Để làm rõ thêm thông tin về những tác động của bão số 4, phóng viên Báo Tài nguyên và Môi trường đã có trao đổi nhanh với TS. Mai Văn Khiêm - Giám đốc Trung tâm Dự báo Khí tượng Thủy văn Quốc gia.
PV:Xin ông cho biết, những diễn biến của bão số 4 hiện nay ra sao?
TS. Mai Văn Khiêm: hiện nay bão số 4 di chuyển theo hướng Tây với tốc độ 20km/h và cường độ cấp 9 , cách khu vực Nghệ An, Quảng Bình 260km. Nếu bão cứ di chuyển như hiện nay và không có yếu tố tác động khác thì dự báo vào khoảng rạng sáng sớm đến trưa ngày mai bão sẽ đi vào khu vực Nghệ An, Quảng Bình.
Tuy nhiên, đặc biệt nhấn mạnh khu vực bị ảnh hưởng nặng nề của bão sẽ mở rộng ra từ Thanh Hóa đến Quảng Trị, nhất là gió mạnh do bão có thể đến sớm từ 3 đến 4 tiếng trước khi bão vào. Có nghĩa là từ đêm nay các tỉnh từ Thanh Hóa đến Quảng Trị đã có thể bị ảnh hưởng bởi gió mạnh do bão.
PV:Vậy thì, theo ông những tác động nào của cơn bão này là nguy hiểm và đáng chú ý nhất?
TS. Mai Văn Khiêm: Tất cả những tác động của cơn bão số 4 này có thể gây ra cho các địa phương, Trung tâm dự báo KTTV Quốc gia đã và sẽ cập nhập thường xuyên đến các cơ quan phòng chống thiên tai trung ương và địa phương.
Trong đó, lưu ý về gió mạnh, bão số 4 có thể gây ra bão mạnh cấp 8, cấp 9 giật cấp 11 ở khu vực Nam vịnh Bắc Bộ; còn khu vực mà vùng ảnh hưởng của bão thì gió có thể giật cấp 8, cấp 10. Về mưa, bão số 4 gây ra đợt mưa lớn ở khu vực Bắc Trung Bộ, Trung Trung Bộ, trong đó trọng tâm là các tỉnh như Hà Tĩnh, Quảng Bình, Quảng Trị, lượng mưa cả đợt có thể là từ 250-400mm.
Đáng chú ý, hiện nay tâm bão còn ở ngoài xa đảo Hải Nam, tuy nhiên vùng mà mây đối lưu ở phía trước phía Tây đã di chuyển về trong đất liền và đây là ảnh hưởng rất lớn gây ra dông, lốc và các đợt mưa cục bộ bắt đầu từ chiều nay ở các khu vực miền Trung, Bắc Trung Bộ, Trung Trung Bộ. Ngoài ra, cũng cần lưu ý đến như là các trường hợp mực nước dâng do bão từ 0,5 – 1m kết hợp với triều cường gây ảnh hưởng đến các khu đê kè, công trình cơ sở hạ tầng, cần hết sức cảnh giác đề phòng với các hiện tượng này trong đêm nay.
Tiếp đến, do ảnh hưởng của bão số 4 gây mưa lớn và có khả năng cao xảy ra lũ quét, đặc biệt là khu vực Thanh Hóa, Quảng Bình, Nghệ An, Quảng Trị và các tỉnh Sơn La, Yên Bái, Hòa Bình,…
PV:Với những tác động của bão số 4 như vậy thì ông có khuyến cáo gì đến các địa phương và người dân?
TS. Mai Văn Khiêm: Đối với các địa phương cần lưu ý mưa lớn có thể gây ra các vấn đề ngập lụt ở vùng trũng, khu vực đô thị; lũ ở các con sông, ở các thượng nguồn sông Cả, sông Mã có thể báo động lên cấp 2, cấp 3. Ngoài ra lũ quét, sạt lở đất có thể xảy ra ở một số khu vực như Thanh Hóa, Hòa Bình, Sơn La, Hà Tĩnh, Nghệ An, Quảng Trị là các khu vực chịu ảnh hưởng nặng nhất của cơn bão này.
PV: Xin trân trọng cảm ơn ông!
Trung tâm Dự báo KTTV Quốc gia cho biết, trong ngày 29/8, trên những bức ảnh chụp từ vệ tinh thấy cấu trúc mây bão số 4 có dạng lệch tâm, tức là tâm bão nằm ở rìa vùng mây đối lưu phát triển mạnh. Trong cấu trúc này, vùng mây dông phát triển mạnh và nằm lệch phía tây nam cơn bão trong khi phía đông bắc mây kém phát triển hơn. Đây cũng là một dạng mây bão hay gặp trên biển Đông nhờ những bức ảnh vệ tinh. Với dạng mẫu mây như vậy nên mặc dù tâm bão mới nằm ở phía nam đảo Hải Nam và còn cách đất liền hơn 300km nhưng toàn bộ khu vực Bắc và Trung Trung Bộ, khu vực Bắc Tây Nguyên trời đã nhiều mây, có mưa vừa, mưa to. Trong một dải các tỉnh miền Trung, có Hà Tĩnh nằm ngay phía bắc đèo Ngang nằm gần vuông góc với hoàn lưu gió từ rìa cơn bão nên đã xuất hiện dông lốc mạnh vào hồi... giờ. Đối với các tỉnh ven biển Bắc Bộ, trong chiều tối nay, hoàn lưu rìa cơn bão đã hình thành những vệt mây dông phát triển mạnh có xu hướng cuốn vào vùng trung tâm cơn bão nên ngay tại Hà Nội chiều nay đã có mưa dông mạnh. Tuy nhiên, những vệt mây này sẽ không gây mưa kéo dài. |