Những điều ấy trở thành phương châm hành động cả về y đức và y thuật, từ đó ngày Bác gửi thư được chọn là Ngày thầy thuốc Việt Nam. Bài viết xin khái lược giới thiệu các danh y lớn của thế giới và Việt Nam để thấy rõ thêm lời Bác dạy đã kết tinh văn hóa y học của nhân loại và cha ông.
Người đưa y học thành một ngành khoa học để rồi được coi là cha đẻ của Y học phương Tây là Hippocrates (khoảng 460-370 TCN). Sinh tại đảo Cos (Hy Lạp), Hippocrates được học nghề y từ cha và trở thành một y sĩ của đất nước Hy Lạp. Nguyên tắc y học của ông là: “Trước tiên là không làm gì có hại” và “Y thuật thì dài còn cuộc đời thì ngắn”. Đó là những vấn đề mang tính nền móng để y học như một khoa học phát triển. Trước tác nổi tiếng của ông để lại chính là “Lời thề Hippocrates” đặt nền tảng cho đạo đức y học mà đến nay vẫn được các bác sĩ tuyên thệ làm theo trước khi bắt đầu hành nghề. Mở đầu Lời thề này là sự “chứng giám” của các vị Thần trong huyền thoại Hy Lạp: “Tôi xin thề trước Apollon thần chữa bệnh, trước Esculapius thần y học, trước thần Hygieia và Panacea…”. Ông nghiên cứu sinh lý học, giải phẫu, tìm hiểu các nguyên nhân để có kết luận bệnh tật là do mất cân bằng tỷ lệ dịch trong cơ thể gây ra. Đây là một đóng góp lớn khi coi y học là một khoa học, chỉ đưa ra kết luận khi có những nghiên cứu cụ thể. Ở thời các lang băm và thầy bói khám bệnh bằng kinh nghiêm và bói toán đang rất mạnh mà có những nhận định ấy phải là người thật sự dũng cảm, có bản lĩnh!
Ở phương Đông, vào khoảng thế kỷ V (TCN) có một đại danh y người Trung Quốc tên là Biển Thước. Ông là người tìm hiểu, nghiên cứu cách “bắt mạch” để xem bệnh. Khoa “Mạch học” của y học cổ truyền phương Đông hầu như dựa vào nguyên lý của Biển Thước để phát triển và hoàn chỉnh. Trước tác ông để lại thành tài sản quý báu cho nền Y học cổ truyền phương Đông, nổi tiếng nhất là bộ “Hoàng đế 81 nạn kinh” làm cơ sở cho khoa học châm cứu hiện đại.
Trong “Tam quốc diễn nghĩa”, có chi tiết rất ấn tượng danh y Hoa Đà xem bệnh cho Tào Tháo và nói phải mổ sọ mới chữa được. Chưa bàn tới bệnh đa nghi của Tháo, chỉ nói tới thời đó y học chưa thể có chuyện “phẫu thuật sọ não”, thế nên không những không cho chữa mà Tháo còn giết Hoa Đà. Qua đó cho thấy Hoa Đà có tài năng đi trước thời đại. Thế là nhân loại mất một đại danh y… Hoa Đà (?-220) là danh y lớn rất chịu khó học và thực nghiệm y thuật. Chưa nói tới truyền thuyết, trong chính sử (và truyền kỳ) như ở sách “Hậu Hán thư”, phần “Hoa Đà truyện ký” có nói ông đã làm phẫu thuật ổ bụng. Y thuật và Y đức của Hoa Đà được các học trò tập hợp thành quyển “Trung tàng kinh”, qua đây y học hiện đại mới thấy chính ông là người đầu tiên mở đường cho chuyên ngành phẫu thuật. Ông cũng là người mở đầu cho rèn luyện thể lực bằng cách “tập thể dục” và “lao động”: “Lao động làm cho khí huyết lưu thông…ví như then cửa đóng mở luôn thì không rỉ, nước chảy luôn thì không thối”. Đó thật sự là tư tưởng lớn!
Với tư tưởng “Nam dược trị Nam nhân” (thuốc nước Nam chữa bệnh cho người Nam) đậm tinh thần dân tộc, được hậu thế suy tôn là ông Tổ ngành dược, Thiền sư Tuệ Tĩnh (1300-?) là người mở đầu nền y dược cổ truyền Việt Nam. Ông tên thật là Nguyễn Bá Tĩnh, biệt hiệu Hồng Nghĩa, pháp hiệu Tuệ Tĩnh. Quê làng Nghĩa Phú, tổng Văn Thai (Cẩm Giàng - Hải Dương). Dù đã đỗ Thái học sinh (thời Trần Dụ Tông) nhưng không ra làm quan, ông trở về làm thuốc cứu người. Y thuật của Tuệ Tĩnh nổi tiếng đến mức triều đình lấy ông làm “vật” cống phẩm ngoại giao. Ông lại trở thành Đại thái y của hoàng cung triều Minh. Xa quê, khao khát về quê nhưng vẫn không được thỏa, ông đành trối trăng khắc vào phần mộ câu thơ nhức nhối đau đáu tình yêu quê hương: “Ai về nước Nam cho tôi theo với!”. Các bộ sách thuốc của ông rất quý với chúng ta, nhất là sách về dược tính của 580 vị thuốc Nam và hàng ngàn phương thuốc điều trị hàng trăm loại bệnh.
