Các đơn vị ngành Dầu khí tích cực tham gia góp ý vào Luật Dầu khí sửa đổi

Khôi Nguyên | 17/11/2021 05:44

(TN&MT) - Thời gian qua, nhằm góp ý cho Dự thảo Luật Dầu khí (sửa đổi), PVN và các đơn vị đã tổ chức các hội thảo để trao đổi, thảo luận, lấy ý kiến tập trung vào các nội dung, nhóm chính sách quan trọng trong Dự thảo.

Cụ thể như: Hoàn thiện các quy định liên quan đến hợp đồng dầu khí; Quy định việc thực hiện dự án dầu khí theo chuỗi từ tìm kiếm thăm dò, khai thác, vận chuyển, xử lý; Quy định về ưu đãi đầu tư dầu khí và đặc biệt ưu đãi đầu tư dầu khí; Quy định về các bước triển khai dự án trong hoạt động dầu khí; Quy định việc cho phép bên thứ ba tiếp cận các cơ sở hạ tầng có sẵn của ngành Dầu khí...

Tại những tọa đàm, hội thảo do những đơn vị thành viên của PVN tổ chức, đông đảo các nhà thầu, chuyên gia dầu khí, cán bộ, người lao động trực tiếp tham gia các dự án dầu khí đã chỉ ra những vướng mắc cần tháo gỡ trong Luật Dầu khí hiện hành cũng như sự cấp bách cần sửa đổi nhiều điều khoản của Luật này.

Luật Dầu khí đã bộc lộ một số tồn tại và bất cập

Theo chuyên gia Đoàn Văn Thuần - Viện Dầu khí Việt Nam (VPI), với hành lang pháp lý hiện nay, hoạt động dầu khí tại Việt Nam đang có quá nhiều cơ quan cùng tham gia vào hoạch định chính sách và phê duyệt các quy trình liên quan. Thực tế là cơ chế chính sách pháp luật về dầu khí hiện còn nhiều bất cập, các điều khoản hợp đồng dầu khí chưa đủ sức hấp dẫn, cạnh tranh so với các quốc gia trong khu vực, điều kiện tiềm năng dầu khí trong nước ngày càng hạn chế, gây khó khăn rất lớn trong việc thu hút đầu tư nước ngoài đối với hoạt động tìm kiếm thăm dò, gia tăng trữ lượng.

Tạo hành lang pháp lý thuận lợi cho nhà đầu tư, cải thiện mức độ hấp dẫn của môi trường đầu tư trong lĩnh vực dầu khí

Đặc biệt, Luật Dầu khí 1993 vẫn chỉ giới hạn ở hoạt động dầu khí thượng nguồn là thăm dò khai thác mà chưa đề cập đến hoạt động dầu khí ở khâu trung nguồn và hạ nguồn. Vì vậy, việc thu hút đầu tư vào chuỗi giá trị dầu khí từ khâu thượng nguồn đến hạ nguồn gặp nhiều khó khăn. Thực tế trong giai đoạn 2016 - 2020, PVN chỉ ký được 6 hợp đồng dầu khí mới; trong đó, chỉ ký được 1 hợp đồng dầu khí duy nhất với công ty dầu khí nước ngoài là Murphy Oil.

Đại diện Tổng Công ty Thăm dò và Khai thác Dầu khí (PVEP), ông Trần Quốc Việt, Chủ tịch HĐTV PVEP nhấn mạnh, Luật Dầu khí gắn liền với hoạt động sản xuất kinh doanh của PVEP nhưng trong đó tồn tại không ít những khó khăn, bất cập đã nhiều năm nay, đặc biệt về thủ tục đầu tư. Việc áp dụng Luật Dầu khí hiện nay đối với doanh nghiệp trong nước như PVEP và doanh nghiệp, nhà thầu nước ngoài đều có những khó khăn khác nhau, dẫn chứng như các thủ tục về đầu tư có rất nhiều vấn đề cần phải được bổ sung, sửa đổi để phù hợp với thực tiễn.

Trong văn bản góp ý Dự thảo Luật, PVEP cho rằng, Dự thảo không quy định về trình tự, thủ tục đầu tư dự án Dầu khí nên chưa tháo gỡ được các khó khăn, vướng mắc của PVN và PVEP trong nhiều năm qua, do hoạt động đầu tư dự án Dầu khí chịu sự điều chỉnh đồng thời và đan xen của nhiều văn bản pháp luật khác nhau. Do vậy, PVEP kiến nghị cần bổ sung các quy định về thẩm quyền, trình tự, thủ tục đầu tư dự án Dầu khí của các doanh nghiệp Nhà nước như PVN và các doanh nghiệp thuộc sở hữu 100% doanh nghiệp Nhà nước như PVEP.

Liên quan đến vấn đề này, Tổng Công ty Khí Việt Nam (PV GAS) cho rằng, trong trường hợp dự án dầu khí thực hiện theo chuỗi thì các hạng mục trên bờ phải thực hiện theo nhiều luật với quy định và quy trình khác nhau là không khả thi. Bởi vậy, Luật Dầu khí sửa đổi cần phải xác định được nguyên tắc ưu tiên áp dụng luật trong trường hợp này. Bên cạnh đó, Luật cần quy định, hướng dẫn cụ thể khái niệm “các hoạt động phục vụ trực tiếp” cho hoạt động dầu khí. Chẳng hạn, hoạt động vận chuyển khí của PV GAS có thuộc phạm vi điều chỉnh của Luật trong trường hợp này hay không?

