Các địa phương có nhiều ca nhiễm được cách ly F0 tại nhà |
Dịch bệnh biễn diễn phức tạp, khó lường ở nhiều địa phương
Việt Nam đang phải đối mặt với “làn sóng thứ tư” của dịch bệnh COVID-19 tấn công và gây hậu quả nghiêm trọng, số lượng ca bệnh COVID-19 trên cả nước tăng cao trong thời gian qua. Đặc biệt, sự xuất hiện của biến chủng Delta với tốc độ lây lan rất nhanh, nguy hiểm, làm gia tăng ca bệnh nặng, số ca bệnh nguy kịch và tử vong tăng cao. Theo thống kê của Tiểu ban điều trị, Ban Chỉ đạo Quốc gia phòng chống dịch COVID-19, số ca nhiễm mới ghi nhận trong nước tính của đợt dịch kể từ 27/4 đến sáng 8/8 là 201.743 ca, trong đó, có 63.863 bệnh nhân đã được công bố khỏi bệnh và 3.215 ca tử vong.
Thành phố Hồ Chí Minh tiếp tục là điểm “nóng” khi ghi nhận hàng nghìn ca mắc mới COVID-19 mỗi ngày. Tính đến 6h sáng ngày 8/8, Thành phố đã ghi nhận 119.538 trường hợp mắc COVID-19, trong đó có 2.509 ca tử vong. Theo Trung tâm Kiểm soát bệnh tật TP. Hồ Chí Minh (HCDC), Thành phố đã trải qua 30 ngày giãn cách xã hội toàn thành phố theo Chỉ thị 16/CT-TTg, số F0 mới mỗi ngày tăng dần trong giai đoạn đầu giãn cách xã hội, sau đó đã giảm mạnh, và 11 ngày gần đây có xu hướng đi ngang với con số thấp nhất ghi nhận được là 3.300 ca vào ngày 4/8. Những ca F0 chủ yếu được phát hiện trong các khu cách ly, phong tỏa thuộc 31 ổ dịch đã được khoanh vùng, giám sát và 2 ổ dịch mới phát hiện tại khu dân cư trong ngày 7/8. Tuy nhiên, số ca mắc vẫn có thể tăng trong thời gian tới vì vẫn còn ca nhiễm trong cộng đồng.
Song song với đó, tình hình dịch ở các tỉnh giáp ranh như Bình Dương, Đồng Nai, Long An, Tây Ninh cũng diễn biến phức tạp. Đến nay, Bình Dương đã có 25.895 ca mắc; Long An có 10.119 ca; Đồng Nai có gần 7.800 ca nhiễm.
Tại Hà Nội, Sở Y tế Hà Nội cho biết, đến trưa 8/8, thành phố đã có 1.770 trường hợp dương tính với SARS-CoV-2, trong đó số mắc ghi nhận ngoài cộng đồng là 1.067 ca. Theo nhận định của Phó Bí thư Thành ủy Hà Nội Nguyễn Văn Phong, tình hình dịch COVID-19 tại thủ đô vẫn đang diễn biến phức tạp, khó lường. Vì ngoài số dân đông, Hà Nội là đầu mối giao thông quốc gia, vẫn có giao thương, giao lưu về con người hàng hóa, chưa thể "đóng cứng" được như các tỉnh khác. Các tỉnh xung quanh Hà Nội vẫn còn đang có dịch.
Đến nay, 30 quận, huyện của Hà Nội đều có ca mắc COVID-19, trong đó, có nhiều quận, huyện có số lượng ca mắc lớn như Hai Bà Trưng, Hoàng Mai, Hoàn Kiếm, Đống Đa, Thanh Trì, Đông Anh. Ngoài ra, dịch bệnh đã xâm nhập vào các khu công nghiệp, bệnh viện, chuỗi cung ứng, chợ truyền thống và các khu dân cư đông và vẫn có các ca bệnh không rõ nguồn lây.
Đảm bảo đầy đủ oxy, máy thở, đối tượng F0 được theo dõi điều trị tại nhà
Trước tình hình trên, nhằm mục tiêu ngăn chặn, khoanh vùng, cách ly triệt để, dập dịch kịp thời, không để dịch tiếp tục bùng phát, lan rộng, để bảo vệ sức khỏe nhân dân, hạn chế thấp nhất số mắc, số tử vong, Bộ Y tế đã ban hành công điện số 1168/CĐ-BYT ngày 7/8 gửi Chủ tịch UBND các tỉnh, thành phố về tăng cường thực hiện các biện pháp phòng, chống dịch COVID-19. Theo đó, các địa phương phải chuẩn bị các phương án cao nhất cho điều trị, bảo đảm đầy đủ oxy, máy thở, giường cấp cứu và các vật tư, trang thiết bị cần thiết khác trong thời gian sớm nhất.
Lãnh đạo Bộ Y tế và TP. Hồ Chí Minh khảo sát thực tế tại các điểm thiết lập Trung tâm Hồi sức tích cực. Ảnh: Bộ Y tế |
Thiết lập và chuẩn bị sẵn sàng đưa vào sử dụng nhanh nhất các cơ sở thu dung, điều trị theo mô hình tháp 3 tầng của Bộ Y tế, theo tiến triển và mức độ lâm sàng của người bệnh. Trong đó, đối với nhóm người bệnh nhẹ, không triệu chứng, chuẩn bị và sẵn sàng thiết lập các cơ sở thu dung, điều trị ban đầu COVID-19 từ các cơ sở trên địa bàn như khu ký túc xá, khu tái định cư, nhà thi đấu, các cơ sở lưu trú, khách sạn.
Đối với nhóm người bệnh mức độ trung bình, có triệu chứng, các địa phương xây dựng bệnh viện dã chiến, hoặc thiết lập các bệnh viện điều trị bệnh nhân COVID-19 từ các bệnh viện tuyến huyện hoặc bệnh viện tư nhân trên địa bàn.
Đối với nhóm bệnh nhân nặng, nguy kịch, bố trí và bảo đảm số giường hồi sức tích cực tại bệnh viện đa khoa tỉnh, thành phố với đủ điều kiện kỹ thuật hồi sức tích cực nâng cao như thở máy xâm nhập, lọc máu liên tục… để cấp cứu, điều trị người bệnh COVID-19 nặng và nguy kịch.
Theo Bộ trưởng Nguyễn Thanh Long, các địa phương có số lượng người bệnh và nhu cầu điều trị tăng cao thì cần xem xét và chỉ đạo thực hiện các giải pháp phù hợp. Cụ thể, đối với trường hợp mắc COVID-19 không có triệu chứng đang được chăm sóc, điều trị tại các cơ sở y tế, cho xuất viện vào ngày thứ bảy khi xét nghiệm RT-PCR âm tính hoặc có hoặc tải lượng virus thấp (giá trị CT ≥ 30) và tiếp tục theo dõi, giám sát y tế tại nhà, nơi lưu trú.
Đối với ca bệnh phát hiện tại cộng đồng (kết quả xét nghiệm RT-PCR dương tính với SARS-CoV-2) không có triệu chứng lâm sàng, nếu có tải lượng virus thấp (giá trị CT ≥ 30) thì không cần thiết đưa vào cơ sở y tế mà chỉ theo dõi y tế tại nhà.
Đối với người bệnh đã đủ tiêu chuẩn xuất viện theo quy định của Bộ Y tế và trong thời gian tự theo dõi tại nhà, nơi lưu trú nếu có tái dương tính thì không cần cách ly điều trị tại cơ sở khám chữa bệnh và không cần thực hiện các biện pháp cách ly, xử lý ổ dịch. Các trường hợp này cần tiếp tục được theo dõi y tế, nếu xuất hiện triệu chứng thì liên hệ ngay với cơ sở y tế để được chăm sóc, theo dõi.
Đối với các địa phương có nhiều người nhiễm, được áp dụng cách ly y tế tại nhà đối với các trường hợp nhiễm. Địa phương chịu trách nhiệm tổ chức các tổ công tác y tế, các tổ tư vấn, tổng đài tư vấn để giúp đỡ, chăm sóc người bệnh và kịp thời chuyển đến cơ sở y tế kịp thời khi có dấu hiệu chuyển nặng.
Ngoài ra, Bộ Y tế cũng đề nghị các địa phương đẩy nhanh tốc độ tiêm vaccine COVID-19, tạo thuận lợi và bảo đảm an toàn cho người được tiêm. Đối với các địa phương đang thực hiện giãn cách xã hội theo Chỉ thị 16 cần tiếp tục thực hiện nghiêm, hiệu quả, chắc chắn và thực chất việc giãn cách theo nguyên tắc người cách ly với người, gia đình cách ly với gia đình, yêu cầu người dân “ai ở đâu thì ở đó”.
Triển khai ngay, trong thời gian nhanh nhất có thể phải thực hiện thần tốc xét nghiệm, tầm soát trên diện rộng, trước tiên tại các khu vục phong tỏa, có nguy cơ rất cao, nguy cơ cao và với người có nguy cơ lây nhiễm cao, các trường hợp có biểu hiện ho, sốt để kịp thời phát hiện và đưa các trường hợp nhiễm COVID-19 (F0) ra khỏi cộng đồng nhanh nhất đồng thời tổ chức tốt việc điều phối, lấy mẫu, trả kết quả xét nghiệm kịp thời trong thời gian 24h đối với RT-PCR.