Đại danh y Lê Hữu Trác (1720-1791) hiệu Hải Thượng Lãn ông tìm hiểu y học cổ truyền của dân tộc, tiếp thu tinh hoa y lý phương Đông để có cách chữa bệnh rất riêng. Bộ “Y tôn tâm lĩnh” (28 tập, 66 quyển) đề cập nhiều phương diện y học gồm Y đức, Y lý, Y thuật, Dược, Di dưỡng. Y lý của ông được diễn đạt với một phong cách văn chương đặc sắc, ngắn gọn mà tinh tế, hài hước mà thấm thía, bao quát mà đầy đủ. Tập “Thượng kinh ký sự” vừa là sách văn chương giàu ý nghĩa vừa là những đúc kết y học rất giá trị. Có những nhận xét mang tính khoa học về quan hệ giữa con người và môi trường: “Đó là vì Thế tử ở trong chốn màn che trướng phủ, ăn quá no, mặc quá ấm nên phủ tạng yếu đi. Vả lại, bệnh mắc đã lâu, tinh khí khô hết, da mặt khô, rốn lồi to, gân thời xanh, tay chân gầy gò. Đó là vì nguyên khí đã hao mòn, thương tổn quá mức”. Văn phong trào phúng mỉa mai là một nét riêng của phong cách này: “Thế tử thực là người trời, gan vàng dạ sắt! Một năm nay uống không biết bao nhiêu thuốc mà thần sắc vẫn như thường. Nếu là con nhà thường dân thì không thọ được một ngày”. Tư tưởng Y đức của ông còn sáng mãi với hậu thế: “Làm thuốc thì phải nghĩ đến việc cứu người chứ! Cái lòng trung của kẻ làm tôi ở trong nghề thuốc ở đâu?”. Với ông “văn là người” là rất rõ.
Khi giặc Pháp xâm lược Nam bộ, cả đất nước được nghe tiếng thơ yêu nước của nhà thơ lớn Nguyễn Đình Chiểu (1822-1888). Bi kịch đời riêng gặp bi kịch mất nước không cho phép ông đi theo con đường công danh khoa cử. Vốn là một thầy thuốc tài năng, đức độ, ông về quê dạy học, bốc thuốc, viết văn. Bằng tình yêu nước, yêu dân và tài năng văn chương, ông đã điêu khắc bằng ngôn từ hình tượng người nghĩa sỹ Cần Giuộc kỳ vĩ tỏa sáng tinh thần xả thân vì nước. Tác phẩm y học nổi tiếng nhất của ông là “Ngư tiều y thuật vấn đáp” đậm phong vị văn chương nói rất sinh động về cách chữa bệnh bằng thuốc Nam và một tư tưởng Y đức lớn: “Thấy người đau giống mình đau/ Phương nào cứu đặng, mau mau trị lành”. Nguyễn Đình Chiểu là ngôi sao trên bầu trời văn hóa Việt Nam tỏa sáng tinh thần yêu nước của dân tộc mở đầu công cuộc chống thực dân Pháp xâm lược. Ông trở thành một tượng đài văn hóa sừng sững để hậu thế chiêm ngưỡng, kính trọng, học tập với hình ảnh một tay bốc thuốc cứu người, một tay cầm bút đuổi gặc. Có thể coi hai câu thơ bất hủ của ông là mục đích, là lý tưởng cho mỗi văn nghệ sĩ hôm nay: “Chở bao nhiêu đạo thuyền không khẳm/ Đâm mấy thằng gian bút chẳng tà”.
Các danh y trên có chung đặc điểm vừa là nhà y học vừa là nhà tư tưởng. Ở thời hiện đại trên thế giới cũng nhiều nhà y khoa đồng thời là nhà văn lớn như Chekhov người Nga hay Lỗ Tấn bên Trung Quốc. Theo Lỗ Tấn thì làm bác sĩ chữa bệnh cho một số người còn làm nhà văn thì chữa bệnh cho cả một dân tộc. Như vậy cả hai nghề đều có điểm giống nhau là “chữa bệnh”, khác chăng là một thì chữa bệnh lý, một thì chữa bệnh tinh thần.
Thời hiện đại nước ta có những bác sỹ nổi tiếng thế giới như GS Hồ Đắc Di, GS Tôn Thất Tùng, Bộ trưởng Y tế Phạm Ngọc Thạch có những đóng góp lớn lao cho nền y học nước nhà và quốc tế. Đó là những tấm gương tiêu biểu cho lời dạy của Bác Hồ: “Lương y như từ mẫu” cả một đời tận tụy hết lòng vì khoa học y học và người bệnh. Riêng Giáo sư, bác sĩ Tôn Thất Tùng có những đóng góp đặc biệt trong lĩnh vực gan và giải phẫu gan. Ông để lại 123 công trình khoa học có giá trị cho nền y khoa hiện đại. Đất nước ta vừa chiến thắng đại dịch Covid 19 có sự đóng góp lớn lao của đội ngũ bác sỹ, y tá, hộ lý. Họ xứng đáng được vinh danh và ghi nhớ công lao!