Còn theo Công ty Điều hành Dầu khí Biển Đông (BIENDONGPOC), trong giai đoạn phát triển mỏ, đối với những dự án có sự tham gia của PVN, kế hoạch khai thác sớm cần được cấp có thẩm quyền phê duyệt đồng thời với dự án đầu tư, bao gồm cả phương án thu xếp vốn/hiệu quả đầu tư của dự án. Điều này nhằm bảo đảm quy định về đầu tư, quản lý sử dụng vốn được tích hợp đầy đủ trong Luật Dầu khí. Việc tổng mức đầu tư tăng thêm 10% rất hay xảy ra nên cần nới rộng mức này lên 20% để hạn chế thủ tục trình, duyệt của nhà thầu và cơ quan có thẩm quyền, tạo điều kiện cho nhà thầu triển khai hoạt động liên tục, rút ngắn thời gian dự án.

Tại Tọa đàm góp ý cho Dự thảo Luật, các thành viên Tổng Công ty CP Dịch vụ Kỹ thuật Dầu khí Việt Nam (PTSC) chú trọng đặc biệt là quy định liên quan đến chính sách bảo hộ dịch vụ dầu khí trong nước, ưu tiên sử dụng dịch vụ trong nước đối với các dự án dầu khí. Cụ thể như những sửa đổi, bổ sung tại Khoản 1, Khoản 2, Điều 23 của Dự thảo Luật Dầu khí về Mua sắm hàng hóa, dịch vụ cho hoạt động dầu khí; như Điều 6 Dự thảo về áp dụng Luật Đầu tư trong tương quan với Luật Dầu khí và các Luật chuyên ngành khác, những thay đổi về thủ tục, thẩm quyền đối với các dự án đầu tư, các ngành nghề kinh doanh có điều kiện…

Sửa đổi Luật là tất yếu khách quan và hợp quy luật

Tại Diễn đàn thanh niên Dầu khí “Tìm hiểu, lấy ý kiến về Dự thảo Luật Dầu khí (sửa đổi)”, nhiều ý kiến của các đoàn viên thanh niên cho rằng, Luật Dầu khí hiện tại chỉ quy định giới hạn hoạt động dầu khí ở các khâu tìm kiếm, thăm dò, phát triển mỏ và khai thác dầu khí, đối với các hoạt động khác như vận chuyển, chế biến, lọc hóa dầu, hoặc liên quan đến công tác mua sắm vật tư thiết bị, thuê dịch vụ phục vụ các hoạt động trên… hầu như không được đề cập, hoặc quy định chưa rõ ràng. Cần có hướng dẫn chi tiết hơn đối với hoạt động dầu khí tại tất cả các khâu, hoạt động, nhằm tăng tính khả thi, hiệu quả khi thực hiện, đảm bảo tuân thủ các quy định của pháp luật.

Mới đây nhất, Hội Cựu chiến binh Tập đoàn đã chủ trì phối hợp với Hội CCB Cụm công tác số 3 Khối các cơ quan Ban, Bộ, Ngành Trung ương tổ chức Tọa đàm trực tuyến với chủ đề “Sửa đổi Luật Dầu khí để góp phần phát triển kinh tế và bảo vệ Tổ quốc”. Tại Tọa đàm, các đại biểu đã khẳng định việc sửa đổi Luật là tất yếu khách quan và hợp quy luật, không ít ý kiến cho rằng, Dự thảo Luật cần phải thể hiện rõ tinh thần Nghị quyết 55/NQ-TW; Nghị quyết 140/NQ-CP về Chương trình hành động thực hiện Nghị quyết 55.

Đồng thời, nhấn mạnh được vai trò của PVN thay mặt quản lý Nhà nước về dầu khí, thể hiện đúng vai trò dẫn dắt trong lĩnh vực dầu khí nói chung… Làm sao để Luật Dầu khí phải khái quát được tất cả những vấn đề của ngành Dầu khí. Theo ông Lê Xuân Thành, Thư ký Khoa học, Hội đồng lý luận Trung ương, Phó Chủ tịch Chi hội Cựu chiến binh, nguyên Vụ trưởng Vụ công nghiệp (Ban Kinh tế Trung ương), Dự thảo Luật cần chú trọng nghiên cứu, ứng dụng những thành tựu của cuộc cách mạng công nghiệp 4.0 trong phát triển tất cả các phân ngành, lĩnh vực năng lượng; đẩy mạnh chuyển đổi số trong ngành năng lượng; từng bước làm chủ công nghệ hiện đại, tiến tới tự chủ sản xuất được phần lớn các thiết bị năng lượng...

Tất cả các ý kiến góp ý đều được Tập đoàn Dầu khí Việt Nam tổng hợp và gửi đến Bộ Công Thương theo nguyên tắc: Các nội dung luật pháp về Dầu khí giúp cho hoạt động Dầu khí trên phạm vi lãnh thổ Việt Nam nói chung và hoạt động của Tập đoàn Dầu khí Quốc gia Việt Nam nói riêng mang đầy đủ đặc trưng, đặc thù của ngành Dầu khí theo thông lệ Quốc tế. ..

Theo dự kiến, Luật Dầu khí (sửa đổi) sẽ được lấy ý kiến Quốc hội tại Kỳ họp thứ 3 (tháng 5/2022) và trình Quốc hội ban hành tại Kỳ họp thứ 4 (tháng 10/2022).

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Các đơn vị ngành Dầu khí tích cực tham gia góp ý vào Luật Dầu khí sửa đổi
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO