Nam thì cho rằng, để bảo đảm an toàn hồ thủy điện trên lưu vực hệ thống sông Đà, sông Hồng vấn đề quan trọng nhất hiện nay là phải tăng dày hệ thống trạm đo mưa trên lưu vực các sông, hồ; đồng thời cần khẩn trương chuyển đổi các trạm đo mưa thủ công hiện có sang tự động theo thời gian thực để bảo đảm cung cấp kịp thời số liệu phục vụ công tác dự báo, tính toán lưu lượng lũ, từ đó có phương án vận hành hồ thủy điện, thủy lợi được chính xác…

Đập dâng Nam Thạch Hãn (tỉnh Quảng Trị) xuống cấp có nguy cơ mất an toàn trong mùa mưa bão. Ảnh: Thanh Tùng.
Đập dâng Nam Thạch Hãn (tỉnh Quảng Trị) xuống cấp có nguy cơ mất an toàn trong mùa mưa bão. Ảnh: Thanh Tùng.

Thứ trưởng Bộ NN&PTNT Hoàng Văn Thắng cho rằng, ngoài giải pháp công trình, việc bảo đảm an toàn hồ, đập cũng cần tính đến giải pháp phi công trình như: Nâng cao năng lực của đơn vị quản lý, tổ chức hệ thống bộ máy tinh, gọn, chuyên nghiệp để vận hành hồ đập. Bên cạnh đó, việc nâng cao an toàn hồ đập phải được thực hiện xuyên suốt quá trình từ quy hoạch, khảo sát thiết kế, lập dự án đầu tư, tổ chức thi công xây dựng, quản lý vận hành…

Để bảo đảm an toàn hồ đập, Bộ trưởng Bộ NN&PTNT, Trưởng ban Chỉ đạo trung ương về Phòng, chống thiên tai Nguyễn Xuân Cường yêu cầu các đơn vị quản lý hồ đập phối hợp chặt chẽ với chính quyền địa phương trực tuần tra canh gác 24/24 giờ tại các hồ chứa xung yếu để kịp thời phát hiện xử lý sự cố; đồng thời sẵn sàng triển khai phương án hậu cần, sơ tán dân cư vùng hạ du đến nơi an toàn…

Về lâu dài, Chính phủ đã có kế hoạch sử dụng nguồn vốn vay của Ngân hàng Thế giới để sửa chữa, nâng cao độ an toàn cho 450 hồ, đập có dung tích từ 200.000 đến 3 triệu mét khối... Đối với các hồ có dung tích từ 200.000m3 trở xuống, Bộ trưởng Bộ NN&PTNT Nguyễn Xuân Cường đề nghị các địa phương phải phân bổ kinh phí từ nguồn ngân sách tại chỗ để đầu tư sửa chữa, nâng cấp thường xuyên...

Theo HNMO

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Các hồ, đập an toàn ra sao?
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO